CHƯƠNG 3. CẢI CÁCH THỂ CHẾ KINH TẾ Ở CHÂU PHI
3.2. Nội dung cơ bản trong cải cách thể chế kinh tế thị trường ở châu Phi
3.2.1. Cải cách quyền sở hữu
Tự do về sở hữu là một vấn đề gai góc nhưng lại hết sức quan trọng đối với các nước châu Phi trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Ở những nền kinh tế thị trường phương Tây, các đơn vị kinh tế và xã hội
80
cơ bản là cá nhân. Tại nhiều nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô Viết ở Đông Âu và châu Á, đơn vị kinh tế và xã hội là các tổ chức tập thể và nhà nước.
Tuy nhiên, tại châu Phi, các đơn vị kinh tế và xã hội cơ bản lại là gia đình mở rộng, bộ tộc và bộ lạc. Nghiêm trọng hơn, cho đến tận cuối thế kỷ 20, khắp lục địa vẫn tồn tại các chế độ phân biệt chủng tộc trên thực tế bất kể đó là giữa người da trắng với người da đen hay giữa những người da đen với nhau song không cùng tôn giáo, sắc tộc - nơi mà những người nắm quyền lực sử dụng chính phủ để thúc đẩy lợi ích của họ và loại trừ tất cả những người khác, dẫn châu Phi vào những thảm họa nhân đạo và phát triển.
Tại châu Phi, sở hữu đất đai vừa là vấn đề then chốt, vừa là vấn đề nhạy cảm trong quá trình phát triển bởi phần lớn dân số châu Phi sống dựa vào nông nghiệp. Đất đai là tài sản và cũng là nguồn sống chính của họ. Trong thời kỳ thực dân cơ cấu sở hữu đất đai bị bóp méo. Việc cướp bóc và chiếm đoạt đất đai khiến cho phần lớn diện tích đất đai màu mỡ, có thể canh tác được thuộc về số ít người da trắng định cư; phần còn lại chủ yếu là đất đai thuộc sở hữu cộng đồng.
Về mặt lịch sử, đất đai ở châu Phi đã không bao giờ thuộc sở hữu tập thể mà được sở hữu riêng tư bởi gia đình hoặc dòng tộc. Ví dụ, George Ayittey có viết trong bài luận của mình rằng: “nếu bạn hỏi: “Mảnh đất này thuộc về ai?” Người Châu Phi sẽ nói với bạn: “Nó thuộc về tất cả chúng tôi”, nghĩa là gia đình mở rộng của anh ta…”[43]
Trong những năm 1980, có ba khuynh hướng cải cách đất đai ở châu lục.
Một là khuynh hướng “xã hội hóa” đất đai với việc hình thành các hợp tác xã và trang trại quốc doanh (như ở Mozambique). Hai là khuynh hướng đàm phán giữa chính phủ với các thủ lĩnh bộ lạc, bộ tộc để phân chia lại quyền sở hữu các mảnh đất (như ở Gambia, Lesotho). Ba là khuynh hướng tư nhân hóa đất đai (như ở Malawi, Kenya). Khi làn sóng tự do hóa bắt đầu tràn vào châu lục, thuật ngữ “quyền sở hữu đất” bắt đầu được nhấn mạnh. Hệ thống sở hữu đất đai truyền thống ở châu Phi khiến nguồn lực không được phân bổ và sử dụng hiệu
81
quả do quyền sở hữu không được xác lập đầy đủ, các cá nhân không phải gánh chịu các chi phí song cũng không được hưởng lợi ích đầy đủ và hợp đồng không được pháp luật đảm bảo thực thi. Tư tưởng cải cách theo hướng tự do hoá cho rằng, điều quan trọng nhất là phải chuyển đất đai cho những người có khả năng khai thác hiệu quả nhất và mang lại giá trị lớn nhất từ đất. Tuy trong những năm 1970 châu Phi không phải là châu lục có tình trạng “không có đất” (người nông dân không tiếp cận được với đất đai có thể canh tác) hoặc “gần như không có đất” (người nông dân chỉ tiếp cận được với một diện tích đất quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu sinh kế tối thiểu) nghiêm trọng nhất thế giới (đứng đầu là châu Mỹ Latinh), song lại là khu vực có tỷ lệ này gia tăng nhanh nhất trong những năm 1970-1980 [129].
Mặc dù có nhiều nỗ lực cải cách, đa số các nước châu Phi đến nay vẫn bị xếp vào nhóm những nước không có tự do về sở hữu. Theo đánh giá của Heritage Foundation, mức độ tự do về sở hữu của khu vực châu Phi nam Sahara liên tục giảm mạnh trong giai đoạn 1995 - 2016 xuống mức rất thấp (30 điểm trên thang điểm tối đa là 100): mức mà các quyền sở hữu bị coi là được bảo vệ rất yếu với hệ thống toà án không hiệu quả, tình trạng tham nhũng phổ biến, các quyền tư pháp bị can thiệp bởi các nhánh quyền lực của chính phủ và các tài sản có thể bị tịch thu không bồi thường. Đứng cuối bảng xếp hạng năm 2016 của châu Phi về mức độ tự do đối với quyền sở hữu là các nước: Zimbabwe, Cộng hoà Congo, Cộng hoà dân chủ Congo, Cộng hoà Trung Phi, Guinea xích đạo, Eritrea (ở mức 10 điểm trên thang điểm tối đa là 100). Đây là mức mà quyền sở hữu hiếm khi được bảo vệ với tình trạng hầu hết tài sản là của nhà nước, đất nước trong tình trạng hỗn loạn nên rất khó đảm bảo các quyền tài sản, hệ thống toà án rất tham nhũng và không giúp bảo vệ quyền sở hữu một cách hữu hiệu, thường xuyên xảy ra tình trạng tịch thu tài sản không được bồi thường.
Tình hình bất ổn chính trị và xung đột ở nhiều quốc gia châu Phi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền sở hữu. Theo báo cáo Chỉ số Hòa
82
bình thế giới năm 2016 do Viện nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình công bố, các nước châu Phi đứng cuối bảng gồm 163 nước được xếp hạng là: Nam Sudan (đứng thứ 162), Somalia (159), Cộng hòa Trung Phi (157), Sudan (155), Lybia (154), Cộng hòa dân chủ Congo (152), Nigeria (149) [67]. Tại Nigeria, Cameroon, Niger và Chad, hoạt động tăng cường của nhóm khủng bố Boko Haram gần đây đã khiến cho hàng trăm nghìn người phải bỏ nhà cửa đi tỵ nạn.
Cao ủy tỵ nạn Liên hợp quốc (UNHCR) ước tính, chỉ riêng trong năm 2015 đã có hơn 150 nghìn người Nigeria đã phải bỏ chạy sang Niger để tránh làn sóng khủng bố Boko Haram [105].
Hình 3.3: Mức độ tự do về sở hữu của châu Phi nam Saharaso với thế giới và châu Á – Thái Bình Dương
Nguồn: Heritage Foundation (2016), 2016 Index of Economic Freedom [http://www.heritage.org/index/ranking]