Cấu tạo của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 39 - 52)

Chương 1 NHẬP MÔN LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

3. NGUỒN CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

3.2. Cấu tạo của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015

Bộ luật Hình sự với tư cách là một văn bản pháp luật được pháp điển hoá ở mức độ cao nhất, có sự thống nhất chặt chẽ bên trong bởi đầy đủ các quy phạm pháp luật được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Ngoài lời nói đầu thì Bộ luật Hình sự hiện hành kết cấu bởi ba phần, trong đó có hai phần chính là: “phần những quy định chung và phần các tội phạm”.

Một là, ở những chương của phần những quy định chung, nhà làm luật quy định những nguyên tắc và luận điểm chung của luật hình sự Việt Nam. Phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự năm 2015 có 12 chương, bao gồm các nội dung lớn như sau:

Chương I. Điều khoản cơ bản;

Chương II. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự;

Chương III. Tội phạm;

Chương IV. Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự;

Chương V. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự;

Chương VI. Hình phạt;

Chương VII. Các biện pháp tư pháp;

Chương VIII. Quyết định hình phạt;

Chương IX. Thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt;

Chương X. Xoá án tích;

Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội;

Chương XII. Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Hai là, phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự có 14 chương được hệ thống hoá và sắp xếp theo khách thể loại của sự xâm hại, tức là theo các nhóm quan hệ xã hội cùng loại được luật hình sự bảo vệ. Bao gồm các nội dung lớn như sau:

Chương XIII. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

Chương XIV. Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người;

Chương XV. Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân;

Chương XVI. Các tội xâm phạm sở hữu;

Chương XVII. Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình;

Chương XVIII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;

Chương XIX. Các tội phạm về môi trường;

Chương XX. Các tội phạm về ma tuý;

Chương XXI. Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng;

Chương XXII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính;

Chương XXIII. Các tội phạm về chức vụ;

Chương XXIV. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp;

Chương XXV. Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu;

Chương XXVI. Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

3.2.2. Cấu trúc bên trong của Bộ luật Hình sự (chính là cấu trúc của các quy phạm pháp luật hình sự)

Cấu trúc đầy đủ của một quy phạm pháp luật bao gồm 03 bộ phận, đó là: bộ phận giả định, quy định và chế tài. Rất ít trường hợp mà trong một quy phạm pháp luật độc lập lại bao gồm đầy đủ cả ba bộ phận trên, mà thông thường mỗi một quy phạm pháp luật độc lập chỉ chứa đựng hai trong ba bộ phận trên. Vì vậy, để hiểu đúng và đủ nghĩa của các quy phạm pháp luật phải sử dụng phương pháp quy nạp đủ ba bộ phận trên trong một nhóm (ít nhất hai) quy phạm pháp luật. Ví dụ: Để xác định được đầy đủ ba bộ phận giả định, quy định và chế tài của quy phạm pháp luật tại Điều 123 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội giết người thì không thể bỏ qua các điều luật quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12), tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21).

Điều luật ở phần những quy định chung và ở phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự có cấu tạo khác nhau. Ở các điều luật của phần những quy định chung, quy định những khái niệm chung về tội phạm,

về hình phạt; nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự, nguyên tắc xử lý, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự... nên các điều luật không phân ra phần giả định, quy định, chế tài như chúng ta thường gặp ở một số quy phạm pháp luật của một số ngành luật khác.

Dưới góc độ khoa học lý luận chung về pháp luật, phần giả định của một quy phạm pháp luật trả lời câu hỏi ai? Ở đâu? Hoàn cảnh nào? Đối với phần giả định của quy phạm pháp luật hình sự nó trả lời cho câu hỏi: trong điều kiện nào họ được coi là có lỗi (Điều 10, Điều 11); người phạm tội là công dân Việt Nam hay người nước ngoài (Điều 5), tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12), tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21), phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, hay ngoài lãnh thổ Việt Nam (Điều 6). Những nội dung này được nêu trong phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự. Như vậy, phần giả định của quy phạm pháp luật hình sự được quy định trong một số điều luật thuộc phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự.

Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự mô tả cấu thành tội phạm cụ thể và quy định các loại và mức hình phạt cụ thể đối với trường hợp các tội phạm đó được thực hiện.

Như vậy, cấu trúc của một quy phạm pháp luật phần các tội phạm chứa đựng hai bộ phận quy định và chế tài. Phần quy định của quy phạm pháp luật hình sự đưa ra quy tắc xử sự mang tính cấm chỉ (tức là bằng việc mô tả hành vi xử sự của chủ thể nếu thực hiện thì sẽ bị đe dọa áp dụng các chế tài nghiêm khắc là hình phạt). Phần chế tài chính là việc quy định khung hình phạt.

Phần quy định của quy phạm pháp luật hình sự có ba loại: quy định đơn giản; quy định mô tả; quy định viện dẫn.

Quy định đơn giản là quy định chỉ nêu tên của tội phạm mà không chỉ rõ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm đó hoặc chỉ nêu

những dấu hiệu chung nhất trong số các dấu hiệu của cấu thành tội phạm đó. Ví dụ, khoản 1 Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cướp giật tài sản: “Người nào cướp giật tài sản của người khác...”. Ở đây nhà làm luật chỉ nêu tên tội danh chứ không chỉ rõ các dấu hiệu của nó. Trong pháp luật hình sự quy định đơn giản được sử dụng phần lớn trong những trường hợp khi các dấu hiệu của hành vi phạm tội được quy định đã rõ ràng, dễ hiểu không cần đến việc mô tả trong luật.

Quy định mô tả là quy định xác định một cách trực tiếp trong luật các dấu hiệu đặc trưng của cấu thành tội phạm cụ thể. Ví dụ, khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản...”. Trong pháp luật hình sự nước ta, quy định mô tả chiếm đa số và ngày càng có chiều hướng tăng.

Quy định viện dẫn là quy định không xác định một cách trực tiếp trong luật hình sự hành vi phạm tội và các dấu hiệu của nó mà xác định tội phạm bằng cách viện dẫn đến các điều luật khác, hoặc đạo luật khác, hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác. Ví dụ, khoản 1 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: “Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này...”.

Phần chế tài của quy phạm pháp luật hình sự là phần xác định loại và mức hình phạt cụ thể đối với người thực hiện tội phạm được nêu trong phần quy định của quy phạm pháp luật hình sự. Chế tài của quy phạm pháp luật hình sự có hai loại: chế tài xác định tương đối và chế tài lựa chọn. Việc nhà làm luật sử dụng hai loại chế tài đó là nhằm

mục đích tạo điều kiện cho Toà án chủ động trong việc cá thể hoá hình phạt.

Chế tài xác định tương đối là chế tài quy định mức hình phạt ở những giới hạn nhất định (mức tối thiểu và mức độ tối đa). Ví dụ, khoản 1 Điều 353 Bộ luật Hình sự quy định tội tham ô tài sản thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Một số quy phạm pháp luật hình sự chỉ nêu mức tối đa của hình phạt, mà không nêu mức tối thiểu. Đối với loại quy phạm này, mức tối thiểu của khung hình phạt của tội phạm đó được hiểu là mức tối thiểu của loại hình phạt đó đã được quy định ở phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự. Cụ thể đối với tù có thời hạn là 03 tháng; đối với cải tạo không giam giữ là 06 tháng; đối với cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là 01 năm. Ví dụ, khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng với chế tài: “người nào đang có vợ, có chồng... thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm...”. Trường hợp này được hiểu hình phạt cải tạo không giam giữ với mức phạt tối thiểu là 06 tháng, tối đa là 01 năm.

Tại phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự, phần lớn các chế tài xác định tương đối đều nêu rõ mức tối thiểu và mức tối đa của hình phạt.

Chế tài lựa chọn là chế tài chỉ ra khả năng lựa chọn áp dụng trong các loại hình phạt được quy định trong điều luật đó. Ví dụ, ở chế tài của khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 của tội vu khống quy định: Người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Trong Bộ luật Hình sự hiện hành của nước ta, các loại và mức hình phạt chính đối với từng loại tội được quy định trong chế tài ở các khoản đầu của điều luật tương ứng phần các tội phạm cụ thể. Còn các loại và mức hình phạt bổ sung đối với các tội phạm được quy định ở khoản cuối cùng của điều luật tương ứng của phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự.

3.2.3. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự Việt Nam

Bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành cũng đều phải xác định rõ phạm vi tác động về không gian, thời gian và đối tượng tác động của văn bản pháp luật đó. Đó chính là hiệu lực về không gian và hiệu lực về thời gian của văn bản quy phạm pháp luật.

3.2.3.1. Hiệu lực về không gian của Bộ luật Hình sự Việt Nam Hiệu lực của Bộ luật Hình sự về không gian được xây dựng dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc quốc tịch. Chính vì vậy, khi nói đến hiệu lực về không gian của Bộ luật Hình sự Việt Nam là chúng ta đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Bộ luật Hình sự Việt Nam được áp dụng đối với ai về vấn đề quốc tịch của họ? Đối với những hành vi phạm tội xảy ra ở đâu?

Nội dung cơ bản của nguyên tắc lãnh thổ thể hiện ở chỗ mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc phạm vi áp dụng của các Bộ luật Hình sự Việt Nam. Điều đó được quy định xuất phát từ tính toàn vẹn về chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với lãnh thổ của mình, tức là dựa trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia đã được quy định tại Điều 1 của Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”.

Nguyên tắc lãnh thổ kết hợp với nguyên tắc quốc tịch tạo thành cơ sở đầy đủ cho việc quy định hiệu lực của đạo luật hình sự về không

gian. Nội dung cơ bản của nguyên tắc quốc tịch thể hiện ở chỗ, mọi công dân Việt Nam chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự Việt Nam dù họ thực hiện tội phạm bất kỳ ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Trong những trường hợp công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật Hình sự Việt Nam. Đối với những trường hợp đó, ngoài những quy định chung của Bộ luật Hình sự, còn có những quy định khác là các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, hôn nhân gia đình và hình sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước. Nguyên tắc quốc tịch thể hiện mối quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và công dân, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của công dân. Xuất phát từ nguyên lý này, Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định vấn đề hiệu lực về không gian của đạo luật hình sự cụ thể như sau:

- Đối với hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam Trước hết, cần phải hiểu phạm vi lãnh thổ Việt Nam là gì?

Theo quy định tại Điều 1 của Hiến pháp năm 2013 và theo pháp luật quốc tế có thể hiểu lãnh thổ quốc gia Việt Nam bao gồm: Vùng đất, vùng nước, vùng trời và vùng lòng đất thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Phạm vi không gian này được gọi là lãnh thổ thuộc phạm trù pháp lý, hay lãnh thổ có thực, hay lãnh thổ thuộc phạm vi không gian tĩnh.

Điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999 thể hiện nội dung ở khoản 1 Điều 5, đó là: “Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam”. Điều đó cho thấy, phạm vi không gian làm phát sinh hiệu lực của Bộ luật Hình sự đã được mở rộng trực tiếp trong điều luật này. Cũng từ đó xuất hiện phạm trù lãnh thổ mở rộng, hay phạm vi lãnh thổ trạng thái động.

Theo đó, lãnh thổ mở rộng hay lãnh thổ trạng thái động bao gồm:

Tàu thuỷ mang cờ hiệu của Việt Nam đang ở ngoài vùng biển quốc tế;

máy bay dân dụng mang cờ hiệu của Việt Nam đang bay trên đường bay; Lãnh sự quán, Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài.

Được coi là hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam có thể chỉ là bắt đầu hoặc kết thúc hoặc diễn ra một phần hành vi phạm tội, hoặc hậu quả xảy ra trong phạm vi không gian nói trên.

Về nguyên tắc áp dụng đối với những hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ của Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó, Bộ luật Hình sự có hiệu lực tuyệt đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam dù người đó là công dân Việt Nam, người nước ngoài, hay người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam. Tuy nhiên, đối với đối tượng là người nước ngoài được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự là trường hợp ngoại lệ được quy định ở khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015: Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.

Như vậy, Bộ luật Hình sự có các quy định ngoại lệ đối với các đối tượng được hưởng quyền miễn trừ tư pháp với 02 nhóm như sau:

+ Theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia (pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam) thì những đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao là các thành viên của đoàn ngoại giao.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 39 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)