CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 30 - 37)

Chương 1 NHẬP MÔN LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

2. CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

Các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam là những tư tưởng chủ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

2.1. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa

Nguyên tắc này được thể hiện ở việc quy định một tội mới, sửa đổi, bổ sung một tội phạm hoặc huỷ bỏ một tội phạm cần phải được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật. Chỉ có cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất mới có thẩm quyền quy định tội phạm và hình phạt.

Tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội phải được quy định trong pháp luật hình sự. Chỉ người nào phạm một tội mà được luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Nguyên tắc này xuất phát từ nguyên lý “Nullum crimen sine lege” (không có tội nếu không có luật).

Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi các cơ quan tư pháp hình sự phải triệt để tuân thủ pháp luật hình sự khi ra quyết định có liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự, đến việc quyết định hình phạt và

các biện pháp tác động pháp lý hình sự khác. Việc điều tra, truy tố và xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Mọi việc áp dụng pháp luật hình sự một cách tuỳ tiện đều bị coi là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc pháp chế và phải bị xử lý nghiêm minh.

2.2. Nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa

Nguyên tắc này được thể hiện ở chỗ, luật hình sự không phân biệt đối xử, không quy định những đặc quyền, đặc lợi cho tầng lớp nhân dân nào trong xã hội vì địa vị xã hội, vì tình trạng tài sản của họ.

Phải đảm bảo cho nhân dân lao động tự mình hay thông qua các tổ chức xã hội tham gia vào việc xây dựng pháp luật hình sự và tham gia vào hoạt động giám sát việc áp dụng Bộ luật Hình sự của các cơ quan có thẩm quyền.

Nguyên tắc này xuyên suốt ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực pháp luật. Trong luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc này thể hiện ở các mặt sau:

- Luật hình sự Việt Nam bảo vệ chế độ xã hội và nhà nước của nhân dân lao động, thể hiện ý chí, lợi ích của nhân dân.

- Luật hình sự Việt Nam tôn trọng và bảo vệ các quyền dân chủ của công dân trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi hành vi xâm hại các quyền đó đều bị nghiêm trị.

- Luật hình sự bảo đảm mọi công dân tự mình hoặc thông qua các cơ quan, tổ chức khác nhau tham gia xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự. Những đạo luật hình sự quan trọng nhất được ban hành khi đã được thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi ở các diễn đàn khác nhau với sự tham gia tích cực của mọi công dân.

- Luật hình sự coi việc đấu tranh phòng ngừa và chống tình hình tội phạm, việc giáo dục người phạm tội là sự nghiệp của toàn dân, của

tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân1. Nguyên tắc này xuất phát từ quan điểm coi tội phạm là một hiện tượng xã hội, nên đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó có nhiệm vụ của các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp hình sự. Bộ luật Hình sự nước ta còn có nhiều chế định và quy phạm khác tạo cơ sở pháp lý hình sự cho sự tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm của mọi công dân như chế định án treo.

2.3. Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa

Bộ luật Hình sự có nhiều quy định tạo điều kiện cho người phạm tội tự cải tạo, có cơ hội để sớm hoà nhập vào cộng đồng như: quy định về miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, án treo và một số hình phạt không tước quyền tự do như hình phạt cảnh cáo.

Các quy phạm của pháp luật hình sự Việt Nam phản ánh ý thức pháp luật và các quan niệm đạo đức của dân tộc ta có mục đích, nội dung nhân đạo sâu sắc và được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp rất nhân đạo. Nguyên tắc nhân đạo và các đòi hỏi của nó xuyên suốt toàn bộ pháp luật hình sự của Nhà nước ta và do vậy trở thành bản chất của luật hình sự Việt Nam.

Nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự xuất phát từ quan điểm đạo lý xã hội chủ nghĩa và tình thương con người trong truyền thống của dân tộc ta. Trong lĩnh vực hình sự, nguyên tắc này xuất phát từ sự hiểu biết khoa học sâu sắc và ngày càng đầy đủ hơn về khả năng thực tế và vai trò đích thực của pháp luật hình sự trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Nguyên tắc nhân đạo thể hiện ở chỗ, đối với người đã phạm tội thì xã hội, Nhà nước không có mục đích trả thù, mà ngược lại, tạo mọi điều kiện có thể để cho người đó cải tạo tốt, trở lại làm ăn lương thiện,

1Tham khảo thêm: Nguyễn Ngọc Kiện, “Trách nhiệm của Quốc hội trong việc phòng ngừa tội phạm”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16/2012.

có ích cho xã hội. Luật hình sự Việt Nam có nhiều quy định tạo điều kiện cho người phạm tội tự cải tạo và tích cực cải tạo như: miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, miễn việc chấp hành hình phạt, quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật Hình sự, án treo.

Nguyên tắc này thể hiện ở việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội chủ yếu nhằm cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. Hình phạt cũng như các biện pháp tác động pháp lý hình sự khác không nhằm gây đau đớn về thể xác, không nhằm hạ thấp phẩm giá của con người và chỉ được áp dụng đến mức độ cần thiết tối thiểu cho sự cải tạo và giáo dục. Luật hình sự Việt Nam khoan hồng đối với những người nhất thời phạm tội ít nghiêm trọng, đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác tội phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại.

Hình phạt tù chung thân và tử hình chỉ được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và với những điều kiện chặt chẽ, phạm vi nhất định. Hình phạt tù chung thân và tử hình không được phép áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.

2.4. Nguyên tắc kết hợp hài hoà chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết quốc tế

Nguyên tắc này thể hiện là luật hình sự Việt Nam trừng trị các hành vi phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Luật hình sự Việt Nam ghi nhận và bảo đảm việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Luật hình sự Việt Nam đấu tranh không khoan nhượng, trừng trị một cách nghiêm khắc mọi hành vi phạm tội xâm phạm chế độ xã hội

và chế độ nhà nước, an ninh quốc gia và khả năng phòng thủ của nước ta. Pháp luật hình sự nước ta giáo dục tinh thần yêu Tổ quốc, tinh thần trung thành với Tổ quốc và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Luật hình sự Việt Nam trừng trị nghiêm khắc các hành vi phạm tội phá hoại hoà bình, chống loài người và chống lại cuộc chiến tranh chính nghĩa của các dân tộc bị áp bức, những hành vi gây chiến tranh phi nghĩa.

Những hành vi xâm phạm tài sản của các nước khác và các tổ chức quốc tế, xâm phạm tài sản của người nước ngoài đều bị luật hình sự Việt Nam trừng trị nghiêm khắc.

Nguyên tắc chủ nghĩa yêu nước và tinh thần quốc tế thể hiện sự đoàn kết, hợp tác hữu nghị, tương trợ tư pháp trong chính sách đối ngoại của luật hình sự Việt Nam.

2.5. Nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật Trong pháp luật hình sự, nguyên tắc này đòi hỏi phải xử lý công minh, theo đúng quy định tại Điều 3 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nội dung nguyên tắc này thể hiện tập trung ở chỗ, những người thực hiện tội phạm đều bình đẳng với nhau trước pháp luật hình sự và phải chịu trách nhiệm hình sự không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú...

2.6. Nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm hình sự và hình phạt

Đây chính là nguyên tắc mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện và xử lý kịp thời và nghiêm minh, hay nói cách khác là không để sót, không để lọt tội phạm. Nguyên tắc này gắn liền với nguyên tắc pháp chế và nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Pháp luật hình sự nước ta, xuất phát từ luận điểm cho rằng người có lỗi trong việc thực hiện hành vi phạm tội buộc phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, trong các quy phạm của phần các tội phạm đối với từng loại tội phạm, nhà làm luật quy định loại và mức hình phạt cụ thể với tính chất là hậu quả pháp lý tất yếu của việc thực hiện tội phạm.

Nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm và hình phạt thể hiện rõ nét ở điểm này. Việc miễn trách nhiệm hình sự và hình phạt chỉ được áp dụng trong những trường hợp do luật quy định.

Nguyên tắc này xuất phát từ quan điểm của Lênin về ý nghĩa giáo dục kịp thời, không để tồn tại trong xã hội tâm lý khinh nhờn kỷ cương, pháp luật, thói bao che, dung dưỡng đối với người phạm tội.

Không tránh khỏi trách nhiệm về tội phạm đã thực hiện có ý nghĩa phòng ngừa rất lớn. Việc ý thức được rằng tội phạm tất yếu kéo theo trách nhiệm có tác dụng răn đe, kìm chế rất lớn đối với những người không vững vàng, có nguy cơ thực hiện tội phạm trong xã hội.

Về mặt thực tế, nguyên tắc này được các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử, đưa vào đời sống bằng việc phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

2.7. Nguyên tắc trách nhiệm trên cơ sở lỗi

Nguyên tắc này xuất phát từ nội dung của Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 về khái niệm và các dấu hiệu của tội phạm. Lỗi (cố ý hoặc vô ý) được coi là một trong những dấu hiệu đặc trưng, một trong bốn yếu tố cấu thành chung của tội phạm và do đó là cơ sở không thể thiếu được của tội phạm.

Nội dung nguyên tắc trách nhiệm trên cơ sở lỗi thể hiện ở chỗ, chỉ người nào có lỗi trong việc thực hiện tội phạm, tức là cố ý hoặc vô ý thực hiện tội phạm mới phải chịu trách nhiệm hình sự và hình phạt.

Không thể truy cứu một người nào đó trách nhiệm hình sự về hành

vi nguy hiểm cho xã hội nếu không xác định được rằng người đó có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó. Lỗi sẽ không có nếu hành vi được thực hiện trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, hoặc trong những trường hợp loại trừ lỗi như phòng vệ chính đáng, hay trong trường hợp sự kiện bất ngờ.

2.8. Nguyên tắc phân hoá trách nhiệm tuỳ thuộc vào các tình tiết của việc thực hiện tội phạm

Tội phạm có thể được thực hiện với những tình tiết rất khác nhau.

Những tình tiết thể hiện phổ biến trong số đó ảnh hưởng đến việc xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và trách nhiệm của người phạm tội. Thông thường, các tình tiết đó đặc trưng cho phương pháp thực hiện tội phạm hoặc hậu quả của nó, cho nhân thân của người phạm tội, động cơ phạm tội... Trong phần lớn trường hợp, pháp luật hình sự nước ta coi các tình tiết đó là những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Nguyên tắc này xuyên suốt toàn bộ phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự và được thể hiện trong cơ cấu của phần lớn các điều luật của phần các tội phạm.

2.9. Nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm và hình phạt

Mọi tội phạm, ngay cả tội phạm cùng một loại (tội trộm cắp tài sản, tội cướp tài sản...) theo hoàn cảnh của việc thực hiện và các dấu hiệu thực tế của tội phạm bao giờ cũng có tính xác định riêng. Người thực hiện tội phạm cũng có các đặc điểm cá nhân của mình: các đặc điểm thể lực, tâm lý, xã hội, đạo đức. Chính vì vậy, trong từng trường hợp phạm tội cụ thể cần phải có cách tiếp cận phân hoá đối với việc xác định trách nhiệm và hình phạt. Do vậy, nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm và hình phạt đòi hỏi khi xác định trách nhiệm và hình phạt phải cân nhắc các tình tiết của tội phạm đã thực hiện, các đặc điểm nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm

hình sự có trong vụ án. Hay trong đồng phạm, mức độ trách nhiệm và hình phạt phụ thuộc vào mức độ tham gia thực tế của mỗi người khi thực hiện tội phạm.

2.10. Nguyên tắc công bằng

Nguyên tắc này thể hiện sự tiếp tục bổ sung cho nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào các tình tiết của việc thực hiện tội phạm và nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm và hình phạt. Nguyên tắc này thể hiện ở các khía cạnh sau:

- Xác định rõ giới hạn giữa hành vi bị coi là tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác để từ đó quy định các biện pháp xử lý tương ứng.

- Thực hiện nhất quán quan điểm phân hoá trách nhiệm hình sự đối với tội phạm.

- Hệ thống các hình phạt được quy định phải có các thang bậc (mức độ) nghiêm khắc là loại và mức hình phạt tương ứng với các thang bậc (mức độ) nghiêm trọng của các loại tội phạm.

- Khi quyết định hình phạt phải bảo đảm sự tương xứng của hình phạt được tuyên với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện, với các đặc điểm của nhân thân người phạm tội, với các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điều đó được thực hiện trong phạm vi chế tài của điều luật phần các tội phạm và phù hợp với quy định của phần những quy định chung trong Bộ luật Hình sự.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 30 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)