NHỮNG TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
2. CÁC TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
2.1. Sự kiện bất ngờ
2.1.1. Khái niệm
Sự kiện bất ngờ là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, được quy định tại Chương IV Bộ luật Hình sự năm 2015. Trước đây, sự kiện bất ngờ nằm trong chương về tội phạm1, cụ thể được xếp sau quy định về chế định lỗi2, được phân tích, đánh giá
1 Điều 11 Chương III Bộ luật Hình sự năm 1999.
2 Được xếp sau quy định vô ý phạm tội.
dưới góc độ lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, nhằm hệ thống hóa và phân loại các nhóm chế định cụ thể, xét về bản chất của sự kiện bất ngờ là trường hợp gây ra hậu quả cho xã hội1 nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự, do đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đưa sự kiện bất ngờ vào chương về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
Sự kiện bất ngờ là trường hợp người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hiểm mà mình thực hiện, do đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ khái niệm cho thấy, sự kiện bất ngờ không được mô tả như khái niệm của một sự kiện bình thường mà được mô tả như một tình huống, mà đúng hơn là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự thông qua loại trừ yếu tố lỗi. Chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm trong trường hợp sự kiện bất ngờ là người có năng lực trách nhiệm hình sự, điều này có nghĩa là, nếu một người không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện thì không xét vào trường hợp sự kiện bất ngờ để loại trừ trách nhiệm hình sự mà xét vào trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự.
2.1.2. Điều kiện của sự kiện bất ngờ
Chúng ta biết rằng, giữa sự kiện bất ngờ và lỗi vô ý do cẩu thả có nhiều điểm tương đồng nhau, tuy nhiên người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội với lỗi vô ý do cẩu thả thì phải chịu trách nhiệm hình sự còn sự kiện bất ngờ thì không bị truy cứu, do đó, cần phải xác định chính xác, tránh trường hợp oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Để đánh giá có hay không có sự kiện bất ngờ phải dựa vào những cơ sở cụ thể, cơ sở đó chính là những điều kiện thỏa mãn sự kiện bất ngờ, bao gồm:
1 Thỏa mãn hậu quả của tội phạm được quy định tại các tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự.
Thứ nhất, người gây thiệt hại cho xã hội không thể thấy trước hậu quả
Chính vì sự việc diễn ra bất ngờ nên đã vô hiệu hóa khả năng nhận thức về hậu quả của người thực hiện hành vi. Vấn đề nhận thức là một trong những điều kiện để thỏa mãn yếu tố lỗi, một người khi thực hiện hành vi phạm tội họ phải có khả năng nhận thức được hành vi và hậu quả mình gây ra hoặc có thể gây ra1, từ đó mới xét đến khả năng điều khiển hành vi. Người thực hiện hành vi trong sự kiện bất ngờ không có khả năng nhận thức được hậu quả, việc không nhận thức được là có cơ sở khoa học và được mọi người thừa nhận là ai trong hoàn cảnh của họ cũng không thể thấy trước được hậu quả. Ví dụ: A điều khiển xe chở cát tại bãi sông, trong quá trình điều khiển phương tiện, A đã tông qua người B, hậu quả làm B chết. Được biết, nguyên nhân xảy ra sự việc là do B chơi nghịch, lấy cát phủ lên người mình nên A không biết. Trong trường hợp này, việc A không nhận thức được hậu quả là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với hoàn cảnh khách quan và bất kỳ ai trong trường hợp của A, khi thực hiện hành vi cũng đều không thể thấy trước được hậu quả.
Trên thực tế, để đánh giá hai khía cạnh: (1) Vấn đề nhận thức (thuộc yếu tố chủ quan) là thấy trước hay không thấy trước và, (2) hậu quả (hiện thực khách quan) là cái tất yếu xảy ra không phải đơn giản, bởi về phía người thực hiện hành vi cho rằng không nhận thức được nên không thấy trước, còn phía nạn nhân cho rằng người thực hiện hành vi có khả năng thấy trước nhưng vẫn thực hiện. Do đó, khi xác định sự kiện bất ngờ, chúng ta phải đánh giá cả yếu tố chủ quan lẫn hiện thực khách quan của vụ việc. Xét về yếu tố chủ quan, phải đánh
1 Tác giả không khẳng định tất cả các trường hợp, bởi cũng có trường hợp người phạm tội, tại thời điểm thực hiện hành vi, họ bị mất đi khả năng nhận thức nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xem là có lỗi, ví dụ: trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác.
giá những yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức của người thực hiện hành vi như độ tuổi, thể trạng sức khỏe, trình độ văn hóa và tất cả những đặc điểm nhân thân khác ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của họ.
Đánh giá yếu tố khách quan, phải chứng minh được trong hoàn cảnh cụ thể đó, bất kỳ ai cũng không thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra.
Thứ hai, người gây hậu quả nguy hại cho xã hội không buộc phải thấy trước hậu quả
Đối với trường hợp này, có nghĩa khi thực hiện hành vi, người thực hiện vẫn có thể nhận thức được hậu quả xảy ra, tuy nhiên, hoàn cảnh của sự việc đến bất ngờ, họ không thể điều khiển hành vi của mình để không gây ra hậu quả nguy hại, vì vậy, pháp luật không bắt buộc họ phải thấy trước và họ không có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả nguy hại xảy ra. Trong trường hợp này, người gây ra hậu quả không có lỗi.
Ví dụ: A đang chạy xe ô tô với tốc độ đúng quy định, thì bất ngờ B từ trong nhà lao ra để tự sát, vì khoảng cách quá gần và sự việc diễn ra quá nhanh nên A không thể nào phanh hoặc đánh lái để tránh B, dẫn đến B bị ô tô của A tông tử vong. Trong tình huống này, A vẫn nhìn thấy B và có thể thấy trước được hậu quả B chết, nhưng A không thể xử lý hành vi kịp thời để tránh B. Có thể thấy, nếu không xét về nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả hay không thì A vẫn có lỗi, bởi vì, A biết được hành vi của mình nguy hiểm, thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng A vẫn thực hiện hành vi, tuy nhiên, vì trường hợp này, theo quy định của pháp luật thì A không buộc phải thấy trước hậu quả xảy ra, do đó sẽ loại trừ yếu tố lỗi đối với A, và dẫn đến loại trừ trách nhiệm hình sự.
Khi nghiên cứu về sự kiện bất ngờ, chúng ta cần phân biệt với trường hợp lỗi vô ý do cẩu thả. Hai trường hợp này đều có điểm giống nhau là chủ thể thực hiện đều không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình đã gây ra. Nhưng ở trường hợp lỗi
vô ý do cẩu thả, người phạm tội có nghĩa vụ phải thấy trước và có đủ điều kiện để thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi và việc người phạm tội đã không thấy trước là do cẩu thả. Còn trong trường hợp sự kiện bất ngờ, chủ thể không có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả gây nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện hoặc có nghĩa vụ phải thấy trước nhưng không có đủ điều kiện để thấy trước hậu quả đó. Như vậy, trong trường hợp sự kiện bất ngờ, việc chủ thể đã không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình gây ra là do khách quan, còn lỗi vô ý do cẩu thả là do chủ quan.