Chương 1 NHẬP MÔN LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
1.3. Nhiệm vụ của luật hình sự
Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) quy định: “Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức,
bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.
Với quy định nêu trên cho thấy, nhiệm vụ chung của luật hình sự Việt Nam có ba nhóm như sau:
- Luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ những quan hệ xã hội cơ bản nhất và quan trọng nhất trong đời sống xã hội, đó là, bảo vệ chế độ xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
- Với một vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta, Bộ luật Hình sự là một trong những công cụ hữu hiệu và sắc bén của nhà nước trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
- Luật hình sự đảm nhận trọng trách vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục mọi người nâng cao ý thức pháp luật, nâng cao ý thức đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Về nhiệm vụ cụ thể của luật hình sự qua các giai đoạn cách mạng:
- Giai đoạn từ năm 1945 - 1954
Trong giai đoạn này, nhiệm vụ của luật hình sự là góp phần phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trừng trị bọn Việt gian phản động làm tay sai cho thực dân Pháp và được thể hiện trong các sắc lệnh sau:
+ Sắc lệnh số 150/SL ngày 12/4/1953 của Chủ tịch nước về việc thành lập Tòa án nhân dân đặc biệt ở những nơi phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất quy định trừng trị bọn phản cách mạng, bọn địa chủ cường hào ngoan cố.
+ Sắc lệnh số 21 ngày 14/02/1946 của Chủ tịch nước về việc tổ chức các Tòa án quân sự quy định trừng trị những hành vi có phương hại đến nền độc lập dân tộc.
+ Sắc lệnh số 133/SL ngày 20/01/1953 của Chủ tịch nước về việc trừng trị các loại Việt gian phản động và xét xử những âm mưu hành động phản quốc quy định trừng trị tội xâm hại đến an toàn nhà nước.
- Giai đoạn từ năm 1954 - 1975
Trong giai đoạn này, luật hình sự góp phần thực hiện nhiệm vụ cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và được thể hiện trong các văn bản hình sự sau:
+ Sắc lệnh số 01/01-SLT ngày 19/4/1957 của Chủ tịch nước về cấm chỉ mọi hoạt động đầu cơ về kinh tế quy định trừng trị các hành vi đầu cơ.
+ Pháp lệnh số 117-LCT ngày 30/10/1967 của Chủ tịch nước về trừng trị các tội phản cách mạng.
+ Pháp lệnh số 149-LCT ngày 21/10/1970 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trừng trị các tội xâm phạm đến tài sản xã hội chủ nghĩa.
- Giai đoạn từ năm 1975 - 1985
Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, miền Nam được hoàn toàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất trọn vẹn hai miền Nam Bắc, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước tình hình cách mạng mới của đất nước, nhiệm vụ của luật hình sự trong giai đoạn này được mở rộng trên phạm vi toàn quốc với nội dung chính là bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đập tan kịp thời mọi âm mưu hòng phá hoại chính sách xã hội của nhà nước. Bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.
- Giai đoạn từ năm 1985 đến nay
Trong giai đoạn hiện nay, luật hình sự là một công cụ hữu hiệu,
sắc bén để đấu tranh có hiệu quả trong việc phòng ngừa và chống các nhóm tội phạm cực kỳ nguy hiểm như tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy đang thách thức và hoành hành trong xã hội. Đảm bảo cho mọi công dân được sống trong một môi trường xã hội an toàn, môi trường sinh thái lành mạnh, mang đậm chất nhân văn với các vấn đề về quyền con người. Luật hình sự trong giai đoạn hiện nay còn có sứ mệnh góp phần tích cực loại bỏ những yếu tố gây cản trở cho tiến trình đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.