Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 161 - 164)

NHỮNG TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

2. CÁC TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

2.2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Năng lực trách nhiệm hình sự là một trong hai điều kiện cần để thỏa mãn yếu tố chủ thể của tội phạm1, do đó, trong trường hợp một người được pháp luật hình sự ghi nhận là không có năng lực trách nhiệm hình sự thì sẽ không có tội phạm.

Năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của con người. Pháp luật hình sự Việt Nam không quy định hay đưa ra bất kỳ một khái niệm như thế nào là người có năng lực trách nhiệm hình sự, mà chỉ xác định các trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự2, trên cơ sở đó, khi áp dụng vào thực tiễn, chúng ta sẽ sử dụng phương pháp loại trừ, tức là nếu một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không rơi vào các trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự thì người đó (đương nhiên) có năng lực trách nhiệm hình sự và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người ở

1 Điều kiện thứ hai là đạt độ tuổi theo pháp luật hình sự quy định.

2 Quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015.

trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.

2.2.2. Điều kiện của tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Xét về cơ sở lý luận, năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của con người, tuy nhiên, không phải mọi trường hợp khi người thực hiện hành vi trong tình trạng mất năng lực trách nhiệm hình sự đều được xem là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được xem là đang ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai điều kiện sau:

Thứ nhất, người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác. Dấu hiệu này dựa trên cơ sở của y học để xác định họ bị mắc bệnh. Cho đến nay, chưa có sự giải thích chính thức nào đối với trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự do mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác. Tuy nhiên, dưới góc độ lý luận cũng như thực tiễn, các căn bệnh dẫn đến mất năng lực trách nhiệm hình sự được xác định như: bệnh tâm thần kinh niên, bệnh động kinh, bệnh si ngốc, bệnh mộng du... Trong đó, bệnh tâm thần kinh niên là căn bệnh làm mất khả năng nhận thức, một người khi mắc bệnh tâm thần (khi sinh ra hoặc trong quá trình sống họ mắc phải do biến cố, do tai nạn...) thì bất cứ lúc nào họ cũng ở trong tình trạng mất khả năng nhận thức, cho đến khi căn bệnh này được chữa khỏi. Còn đối với các bệnh khác, thường chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định, và tại thời điểm bệnh xuất hiện họ mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi, tuy nhiên, khi cơn bệnh qua thì họ trở lại người bình thường. Do đó, khi

đánh giá tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự phải xét tại thời điểm chủ thể thực hiện hành vi. Ví dụ: A mắc chứng bệnh động kinh, căn bệnh này thường phát vào buổi tối. Một hôm, khi lên cơn động kinh, sợ A gây nguy hiểm nên B đã cố giữ A lại, tuy nhiên A đã xô B ngã, đầu của B đập vào hòn đá làm B bị chấn thương sọ não, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 70%. Sau khi hết cơn bệnh, A mới biết mình đã gây thương tích nghiêm trọng cho B. Trong trường hợp này, tình trạng của A được xếp vào “bệnh khác” theo quy định của điều luật, làm mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi.

Việc xác định điều kiện này phải có kết luận của cơ quan giám định pháp y, giám định tâm thần. Do đó, kết luận của cơ quan giám định có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hay không. Cần lưu ý, không phải mọi trường hợp mắc bệnh tâm thần đều là không có năng lực trách nhiệm hình sự, nếu bệnh tâm thần nhưng chưa đến mức mất khả năng nhận thức, thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là người bị mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Với điều kiện này, người được xem là không có năng lực trách nhiệm hình sự là: (1) người bị mất đi khả năng nhận thức trước những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, của pháp luật, tức là họ không nhận thức được tốt - xấu, đúng - sai, phải - trái, làm - không nên làm... do đó, họ không thể tự mình kiềm chế, hay lựa chọn hành vi để không gây ra hậu quả;

(2) họ có thể nhận thức và đánh giá được tính chất xã hội của hành vi và của hậu quả nhưng vì bệnh lý nên không thể kiềm chế, điều khiển được hành vi đó cho phù hợp.

Trường hợp người bị mất năng lực nhận thức thường rơi vào những người bị bệnh tâm thần, bệnh loạn thần, bệnh mộng du làm cho họ không nhận thức được sự vật, sự việc xung quanh như người

bình thường. Còn đối với trường hợp người bị mất khả năng điều khiển hành vi thường do một số căn bệnh mà người thực hiện hành vi nguy hiểm vẫn nhận thức được, nhưng họ không có khả năng điều khiển hành vi của mình, dẫn đến việc gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội. Ví dụ: A là nhân viên gác chắn đường sắt, trong ca trực của mình đã bị lên cơn sốt rét, đúng lúc này tàu đến, do không báo hiệu và kéo thanh gác chắn đường bộ, nên hậu quả tàu gây tai nạn làm một người chết. Trong tình huống này, A vẫn nhận thức được sự nguy hiểm và hậu quả nguy hại xảy ra, nhưng vì bị bệnh lý nên không thể thực hiện hành vi báo hiệu và kéo gác chắn dẫn đến tai nạn, do đó, được xem là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, vì vậy được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Như vậy, chỉ được xem là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn cả hai dấu hiệu trên. Trong đó, dấu hiệu thứ nhất là cơ sở (nguyên nhân) làm phát sinh dấu hiệu thứ hai (là hệ quả). Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp khi có dấu hiệu thứ nhất sẽ phát sinh dấu hiệu thứ hai, trường hợp này còn tùy thuộc vào căn bệnh và mức độ của căn bệnh như thế nào và được xác định cụ thể bởi kết quả giám định của cơ quan chức năng.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 161 - 164)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)