Cải cách thể chế kinh tế thị trường ở Đông Âu và Nga

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Cải cách thể chế kinh tế ở các nước châu Phi và bài học kinh nghiệm (Trang 59 - 63)

CHƯƠNG 2.CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ KINH TẾ

2.4. Cải cách thể chế kinh tế thị trường của một số nước và nhóm nước

2.4.1. Cải cách thể chế kinh tế thị trường ở Đông Âu và Nga

Trong thế kỷ 20, do nhận định sai lầm về quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, nên Liên Xô và các nước XHCN trước đây đã áp dụng cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, thủ

48

tiêu nền kinh tế thị trường TBCN; trong lĩnh vực sở hữu, nôn nóng xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân, thiết lập chế độ công hữu một cách cứng nhắc. Các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở Liên Xô và Đông Âu có hai đặc trưng cơ bản thường được nói đến là [16] [23] [25]:

Thứ nhất, chế độ kinh tế cơ bản dựa trên hai hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Các nền kinh tế này được điều hành theo cơ chế hành chính tập trung, quan liêu bao cấp; các quan hệ thị trường như quan hệ hàng-tiền bị thủ tiêu. Nhà nước chính thức có một quyền lực kinh tế vô cùng to lớn: điều khiển tất cả các lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế, quyết định sản xuất cái gì, bao nhiêu và như thế nào, cũng như phân phối kết quả sản xuất ra sao; và hệ thống giá cả bao gồm giá cả các mặt hàng sản xuất và tiêu dùng cũng như giá cả ngoại hối bị quản lý chặt chẽ. Điều này khiến cho hệ thống kinh tế hoạt động yếu kém vì không có một nhà nước nào có đủ năng lực để ra quyết định cho mọi hoạt động của đời sống kinh tế xã hội thay cho các thực thể tham gia nền kinh tế.

Thứ hai, nền kinh tế khép kín hay “đóng cửa,” hoặc chỉ đề cao chính sách thay thế nhập khẩu còn trao đổi hàng hóa, dịch vụ chủ yếu chỉ giới hạn trong phạm vi các quốc gia trong cùng hệ thống XHCN. Tuy nhiên, do cùng theo đuổi một cách thức phát triển giống nhau, các nước trong hệ thống XHCN không xây dựng được một lợi thế so sánh cần có trong hội nhập và những nước đóng vai trò đầu tàu không có đủ sức mạnh kinh tế để hỗ trợ các nước kém phát triển hơn. Sự trợ giúp về mặt kỹ thuật cho các nước đi sau chỉ là buộc các nước này cố gắng sao chép lại các mô hình từ Liên Xô cũ và các nước Đông Âu.

Những sai lầm chủ quan nghiêm trọng kéo dài trên cản trở sự cải tổ, cải cách, đổi mới đúng đắn, làm triệt tiêu động lực phát triển. Kết quả là, hệ thống XHCN trên thế giới sau một thời gian phát triển thành công đã trở nên trì trệ, nền kinh tế rơi vào suy thoái, khủng hoảng rồi sụp đổ.

Sau khi từ bỏ chủ nghĩa xã hội, Liên Xô và các nước Đông Âu tiến hành cải cách, chuyển đổi. Ngoài những cải cách chính trị, về trên lĩnh vực kinh tế, các nước này đã tiến hành hai quá trình chuyển đổi quan trọng là: quá trình tự do

49

hóa mà bản chất là quá trình thị trường hóa; và quá trình tư nhân hóa mà bản chất là việc chuyển đổi từ sự thống trị của sở hữu nhà nước và các hình thức sở hữu tương tự sang sự thống trị của sở hữu tư nhân.

Quá trình tự do hóa các hành vi kinh tế cho phép hầu hết các loại giá cả được xác định bởi các lực lượng thị trường để phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Một phần của quá trình này là tự do hóa thương mại, loại bỏ dần hàng rào thuế quan để giá cả trên thị trường trong nước tiếp cận dần với giá cả thị trường thế giới. Trong nước, các quốc gia này cắt giảm tiến tới xóa bỏ việc trợ cấp hàng hóa cho người tiêu dùng; xóa bỏ trợ giá cho người sản xuất; xóa bỏ hệ thống chỉ tiêu kế hoạch sản xuất; xóa bỏ hệ thống phân bổ nguồn lực tập trung; cho phép các cơ sở sản xuất được tự chủ trong kế hoạch sản xuất và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của doanh nghiệp; kèm theo đó là dỡ bỏ các qui tắc ấn định giá cả và tự do hóa thương mại trong nước. Về ngoại thương, các nước này bãi bỏ giấy phép và các qui định hạn chế số lượng xuất nhập khẩu; cho phép các doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình sở hữu khác nhau tham gia vào hoạt động ngoại thương đồng thời từng bước xóa bỏ độc quyền của các tổ chức ngoại thương nhà nước; áp dụng thuế quan như là một công cụ hữu hiệu của chính sách thương mại đồng thời hạ thấp hàng rào thuế quan để khuyến khích xuất nhập khẩu; thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ở hầu hết các nước, chính phủ từng bước cho phép chuyển đổi nội tệ trong tài khoản vãng lai (có nghĩa là các doanh nghiệp trong nước có thể tự do mua và bán ngoại tệ để phục vụ mục đích hiện tại) đồng thời thực hiện phá giá đồng nội tệ xuống bằng tỷ lệ ở chợ đen.

Quá trình tư nhân hóa nhằm cải cách các doanh nghiệp nhà nước để tạo dựng một khu vực công ty linh hoạt và hiệu quả, tiến tới mục tiêu cuối cùng là phân bổ và khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực khan hiếm của nền kinh tế và cải thiện hiệu quả sản xuất. Bên cạnh mục tiêu hiệu quả kinh tế, tư nhân hóa có thể nhằm mục tiêu chính trị. Ở các nước chuyển đổi, có không ít quan niệm rằng tư nhân hóa là tất cả các biện pháp góp phần vào quá trình phi nhà nước hóa các

50

hoạt động kinh tế. Có nghĩa là nó sẽ làm triệt tiêu sở hữu nhà nước, phá bỏ mô hình XHCN và tạo ra một lớp các chủ doanh nghiệp và các nhà tư bản mới. Tư nhân hóa cũng có thể nhằm mục tiêu tài chính do nó tạo ra doanh thu cho nhà nước. Ngoài ra, vào giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, các chính phủ có thể sử dụng tư nhân hóa như một phương tiện ổn định phụ trợ bằng cách đưa tài sản nhà nước ra bán để triệt tiêu lượng tiền dư thừa khi có nhiều khoản tiết kiệm của dân chúng.

Tư nhân hóa được coi là nhân tố cơ bản của quá trình chuyển đổi ở các nước Trung và Đông Âu, các nước vùng Baltics và cộng đồng các quốc gia độc lập. Ở các quốc gia này,tư nhân hóa được tiến hành cùng với các biện pháp nhằm cấu trúc lại nền kinh tế sau: Một là,bắt đầu tư hữu hóa và tháo gỡ độc quyền nhà nước trước đây; áp dụng cácluật cạnh tranh tự do như tự do gia nhập thị trường của các công ty mới và thị trường lao động tự do mềm dẻo. Hai là, hình thành môi trường thị trường tài chính lành mạnh thông qua cải tổ khu vực ngân hàng, tài chính và cải tổ thuế. Ba là, phát triển mạng lưới an sinh xã hội thay thế hệ thống bao quát tất cả từ

“nôi cho đến mộ” trước đây, và làm giảm ảnh hưởng của các biện pháp khổ hạnh của chuyển đổi cơ cấu. Bốn là, đề xướng chính sách công nghiệp để xác định “kẻ thắng, người thua” trong các lĩnh vực công nghiệp sẽ phải tái cơ cấu, xác định các hoạt động hỗ trợ và đặt ra các chính sách thích hợp như khuyến khích bằng giảm thuế, áp dụng cơ chế thưởng xuất khẩu, dùng thuế quan bảo hộ những ngành công nghiệp non trẻ, quan tâm đến môi trường hay giúp các doanh nghiệp hạn chế thiệt hại do thay đổi chính sách gây ra.[23]

Thực tế cũng cho thấy, tại một số nước đã theo đường lối XHCN trước đây, lý luận và thực tiễn đã thay đổi 180 độ: từ chỗ tôn thờ chế độ công hữu chuyển sang tôn thờ chế độ tư hữu;từ chỗ nỗ lực phát triển khu vực nhà nước và các xí nghiệp quốc doanh quy mô lớn chuyển sang tư nhân hóa ồ ạt; từ chỗ “cào bằng” với mong muốn có được bình đẳng xã hội sang chỗ sẵn sàng chấp nhận một nhóm người giàu lên nhanh chóng, tích lũy được những nguồn tài sản khổng lồ...gây ra sự phân hóa cao trong xã hội.

51

Trong khi đó, một số nước XHCN còn lại đã kịp thời nhận ra những sai lầm trên, tiến hành cải cách, đổi mới, xây dựng những mô hình kinh tế thị trường phù hợp như kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam, kinh tế thị trường XHCN Trung Quốc; điều chỉnh các thể chế của nền kinh tế thị trường cho phù hợp với hoàn cảnh mới trong đó có sở hữu... Quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: vừa tiến hành cải cách mang tính “thị trường” và giảm bớt vai trò của nhà nước; vừa phải đảm bảo thực hiện mục tiêu XHCN; đặc biệt, nhà nước đóng vai trò chính yếu trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường. Về sở hữu, tư liệu sản xuất và các tổ chức kinh tế đầu tàu đều thuộc sở hữu của nhà nước hoặc sở hữu hỗn hợp, nhưng nền kinh tế vẫn được vận hành theo nguyên tắc của thị trường. Tuy vậy, quá trình cải cách, xây dựng và phát triển này vẫn đang được các nước XHCN hiện nay tiếp tục tìm tòi và khám phá.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Cải cách thể chế kinh tế ở các nước châu Phi và bài học kinh nghiệm (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)