Chương 5 MẶT KHÁCH QUAN CỦA TỘI PHẠM
2. HÀNH VI KHÁCH QUAN CỦA TỘI PHẠM
Hành vi khách quan của tội phạm là xử sự của người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại ra bên ngoài thế giới khách quan dưới những hình thức cụ thể. Hay nói cách khác, hành vi khách quan của tội phạm là xử sự trái pháp luật hình sự của chủ thể trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Xử sự này gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại cho các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ.
Các đặc điểm của hành vi khách quan của tội phạm:
- Có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội thể hiện ở bất kỳ một hành vi phạm tội nào cũng đều gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Ở các tội phạm cụ thể, tính nguy hiểm đáng kể thể hiện một cách định lượng (qua dấu hiệu định tội có hậu quả) hoặc mang tính định tính (qua dấu hiệu định tội chỉ có hành vi). Tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội là đặc điểm cơ bản để phân biệt hành vi phạm tội với các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Tính trái pháp luật hình sự. Một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi thể hiện tính trái pháp luật hình sự. Điều này thể hiện việc chủ thể thực hiện các hành vi mà pháp luật hình sự cấm hoặc không thực hiện các hành vi mà pháp luật hình sự yêu cầu. Trong khoa học luật hình sự, biểu hiện này của hành vi được thể hiện dưới dạng hành động phạm tội và không hành động phạm tội.
- Là hành vi có ý thức và ý chí. Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội phải có khả năng nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra nguy hiểm cho xã hội tuy nhiên vẫn thực hiện, họ có khả năng điều khiển hành vi và đưa ra cách xử sự khác cho phù hợp với nhu cầu, đòi hỏi của xã hội. Hay nói cách khác, khi thực hiện hành vi phạm tội, ý chí và lý trí của người phạm tội phải được thể hiện rõ mà không bị sự tác động khách quan nào làm hạn chế hoặc vô hiệu hóa nhận thức và điều khiển hành vi của mình.
2.2. Các hình thức của hành vi khách quan của tội phạm 2.2.1. Hành động phạm tội
Hành động phạm tội là hình thức biểu hiện của hành vi phạm tội để làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, qua đó gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Hành động phạm tội được thể hiện thông qua việc chủ thể thực hiện một hoặc nhiều hành vi mà luật hình sự cấm thực hiện.
Qua việc nghiên cứu các hành vi phạm tội, đối với hành động phạm tội thường thể hiện ở các dạng cụ thể sau:
- Chủ thể thực hiện tội phạm bằng cách tác động trực tiếp vào đối tượng tác động. Ví dụ: A dùng tay bóp cổ B cho đến lúc B chết.
- Chủ thể thực hiện tội phạm thông qua công cụ, phương tiện. Ví dụ: A dùng súng bắn vào đầu B dẫn đến B tử vong.
- Chủ thể thực hiện tội phạm thông qua lời nói. Ví dụ: A dùng lời lẽ đe dọa sẽ giết B, khiến B tin đó là sự thật và lo sợ.
- Chủ thể thực hiện tội phạm thông qua người không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc thông qua người không có năng lực trách nhiệm hình sự, hoặc những người bị cưỡng bức về thể chất hoặc tinh thần. Ví dụ thứ nhất: A (20 tuổi) đưa cho B (13 tuổi) 01 triệu đồng nhờ B vận chuyển 01 kg heroine từ địa bàn này sang địa bàn khác; ví dụ thứ hai: A dùng súng dí vào đầu B, bảo B phải ném lựu đạn vào nhà C, nếu không A sẽ bắn chết B.
2.2.2. Không hành động phạm tội
Không hành động phạm tội là biểu hiện thứ hai của hành vi khách quan, theo đó, không hành động phạm tội là hành vi làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động gây thiệt hại cho khách thể qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật hình sự yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp không hành động gây ra thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo về đều phạm tội.
Chỉ được xem là không hành động phạm tội khi thoả mãn các điều kiện sau:
- Chủ thể phải có nghĩa vụ hành động. Nghĩa vụ hành động đó xuất phát do nghĩa vụ do Nhà nước quy định, ví dụ như nghĩa vụ đóng thuế; nghĩa vụ quân sự...; nghĩa vụ do chức năng, nghề nghiệp bắt buộc
thực hiện. Ví dụ: Trách nhiệm cứu chữa bệnh nhân của bác sĩ, nghĩa vụ bảo vệ tài sản của người bảo vệ...; nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.
Ví dụ: Hợp đồng thuê giữ trẻ làm phát sinh nghĩa vụ trông coi, chăm sóc trẻ...; nghĩa vụ phát sinh từ xử sự trước đó của chủ thể, như trách nhiệm pháp lý cứu người khi gây ra tại nạn giao thông của chủ thể điều khiển phương tiện giao thông.
- Chủ thể phải có khả năng (điều kiện) để thực hiện nghĩa vụ.
Điều này đòi hỏi trong những trường hợp nghĩa vụ phát sinh, chủ thể phải có khả năng để thực hiện nghĩa vụ đó, nếu không có khả năng thực hiện thì không phạm tội. Ví dụ: A không biết bơi, thấy B bị đuối nước ở dưới sông kêu cứu mà A không cứu dẫn đến B chết, trong trường hợp này A không phạm tội.
Trong Bộ luật Hình sự, phần lớn các tội phạm được thực hiện bằng hình thức hành động; có một số tội phạm chỉ thực hiện bằng không hành động như tội trốn thuế, tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng…; cũng có một số tội vừa thực hiện bằng hành động vừa bằng không hành động như tội giết người, tội huỷ hoại tài sản… điều này phụ thuộc vào đặc trưng hành vi của từng tội phạm và dấu hiệu định tội của nó.