Một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự khác

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 174 - 182)

NHỮNG TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

2. CÁC TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

2.5. Một số trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự khác

Người phạm tội là đối tượng nguy hiểm cho xã hội, hành vi phạm tội của họ đã, đang và sẽ gây ra những thiệt hại cho các lợi ích được luật hình sự bảo vệ. Do vậy, khi phát hiện người phạm tội, chúng ta có quyền bắt giữ, thậm chí là có thể dùng vũ lực và gây ra thiệt hại để bắt giữ, nhằm giúp cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, cũng như nhằm mục đích ngăn ngừa họ phạm tội mới. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời tội phạm, nhưng vẫn đảm bảo tính pháp chế, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định về trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội. Theo đó, khoản 1 Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định: “Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành

vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm”.

Bắt giữ người phạm tội là một chế định của pháp luật tố tụng hình sự1, nhưng việc thực hiện những hành vi để bắt giữ người phạm tội mà gây thiệt hại cho người bị bắt giữ lại là vấn đề thuộc về lĩnh vực pháp luật hình sự. Sử dụng vũ lực đối với người thực hiện hành vi phạm tội cần bắt giữ mà không vượt quá mức cần thiết thì được loại trừ trách nhiệm hình sự, được Nhà nước xem là hành vi tích cực, khuyến khích các thành viên, cá nhân trong xã hội thực hiện khi gặp hoàn cảnh mà luật dự liệu.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015, điều kiện để được loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này bao gồm:

(1) người bị bắt giữ là người đã thực hiện hành vi phạm tội; (2) người bắt giữ có hành vi sử dụng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ; (3) hành vi sử dụng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ của người bắt giữ phải cần thiết.

Ngược lại, trong trường hợp vượt quá “mức cần thiết” thì vẫn bị coi là tội phạm, vấn đề này được ghi nhận cụ thể ở khoản 2 Điều 24 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Quy định này nhằm tránh tình trạng lạm dụng để dùng vũ lực quá mức cần thiết đối với người phạm tội đã gây tổn hại sức khỏe, thể chất của người bị bắt giữ cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp khác của họ, đồng thời nhắc nhở mọi người khi tham gia vào bắt giữ người phạm tội phải tuân thủ pháp luật, phải cân nhắc khi thực hiện hành vi, không được dùng vũ lực và gây thiệt hại vượt quá mức cần thiết, bởi vì

1 Xem: Điều 110 (Giữ người trong trường hợp khẩn cấp), Điều 111 (Bắt người phạm tội quả tang), Điều 112 (Bắt người đang bị truy nã), Điều 113 (Bắt bị can, bị cáo để tạm giam) của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

hành vi vượt quá đó vẫn bị coi là tội phạm, điều này thể hiện tính pháp chế xã hội chủ nghĩa trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm; dựa trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền được bảo vệ về sức khỏe, về thân thể kể cả khi người đó là người bị bắt giữ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”1.

Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết cho người bị bắt giữ, được xem là một trong những tình tiết định tội đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội quy định tại Điều 126 và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Như vậy, quy định này thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta đối với các trường hợp phạm tội cụ thể, đảm bảo cơ chế pháp lý để mọi người dân có ý thức tôn trọng và bảo vệ pháp luật.

2.5.2. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ là hoạt động rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào việc sản xuất, kinh doanh cũng như đáp ứng các nhu

1 Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013.

cầu khác của con người, Bộ luật Hình sự đã quy định trường hợp gây thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

Điều kiện để được loại trừ trách nhiệm hình sự khi gây ra thiệt hại trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới:

- Hành vi mà chủ thể thực hiện gây hậu quả nguy hại cho xã hội phải là các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới. Như vậy, nếu một người nào đó nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mà không mới, tức là ở trong nước hoặc trên thế giới đã từng được thử nghiệm, áp dụng thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự;

- Chủ thể đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa khi nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới. Hoạt động đánh giá về việc tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thường được thể hiện qua việc chủ thể thực hiện phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, ngoài ra họ còn phải tuân thủ những quy trình, quy phạm khác đã được thừa nhận và buộc thực hiện khi nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới.

Quy định này trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã phần nào giải quyết được những khó khăn trên thực tế, bởi trong các Bộ luật Hình sự trước đó không có quy định, do đó trên thực tế khi xảy ra trường hợp này, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng giữa việc truy cứu trách nhiệm hình sự với việc không phạm tội hoặc miễn trách nhiệm hình sự, và phần lớn các cơ quan vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự, với lý do luật chưa quy định là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự nếu trên

thực tế gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Tuy nhiên, để áp dụng đúng và hiệu quả, còn tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể và cơ quan chức năng phải xác minh, thu thập, đánh giá một cách toàn diện liên quan đến việc áp dụng quy trình, quy phạm cũng như các biện pháp phòng ngừa của chủ thể thực hiện hành vi gây nguy hại cho xã hội khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới.

Thực tiễn ở nước ta cho thấy, có rất nhiều phát minh, sáng chế của người dân đặc biệt là công nhân và nông dân nhằm phục vụ cho kinh doanh, sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm...

Vì nhiều lý do mà họ chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép1 và khi họ thử nghiệm, áp dụng thì gây ra thiệt hại cho xã hội. Trường hợp này, họ không được loại trừ trách nhiệm hình sự. Việc pháp luật quy định như vậy nhằm tránh những trường hợp thử nghiệm, áp dụng tùy tiện gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, đối với những đối tượng này, pháp luật nên có những quy định giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bởi những phát minh, sáng chế của họ có thể hữu ích và nhằm phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhưng do họ không phải là các nhà khoa học, họ ít am hiểu pháp luật, điều kiện kinh tế còn hạn chế...

dẫn đến họ không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền những quy định này cũng như các quy định khác liên quan đến việc tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa khi nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới đến với mọi người dân.

Để đảm bảo sự an toàn khi nghiên cứu, áp dụng và thử nghiệm tránh gây ra những thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người, Bộ luật Hình sự đã xác định trách nhiệm hình sự nếu hành

1 Xin nêu một số lý do như chưa am hiểu pháp luật hoặc ngại với thủ tục đăng ký xin cấp phép khắt khe, rườm rà và tốn kém, hoặc trong quá trình chờ cấp phép họ đã thử nghiệm.

vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mà không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa. Trách nhiệm hình sự này thuộc về cá nhân gây thiệt hại cho xã hội. Do đó, đòi hỏi khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, cá nhân phải xem xét, cân nhắc kỹ trước khi thực hiện hành vi, đặc biệt phải đảm bảo đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa.

2.5.3. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên Mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là mệnh lệnh đặc biệt, đòi hỏi sự tuân thủ và đảm bảo thực hiện tuyệt đối. Do đó, Điều 26 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Quy định này xuất phát từ thực tiễn, người thi hành mệnh lệnh không có quyền và không thể làm trái lại hoặc khác đi mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên.

Do vậy, nếu họ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Lưu ý, trường hợp này khác với trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm bị cưỡng bức tuyệt đối về tinh thần, ví dụ: A dí súng vào đầu B, yêu cầu B phải ném lửa vào nhà của C để đốt nhà C, nếu không A bắn B. Đây là trường hợp cưỡng bức tuyệt đối, làm cho người bị cưỡng bức lo sợ và không có sự lựa chọn khác ngoài việc thực hiện hành vi, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đối với người khi thi hành mệnh lệnh của chỉ huy hoặc cấp trên họ không phải bị cưỡng bức tuyệt đối về tinh thần, cũng không phải là người mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều

khiển hành vi, trường hợp này họ hoàn toàn có lý trí và ý chí, họ nhận thức hành vi và hậu quả xảy ra, do đó, pháp luật quy định nếu thấy có nguy cơ gây thiệt hại khi thực thi mệnh lệnh, người thực thi phải “thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh”, nhưng nếu người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì buộc họ phải chấp hành vì đây là nguyên tắc phải tuân thủ tuyệt đối trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều kiện để hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân không phải chịu trách nhiệm hình sự:

- Đối tượng được áp dụng chế định này là cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân và thiệt hại mà họ gây ra là thiệt hại do thi hành mệnh lệnh liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà không phải tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, nếu thi hành mệnh lệnh của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhưng ở các lĩnh vực khác thì không được loại trừ trách nhiệm hình sự.

- Mệnh lệnh mà người thi hành thực hiện là mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên. Mệnh lệnh này là để thực thi các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và người có chức vụ, quyền hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân giao cho cấp dưới của mình thực hiện. Ngoài mệnh lệnh của người người chỉ huy hoặc cấp trên, tất cả các nhiệm vụ, công việc do một chủ thể khác yêu cầu thì không được xét vào trường hợp này.

- Một điều kiện bắt buộc, rất quan trọng để thỏa mãn chế định này đó là khi được chỉ huy hoặc cấp trên giao nhiệm vụ, nhận thấy nhiệm vụ đó có thể gây thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác thì người thực thi mệnh lệnh phải thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh để cho người ra mệnh lệnh biết về sự nguy hiểm của hành vi, cũng như hậu quả nguy hiểm xảy ra. Nếu người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó

thì người thực thi mệnh lệnh không phải chịu trách nhiệm hình sự khi gây ra thiệt hại. Và đương nhiên, trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều kiện này giúp cho các cán bộ, chiến sĩ khi ra mệnh lệnh cũng như thực thi mệnh lệnh phải cân nhắc, xem xét các yếu tố gây nguy hại cho xã hội từ việc thực hiện nhiệm vụ, để báo cáo, quyết định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hay không, nếu có thì phải đưa ra các phương án ngăn ngừa thiệt hại xảy ra.

Nếu hành vi gây thiệt hại thỏa mãn cấu thành của tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421 Bộ luật Hình sự năm 2015), tội chống loài người (Điều 422 Bộ luật Hình sự năm 2015) và tội phạm chiến tranh (Điều 423 Bộ luật Hình sự năm 2015) thì người thực thi mệnh lệnh vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự quy định những trường hợp ngoại lệ này bởi vì đây là những tội phạm không chỉ xâm phạm đến lợi ích quốc gia mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến hòa bình và an ninh thế giới, và khi thực thi mệnh lệnh họ nhận thức được một cách rõ ràng về tính nguy hiểm của hành vi và hậu quả của nó, do đó, pháp luật hình sự quy định trách nhiệm hình sự đối với người thực thi mệnh lệnh liên quan đến những tội phạm này, mặc dù đó là mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, chế định này được quy định là tình tiết định khung giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 421, Điều 422 và Điều 423 Bộ luật Hình sự năm 2015, thể hiện chính sách hình sự hợp lý của Nhà nước ta đối hành vi của người thi hành mệnh lệnh trong từng hoàn cảnh phạm tội cụ thể.

CÂU HỎI HƯỚNG DẪN ÔN TẬP

Câu 1. Vì sao người thực hiện hành vi gây nguy hại cho xã hội trong trường hợp sự kiện bất ngờ được loại trừ trách nhiệm hình sự?

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 174 - 182)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)