PHÂN LOẠI CẤU THÀNH TỘI PHẠM

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 81 - 86)

Chương 3 CẤU THÀNH TỘI PHẠM

3. PHÂN LOẠI CẤU THÀNH TỘI PHẠM

3.1. Căn cứ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội

- Dựa vào tiêu chí tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của

hành vi phạm tội, có thể chia làm 3 loại cấu thành tội phạm: cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng, cấu thành tội phạm giảm nhẹ.

+ Cấu thành tội phạm cơ bản là loại cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu định tội, đó là những dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt giữa tội phạm này với tội phạm khác.

Cấu thành tội phạm cơ bản đa số được quy định ở khoản 1 của phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật Hình sự. Ví dụ: khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự mô tả dấu hiệu pháp lý của Tội cướp tài sản, là cấu thành tội phạm cơ bản. Ngoài ra, còn có một số tội phạm, cấu thành tội phạm cơ bản được quy định ở khoản 2. Ví dụ: Điều 123 (Tội giết người), cấu thành tội phạm cơ bản được quy định ở khoản 2.

+ Cấu thành tội phạm tăng nặng là loại cấu thành tội phạm ngoài các dấu hiệu định tội còn có thêm các dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể (được gọi là các dấu hiệu định khung tăng nặng).

Các dấu hiệu định khung tăng nặng đa số được quy định tại khoản 2, 3, 4 phần các tội phạm cụ thể. Ví dụ: khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự quy định cấu thành tội phạm tăng nặng “Có tổ chức” là tình tiết định khung tăng nặng.

+ Cấu thành tội phạm giảm nhẹ là loại cấu thành tội phạm ngoài các dấu hiệu định tội còn có thêm các dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể (gọi là các dấu hiệu định khung giảm nhẹ).

Ví dụ: Khoản 2 Điều 108 (Tội phản bội Tổ quốc): “Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ” là tình tiết định khung giảm nhẹ.

- Về phương diện khoa học luật hình sự thì các dấu hiệu được quy định trong mỗi cấu thành tội phạm trong Bộ luật Hình sự cũng chính là các tình tiết. Vì vậy, tương ứng với 3 loại dấu hiệu trong cấu

thành tội phạm là 3 loại tình tiết: tình tiết định tội, tình tiết định khung tăng nặng và tình tiết định khung giảm nhẹ.

+ Tình tiết định tội là những tình tiết được phản ánh bởi các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm cơ bản dùng để mô tả một loại tội.

Chúng được quy định ở cả phần những quy định chung và phần các tội phạm cụ thể.

+ Tình tiết định khung tăng nặng hoặc giảm nhẹ là những tình tiết làm thay đổi một lượng đáng kể tính chất nguy hiểm cho xã hội của một loại tội.

Bởi các trường hợp phạm tội trên thực tế thuộc một tội danh nhưng có sự khác nhau về tính chất nguy hiểm cho xã hội, mặc dù có cùng những đặc điểm đặc trưng điển hình của tội đó. Do vậy, cần phải có những khung hình phạt khác nhau để đảm bảo được vấn đề phân hóa trách nhiệm hình sự và qua đó tạo điều kiện cho việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi áp dụng luật. Nếu chỉ có một khung hình phạt với mỗi tội danh thì khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của khung sẽ rất lớn mới có thể phù hợp được với tất cả các trường hợp phạm tội trên thực tế1.

Như vậy, mỗi tội phạm cụ thể đều có một cấu thành cơ bản và có thể có một hoặc nhiều cấu thành tăng nặng hoặc cấu thành giảm nhẹ.

Cấu thành cơ bản có thể chỉ mô tả một loại trường hợp phạm tội với một dạng hành vi hoặc với nhiều dạng hành vi. Ví dụ: cấu thành cơ bản của Tội cướp giật tài sản (khoản 1 Điều 171) chỉ mô tả một trường hợp phạm tội, nhưng cấu thành cơ bản của Tội cướp tài sản (khoản 1 Điều 168) lại mô tả nhiều dạng hành vi khác nhau. Cấu thành cơ bản cũng có thể mô tả nhiều trường hợp phạm tội khác nhau, ví dụ như Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1 Nguyễn Ngọc Hòa (2015), Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Tư pháp, tr.160.

(Điều 134) - trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên và trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11%...

Các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản là dấu hiệu định tội và có ý nghĩa trong việc xác định tội danh và điều luật cần áp dụng.

Những dấu hiệu định khung tăng nặng hoặc dấu hiệu định khung giảm nhẹ có ý nghĩa trong việc chuyển khung hình phạt từ khung bình thường lên khung tăng nặng hoặc xuống khung giảm nhẹ và là cơ sở để xác định khoản cần áp dụng trong một điều luật.

Ngoài ra, trong Bộ luật Hình sự còn quy định trong phần những quy định chung tại Điều 51 và Điều 52 các loại tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là loại tình tiết không được ghi nhận trong các dấu hiệu cấu thành tội phạm (không có ý nghĩa trong việc định tội, định khung hình phạt mà chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt).

Chúng ta có thể phân biệt giữa tình tiết định khung tăng nặng hoặc định khung giảm nhẹ với tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:

Tiêu chí Tình tiết định khung

tăng nặng, giảm nhẹ Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ 1. Sự thay đổi về

mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

- Làm thay đổi một lượng đáng kể

- Làm thay đổi một lượng không đáng kể

2. Vị trí pháp lý - Được quy định trong khoản 2, 3, 4 phần các tội phạm cụ thể

- Được quy định tại Điều 51, Điều 52 phần những quy định chung Bộ luật Hình sự

3. Tính chất pháp lý trong việc xác định cấu thành tội phạm

- Bắt buộc - Không bắt buộc

3.2. Căn cứ đặc điểm cấu trúc của cấu thành tội phạm

Dựa vào đặc điểm về cấu trúc của cấu thành tội phạm, chúng ta có cấu thành tội phạm hình thức và cấu thành tội phạm vật chất, cụ thể:

- Cấu thành tội phạm hình thức là loại cấu thành tội phạm trong mặt khách quan chỉ có dấu hiệu hành vi khách quan là dấu hiệu bắt buộc. Tội phạm có cấu thành hình thức được coi là hoàn thành khi hành vi khách quan được thực hiện.

- Cấu thành tội phạm vật chất là loại cấu thành tội phạm có các dấu hiệu trong mặt khách quan là hành vi khách quan, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là các dấu hiệu bắt buộc. Tội phạm có cấu thành vật chất được coi là hoàn thành khi hành vi khách quan đã gây ra hậu quả luật định.

Cơ sở khoa học của việc xây dựng cấu thành tội phạm vật chất hoặc cấu thành tội phạm hình thức thường dựa vào các tiêu chí:

- Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi và chính sách hình sự của nhà nước. Nếu chỉ riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm hoặc hậu quả khó xác định thì xây dựng cấu thành tội phạm hình thức. Việc quy định cấu thành tội phạm hình thức đối với những tội phạm đó thể hiện thái độ nghiêm khắc của nhà nước thông qua việc quy định thời điểm tội phạm hoàn thành sớm.

Ví dụ: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, Tội cướp tài sản.

- Yêu cầu của kỹ thuật lập pháp hình sự. Cấu thành tội phạm vật chất đòi hỏi thiệt hại do tội phạm gây ra phải là thiệt hại về vật chất (về

người, về tài sản). Vì trong cấu thành tội phạm vật chất, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nên dấu hiệu hậu quả buộc phải có tính xác định. Nếu hậu quả dễ xác định hoặc bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm chỉ thể hiện đầy đủ trong cả dấu hiệu hành vi và hậu quả thì xây dựng cấu thành tội phạm vật chất.

Ví dụ: Tội trộm cắp tài sản, Tội giết người.

Như vậy, cách phân loại này có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng pháp luật, bởi lẽ cấu trúc của cấu thành tội phạm quy định các dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội phạm. Cách phân loại này sẽ là cơ sở để xác định thời điểm hoàn thành tội phạm và theo đó sẽ có những mức độ xử lý khác nhau đối với các tội phạm có cấu trúc khác nhau.

Một phần của tài liệu Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung): Phần 1 - TS Nguyễn Ngọc Kiện (Trang 81 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)