DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA CHỦ THỂ LÀ CÁ NHÂN PHẠM TỘI

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 105 - 109)

Chương 6 CHỦ THỂ CỦA TỘI PHẠM

2. DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA CHỦ THỂ LÀ CÁ NHÂN PHẠM TỘI

2. DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA CHỦ THỂ LÀ CÁ NHÂN PHẠM TỘI

Chủ thể của tội phạm là cá nhân được ghi nhận ở pháp luật hình sự của tất cả các quốc gia trên thế giới. Pháp luật hình sự Việt Nam đã xác định cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự là con người cụ thể khi thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định, các điều kiện đó là: (1) có năng lực trách nhiệm hình sự; và (2) đạt độ tuổi nhất định theo luật định.

1 Tại Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về cơ sở của trách nhiệm hình sự.

2 Xem tại Chương 14.

2.1. Năng lực trách nhiệm hình sự

Năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng nhận thức tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và khả năng điều khiển hành vi ấy của người phạm tội.

Pháp luật hình sự không quy định một người có năng lực trách nhiệm hình sự là như thế nào, tuy nhiên, các quy định trong Bộ luật Hình sự xác định các điều kiện để có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Điều kiện thứ nhất, người thực hiện hành vi phạm tội phải đạt độ tuổi theo quy định của pháp luật hình sự. Pháp luật hình sự ghi nhận độ tuổi cụ thể để một người khi thực hiện hành vi họ nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi đó, cũng như hậu quả xảy ra (hoặc có thể xảy ra) và điều khiển được hành vi của mình theo đúng yêu cầu của xã hội, của pháp luật.

- Điều kiện thứ hai, người thực hiện hành vi phạm tội khi đạt độ tuổi theo luật định họ không bị mắc các căn bệnh làm mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi của mình. Các căn bệnh đó được pháp luật hình sự quy định cụ thể1.

Tóm lại, có thể hiểu, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đạt độ tuổi theo luật định và không mắc các căn bệnh làm mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi.

2.2. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một nội dung rất quan trọng trong việc xác định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người phạm tội. Việc quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thể hiện quan điểm của Nhà nước về cách thức xử lý người phạm tội, vừa đảm bảo trật tự, an toàn cho xã hội nhưng phải vừa đạt được mục đích bảo vệ quyền

1 Xem thêm tại Chương 10.

con người, đặc biệt là quyền của người dưới 18 tuổi, kể cả khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Luật hình sự Việt Nam căn cứ vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước, cũng như dựa vào kết quả công trình nghiên cứu khảo sát về tâm sinh lý con người và căn cứ vào chính sách hình sự qua các thời kỳ lịch sử của Nhà nước, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. 2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

Như vậy, luật hình sự Việt Nam không quy định độ tuổi tối đa phải chịu trách nhiệm hình sự, mà chỉ quy định độ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự là tròn 14 tuổi. Tuy nhiên, có những quy định về điều kiện để áp dụng trách nhiệm hình sự, cụ thể:

- Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên “phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác”. Căn cứ vào tình hình phát triển chung về thể chất và tâm sinh lý của người Việt Nam, người từ đủ 16 tuổi trở lên là người đã nhận thức được tính nguy hiểm của mọi hành vi mà mình thực hiện cũng như khả năng điều khiển được hành vi ấy, do đó, phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm mà mình gây ra. Tuy nhiên, để xác định tính phù hợp và linh hoạt trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự ở một số tội phạm cụ thể, pháp luật hình sự có quy định riêng ở một số tội phạm, mà độ tuổi cụ thể được đề cập trong cấu thành cơ bản của tội phạm ấy. Ví dụ: khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

“Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan

hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi… thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”, như vậy, độ tuổi tối thiểu đối với tội danh này là tròn 18 tuổi trở lên.

- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi “phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.” Với quy định này, điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bao gồm: (1) Tội phạm thực hiện phải là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, tức là mức cao nhất của khung hình phạt trên 07 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình1; (2) Tội phạm thực hiện phải thuộc tội danh được quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự. Quy định này trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thu hẹp phạm vi đối tượng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đã khắc phục hạn chế của các Bộ luật Hình sự trước đó. Bộ luật Hình sự năm 1985 và Bộ luật Hình sự năm 1999 đều xác định loại tội phạm và lỗi là dấu hiệu bắt buộc để truy cứu trách nhiệm hình sự2 mà không có sự phân loại các tội phạm cụ thể. Thực tế, người trong độ tuổi này dễ bị lôi kéo, dụ dỗ để thực hiện tội phạm và họ không nhận thức được hoặc nhận thức không đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mình thực hiện, ví dụ như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm chiến tranh... Do đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã giới hạn một cách cụ thể, rõ ràng các loại tội phạm và tội phạm cụ thể mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách

1 Xem thêm: điểm c và điểm d khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015.

2 Khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

nhiệm hình sự. Quy định này phù hợp với nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự dựa vào yếu tố lỗi và truy cứu trách nhiệm hình sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế khách quan, đảm bảo quyền con người đặc biệt là quyền của người dưới 18 tuổi nói chung và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nói riêng.

Pháp luật hình sự xác định nguyên tắc tính tuổi tròn đối với chủ thể của tội phạm là cá nhân. Thuật ngữ “từ đủ” trong điều luật đã xác định một nguyên tắc khi tính tuổi là phải tròn ngày, tròn tháng, tròn năm. Ví dụ: Nguyễn Văn A, sinh ngày 20/10/2002 thì phải đến ngày 20/10/2016 mới tròn 14 tuổi và đến 20/10/2018 mới tròn 16 tuổi. Trong trường hợp không xác định được ngày sinh hoặc tháng sinh của người phạm tội thì sẽ chọn ngày cuối cùng của tháng, nếu xác định được tháng sinh hoặc ngày cuối cùng, tháng cuối cùng của quý, nếu xác định được quý sinh hoặc ngày cuối cùng, tháng cuối cùng của năm nếu xác định được năm sinh của người phạm tội1. Ví dụ: Vào ngày 20/5/2019, Trần Văn B, thực hiện hành vi giết người được quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Qua xác minh thì cơ quan chức năng xác định được B sinh vào tháng 5/2005 mà không xác định được ngày sinh. Trong trường hợp này, căn cứ vào quy định của pháp luật hình sự thì lấy ngày cuối cùng của tháng 5/2005 làm ngày sinh cho B, tức B sinh ngày 31/5/2005. Như vậy, B chưa tròn 14 tuổi, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với B. Quy định này xuất phát trên cơ sở nguyên tắc áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự có lợi và nhân đạo cho người phạm tội.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 105 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)