TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG ĐỒNG PHẠM

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 148 - 151)

4.1. Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm

4.1.1. Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm: tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm, đều bị truy tố, xét xử về một tội phạm mà họ đã thực hiện, đều bị áp dụng hình phạt của tội phạm mà tất cả những người đồng phạm đã cùng thực hiện. Ngoài ra, những người trong đồng phạm còn phải chịu trách nhiệm về những tình tiết tăng nặng liên quan đến hành vi phạm tội chung nếu họ cùng cố ý thực hiện. Những nguyên tắc chung về truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, về thời hiệu quy định đối với tội phạm tương ứng thực hiện bằng đồng phạm được áp dụng cho tất cả những người đồng phạm.

4.1.2. Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm

Khoản 4 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”. Đây là điểm mới được bổ sung, nhằm thể hiện rõ hơn nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm.

Nguyên tắc nêu trên được hiểu là, trong một vụ đồng phạm, mỗi người trong đồng phạm tuy phải chịu trách nhiệm chung về tội phạm, nhưng bởi vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân, nên việc xác định trách nhiệm hình sự đối với mỗi người trong đồng phạm phải căn cứ vào hành vi của từng người thực hiện. Vì vậy, những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá ý định phạm tội

chung của người đồng phạm khác. Đối với những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, miễn trách nhiệm hình sự thuộc về riêng người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đồng phạm đó. Việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm hình sự cho những người đồng phạm khác.

Nguyên tắc này xuất phát từ tính chất, mức độ tham gia gây án của người đồng phạm khác nhau, tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mỗi người khác nhau. Trách nhiệm hình sự độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm thể hiện ở mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đến đâu thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm đến đó.

4.1.3. Nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm

Nguyên tắc này được hiểu là việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người đồng phạm phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của mỗi người đồng phạm, phù hợp với đặc điểm nhân thân của người đồng phạm.

4.2. Các vấn đề liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm

- Về xác định giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm Việc xác định giai đoạn thực hiện tội phạm của từng người trong đồng phạm được căn cứ vào thời điểm dừng lại việc thực hiện hành vi phạm tội của người thực hành (do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan). Đối với trường hợp do nguyên nhân ngoài ý muốn nên người thực hành không phạm tội được đến cùng, mà phải dừng lại thì người thực hành thực hiện tội phạm đến đâu người đồng phạm khác cùng phải chịu trách nhiệm hình sự đến giai đoạn đó.

- Về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm Trong vụ án có đồng phạm, khi có sự tự ý nửa chừng chấm dứt

việc phạm tội của một người hay một số người thì việc miễn trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng đối với bản thân người đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Đối với người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi khách quan của tội phạm, do đó, việc tự ý dừng lại việc thực hiện tội phạm nếu thỏa mãn các điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người thực hành được miễn trách nhiệm hình sự.

Đối với người xúi giục, giúp sức, tổ chức cũng không được miễn trách nhiệm hình sự dù người thực hành đã tự ý dừng lại việc thực hiện tội phạm thỏa mãn các điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Người tổ chức, người xúi giục, giúp sức chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi họ đã cố gắng ngăn cản không để người thực hành phạm tội. Nếu hành vi xúi giục, giúp sức, tổ chức đã thực tế cấu thành tội phạm khác thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ấy.

Việc xác định thời điểm coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải căn cứ vào hành vi thực tế của mỗi người đồng phạm.

Bởi vì hành vi phạm tội của từng người có quan hệ mật thiết với nhau nên tổng hợp hành vi phạm tội của tất cả những người đồng phạm dù đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể, nhưng vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không được đặt ra, mà phải xem xét từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm hành vi thực hiện của từng loại người trong đồng phạm.

Đối với người thực hành, trong số những người đồng thực hành, nếu có một hoặc một số người thôi không thực hiện tội phạm nữa thì cũng được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu họ đã không làm gì hoặc những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý định phạm tội không giúp gì cho những người đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm. Còn nếu những việc mà họ đã làm được

những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, họ cũng phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm đó, thì họ mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu họ không ngăn chặn được những người đồng phạm khác thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cần xác định được là sau những việc mà họ đã làm (tổ chức, xúi giục hay giúp sức) họ lại có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm của người thực hành khiến cho tội phạm không hoàn thành được, không kể hành động ngăn chặn của họ xảy ra trước hay sau khi người thực hành bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, thì được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Bởi vì đã thỏa mãn đầy đủ điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quy định này là có tính chất kế thừa quy định đã được ghi nhận tại Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về điều kiện của sự tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội của người giúp sức là: “Nếu sự giúp sức của người giúp sức... cũng phải có những hành động tích cực… để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm mới được coi là tự nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 148 - 151)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)