Chương 3 CẤU THÀNH TỘI PHẠM
4. Ý NGHĨA CỦA CẤU THÀNH TỘI PHẠM
4.1. Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự Cơ sở để xác định một hành vi bị coi là tội phạm khi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu được phản ánh trong cấu thành tội phạm. Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. 2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Trong các loại trách nhiệm pháp lý thì trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất. Muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người hoặc pháp nhân thương mại thì cần chứng minh được họ đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm. Như vậy, muốn xác định một hành vi phạm tội hay không để truy cứu trách nhiệm hình sự cần xác định dựa vào việc hành vi phạm tội thực hiện đã thỏa mãn hết các yếu tố cấu thành tội phạm được luật định chưa. Cấu thành tội phạm là điều kiện cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Cấu thành tội phạm là điều kiện cần bởi vì chỉ có thể dựa vào các yếu tố của cấu thành tội phạm mới xác định được trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
Cấu thành tội phạm là điều kiện đủ bởi vì ngoài các dấu hiệu được phản ánh trong cấu thành tội phạm để xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội, không cần xác định bất kỳ một dấu hiệu nào khác.
4.2. Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý để định tội danh Định tội danh là việc xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp, chính xác các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được quy định trong pháp luật hình sự.
Định tội là cơ sở cần thiết đầu tiên để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Chỉ khi định tội danh được mới có thể quyết định trách nhiệm pháp lý hình sự đối với người phạm tội. Vì thế, định tội danh là một giai đoạn đặc biệt quan trọng, là cơ sở, tiền đề cho quá trình áp dụng pháp luật hình sự.
Muốn định tội danh cho hành vi cụ thể chỉ có thể căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Do đó, cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý cho hoạt động định tội danh.
Việc xác định tội danh là quá trình xác định xem hành vi thỏa mãn những dấu hiệu nào trong cấu thành tội phạm.
4.3. Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý để định khung hình phạt Hoạt động định tội danh dựa trên cơ sở pháp lý là cấu thành tội phạm, hoạt động định khung hình phạt dựa trên cơ sở pháp lý là dấu hiệu định khung hình phạt. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của cấu thành tội phạm có các loại cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng và cấu thành tội phạm giảm nhẹ. Khi giải quyết vụ án hình sự, việc áp dụng một trong ba cấu thành tội phạm này đối với một
hành vi phạm tội cụ thể có ý nghĩa xác định khung hình phạt đối với người phạm tội.
CÂU HỎI HƯỚNG DẪN ÔN TẬP
Câu 1. Phân tích khái niệm cấu thành tội phạm?
Câu 2. Trình bày phân loại cấu thành tội phạm theo mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và nêu ý nghĩa của cách phân loại đó?
Câu 3. Trình bày phân loại cấu thành tội phạm theo đặc điểm cấu trúc mặt khách quan của tội phạm và nêu ý nghĩa của cách phân loại đó?
Câu 4. Dựa vào cấu trúc của mặt khách quan và quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm cụ thể, hãy xác định các tội phạm sau đây thuộc loại cấu thành tội phạm nào:
a. Tội giết người (Điều 123).
b. Tội cướp tài sản (Điều 168).
c. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
d. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260).
đ. Tội đánh bạc (Điều 321).
Chương 4