CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN
1.1. Các nghiên cứu trên góc độ lý luận về thể chế và cải cách thể chế
Trong khoảng 10 - 15 năm trở lại đây, đã có một cuộc tranh luận bùng lên trong giới kinh tế về những yếu tố sâu xa nhất của phát triển: vốn vật thể, vốn con người, công nghệ, địa lý, văn hóa, thể chế...yếu tố nào căn bản hơn? Trong cuộc tranh luận đó, một số người tiếp tục cho rằng: thể chế đóng vai trò quan trọng hơn trong tăng trưởng và phát triển kinh tế; sự khác biệt về thể chế đã tạo ra sự khác biệt giữa các xã hội về tốc độ tích lũy và "cải tiến".
Ý tưởng về sự phồn vinh của một xã hội phụ thuộc vào các thể chế kinh tế đã được các nhà triết học như David Hume và kinh tế học như Adam Smith đề cập trong cuộc thảo luận về chủ nghĩa trọng thương và vai trò của thị trường. Họ cho rằng xã hội sẽ thành công về kinh tế khi có được thể chế kinh tế tốt. Những thể chế tốt mà nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đòi hỏi là pháp trị (rule of law), tư hữu (private property) và tự do hợp đồng (freedom to contract). Họ phê phán những hệ lụy của chủ nghĩa trọng thương (chủ nghĩa bảo hộ thương mại tuỳ ý và sự dựa dẫm vào hoạt động kinh tế nhà nước và các liên minh quyền lực) đối với nền kinh tế (Smith, 1776 [2008]).
Vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, những phiên bản kinh tế học thể chế (cũ) đã xuất hiện, chủ yếu phân tích các thể chế và phản bác các lý thuyết kinh tế cổ điển với những học giả ở cả châu Âu và Mỹ như Gustav Schmoller, Walton H. Hamilton, Thorstein Veblen, John Commons và Wesley Mitchel. Ví dụ, John R. Commons (1931) đã đưa ra một quan niệm rằng nền kinh tế là một mạng lưới các mối quan hệ giữa các cá nhân có những lợi ích khác nhau; tuy nhiên, mọi người đều muốn giải quyết các tranh chấp và chính phủ là người cầm trịch cần phải đóng vai trò hòa giải giữa các nhóm tranh chấp với nhau.
11
Kinh tế học thể chế đương đại (kinh tế học thể chế mới) bắt đầu với công trình của Ronald Coase (1960) về những hệ quả của chi phí giao dịch, tiếp đó là những tác phẩm nổi tiếng của James Buchanan, Gordon Tullock và Mancur Olson cùng những người theo trường phái “lựa chọn công” khác, của Douglass North (1990) về vai trò quan trọng của các thể chế qua việc phân tích quá trình phát triển kinh tế trong quá khứ, và William Vickery (1969) về hệ quả của việc mọi người chỉ nắm được những tri thức hạn chế, bất đối xứng. Họ chỉ ra cách thức mà qua đó cạnh tranh giữa các cộng đồng và các hệ thống pháp lý dẫn tới sự tiến hoá của nhiều quy tắc thân thiện hơn với người dân và doanh nghiệp, chẳng hạn như chính phủ hữu hạn, các quyền tài sản, quy trình chuẩn mực và pháp trị.
Douglass C. North (1990: 3) đưa ra định nghĩa “thể chế” như sau: “Thể chế là các luật lệ của cuộc chơi trong một xã hội, hay nói một cách chính thức, là những ràng buộc mà con người soạn thảo ra giúp định hình sự tương tác của con người.” Còn theo Ngân hàng thế giới (1998) thì thể chế là “các quy tắc chính thức và phi chính thức và các cơ chế đảm bảo thi hành của chúng định hình cách hành xử của các cá nhân và các tổ chức trong một xã hội.” Thực tế là việc các tác giả trên được trao giải Nobel Kinh tế năm 1974 (Hayek), 1986 (Buchanan), 1991 (Coase), 1993 (North) và 1996 (Vickery) đã cho thấy hoạt động nghiên cứu kinh tế học thể chế đang ngày càng tiến triển. Trong những năm 1980 và 1990, kinh tế học thể chế đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu năng động và rộng lớn, tập trung vào vai trò then chốt của các thể chế trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, sẽ là một chiều nếu chỉ nhìn thấy tác động của thể chế đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế mà không thấy theo chiều ngược lại. Trong suốt nửa cuối thế kỷ 20, các học giả theo trường phái “hiện đại hóa” (modernization theory) ở phương Tây đã nỗ lực chứng minh rằng các quốc gia hiện đại hóa trên thế giới cuối cùng sẽ tụ lại theo một mô hình chính trị - kinh tế - xã hội chung,
12
và đó là mô hình dân chủ tự do của các nước tư bản phương Tây phát triển (Rostow, 1961; 1962). Các lý thuyết hiện đại hóa cũng nói rằng khi một đất nước đang có chế độ độc tài ngày càng phát triển thì cấu trúc xã hội trở nên phức tạp hơn, quá trình sản xuất đòi hỏi những người lao động phải hợp tác, giới chủ có quyền tự chủ nhiều hơn, xã hội có nhiều thông tin hơn và tạo điều kiện cho các nhóm xã hội xuất hiện. Bối cảnh này khiến chính quyền độc tài mất dần khả năng kiểm soát xã hội một cách hiệu quả. Càng ngày sẽ có càng nhiều tổ chức xã hội dân sự nổi lên và chống lại chế độc tài khiến cho nó sụp đổ (Przeworski and Limongi, 1997: 157). Như thế, trình độ phát triển cao hơn là điều kiện để thể chế dân chủ xuất hiện (Lipset, 1959).
Trong tác phẩm nổi tiếng “Tại sao có quốc gia thất bại?: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói”, Daron Acemoglu và James Robinson (2012) đã giải thích sự thành công cũng như sự thất bại của các quốc gia khác nhau rằng: Quốc gia phát triển lên nếu như nó xây dựng được những thể chế kinh tế và chính trị “bao trùm”; quốc gia thất bại khi các thể chế trở thành “loại trừ”, tập trung quyền lực và cơ hội vào tay một nhóm nhỏ. Thể chế kinh tế bao trùm hỗ trợ cho thể chế chính trị bao trùm - một thể chế ủng hộ những quyết sách đổi mới và sáng tạo. Ngược lại, thể chế chính trị loại trừ dồn quyền lực vào tay một nhóm người để hỗ trợ cho việc duy trì thể chế kinh tế loại trừ.
Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson (2005) nêu rằng:
Các cá nhân có quyền lực chính trị không thể cam kết rằng họ sẽ không sử dụng quyền lực của mình để phục vụ lợi ích của mình tốt nhất. Nói một cách khác, họ có thể sử dụng quyền lực chính trị của mình để xây dựng và duy trì một hệ thống thể chế kém hiệu quả hoặc không tối ưu theo nghĩa không tạo ra lợi ích tổng thể lớn nhất cho xã hội song lại đem lại lợi ích lớn nhất cho chính họ. Với một hệ thống thể chế tồi, vốn chỉ nhằm tạo ra lợi ích cá nhân cho thành phần tinh túy, bất chấp việc phần lớn hơn xã hội sẽ nghèo đi thì những cải cách sẽ khó khả thi hoặc có thể chỉ được tiến hành nửa vời. Nếu các nhóm người có quyền lực chính trị thực tế làm "điều đúng" như tiến hành cải cách, có thể họ sẽ mất đi đặc quyền
13
đặc lợi. Những mô hình phát triển lạc hậu vẫn tiếp tục tồn tại hoặc thay đổi rất chậm chỉ vì các lực lượng chính trị đầy sức mạnh tại các quốc gia nghèo khó này muốn duy trì nó như thế để bảo vệ lợi ích của mình (Acemoglu và Robinson, 2012).
Trong những năm gần đây, xu hướng quá nhấn mạnh vào tác động của thể chế đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế dường như đã trở thành quan điểm mang tính áp đặt của các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế trong nỗ lực thúc đẩy cải cách ở các nước nghèo. Tách ra khỏi xu hướng này, một số nghiên cứu cho rằng, có mối quan hệ nhân quả giữa một số cấu phần của phát triển đối với chất lượng của thể chế. Ví dụ, José Antonio Alonso và Carlos Garcimartín (2009) cho rằng trình độ phát triển (thể hiện qua các yếu tố như thu nhập bình quân đầu người, trình độ học vấn, mức độ phân phối thu nhập) có tác động đến chất lượng thể chế (đo lường bởi bộ chỉ số Quản trị quốc gia của Ngân hàng thế giới).
Kể từ đầu những năm 1990, những nghiên cứu mới về vai trò của thể chế đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế đã đưa ra hàng loạt tiêu chí khác nhau để đánh giá chất lượng thể chế. Điển hình trong số này, nghiên cứu của Stephen Knack và Philip Keefer (1995) cho rằng chất lượng của thể chế có thể được đánh giá qua các tiêu chí như: i) sự đảm bảo đối với quyền sở hữu tài sản; và ii) mức độ đảm bảo thực thi hợp đồng. Trong khi đó, nghiên cứu của Alberto Alesina (1998) lại đo lường chất lượng của thể chế qua các tiêu chí như: i) mức độ hiệu quả của bộ máy hành chính; ii) mức độ tham nhũng; iii) mức độ bảo đảm quyền sở hữu; và iv) công bằng của pháp luật.
Như vậy, nhìn chung các nghiên cứu đã cho thấy mối quan hệ hai chiều giữa thể chế và phát triển kinh tế: một hệ thống thể chế tốt thường đi kèm với một nền kinh tế phát triển cao; tuy nhiên, vẫn cần những bằng chứng thực tế để khẳng định rằng, cái nào là nguyên nhân của cái nào.