VTQT vô tác:

Một phần của tài liệu đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ pháp của vị từ quá trình tiếng việt (Trang 64 - 70)

- Khái niệm VTQT vô tác:

VTQT vô tác là những vị từ biểu thị những quá trình không tác động vào một đối tượng nào khác. Hay nói một cách khác, ở đây không có một đối tượng nào chịu sự tác động của biến cố do vị từ biểu thị. Ví dụ:

1) Đang mưa mà anh? [PA, BVTTVN] 2) Tôi nhìn mây bay: [NNA, ĐQHC]

3) Rồi như để nhanh chóng thoát khỏi tình thế bất lợi này, hắn co chân đạp một phát, cô gái bắn ra xa. [NNA, BBLT]

4) Chị Ngà không té xe cũng chẳng va đầu vào gốc cây, tảng đá. [NNA, ĐQHC] Các vị từ “mưa”, “bay”, “bắn” và “va” trong các câu trên không thể làm trung tâm của kết cấu gây khiến-kết quả nên chúng là các VTQT vô tác.

VTQT vô tác có thể biểu thị sự thay đổi về vị trí, tư thế, trạng thái, trạng thái tồn tại (nảy sinh hay diệt vong), v.v. của con người, con vật, sự vật, hiện tượng, v.v. một cách không chủ ý.

VTQT vô tác có thể không có diễn tố nào (vô trị), có một diễn tố (đơn trị), có hai diễn tố (song trị) hay ba diễn tố (tam trị). Chủ thể của quá trình do vị từ biểu thị gọi là Quá thể có thể có tính [+ Động vật] hay có tính [- Động vật]. Ví dụ: VTQT vô tác “mưa” (câu 1) biểu thị sự nảy sinh của một hiện tượng và là VTQT vô tác vô trị; VTQT vô tác “bay” (câu 2) biểu thị sự thay đổi vị trí của Quá thể “mây” ([- Động vật]) và là VTQT vô tác đơn trị; VTQT vô tác “bắn” (câu 3) biểu thị sự thay đổi vị trí một cách không chủ ý của Quá thể “cô gái” ([+ Động vật]) và là VTQT vô tác song trị; VTQT vô tác “va” biểu thị sự thay đổi vị trí không chủ ý của Quá thể “chị Ngà” ([+ Động vật]) và là VTQT vô tác tam trị.

- Phân biệt quá trình vô tác và hành động vô tác: Quan sát các câu sau:

3) Rồi như để nhanh chóng thoát khỏi tình thế bất lợi này, hắn co chân đạp một phát, cô gái bắn ra xa. [NNA, BBLT]

3’) Cô gái chạy ra xa.

Trong câu 3), “cô gái”, chủ thể của biến cố “bắn” không thể quyết định được việc mình có bị “bắn” ra hay không. Trái lại, trong câu 3’), “cô gái” hoàn toàn có thể quyết định việc có “chạy” hay không. Vị từ “bắn” là một VTQT vô tác còn vị từ “chạy” là một vị từ hành động vô tác.

Như vậy, quá trình vô tác khác với hành động vô tác trước hết ở chỗ chủ thể của biến cố do VTQT vô tác biểu thị không có khả năng quyết định biến cố có xảy ra hay không còn chủ thể của vị từ hành động vô tác lại có thể quyết định biến cố do vị từ biểu thị có xảy ra hay không.

Thứ hai, hành động vô tác là một biến cố [+ Chủ ý] nên vị từ hành động vô tác phải có ít nhất một diễn tố trong khi VTQT vô tác có thể không có diễn tố. Ví dụ:

1) Đang mưa mà anh? [PA, BVTTVN] 1’) Đang học mà anh? [NNA, ĐQHC]

Trong hai câu trên, vị từ “mưa” không cần một đối tượng nào thực hiện hay trải qua biến cố do nó biểu thị. Trong khi đó, vị từ “học” đòi hỏi phải có một thực thể có ý thức thực hiện hành vi do nó biểu thị. Trong câu 1’), thực thể này không được hiển ngôn nhưng không phải là không có. Vị từ “mưa” là VTQT vô tác còn vị từ “học” là vị

Thứ ba, hành động vô tác là biến cố [+ Chủ ý] nên chủ thể của biến cố phải là người hay động vật có ý thức ([+ Động vật]). Trong khi đó, chủ thể của quá trình vô tác có thể là bất động vật. Ví dụ:

1) Chiếc xe chạy dần tới địa phận Hải Dương, bỏ lại phía sau những làn nước

bắn tung toé khi nó chạy qua đoạn đường cao tốc ướt sũng nước. [PA, BVTTVN]

1’) * Chiếc xe chạy dần tới địa phận Hải Dương, bỏ lại phía sau những làn nước

chạy tung toé khi nó chạy qua đoạn đường cao tốc ướt sũng nước.

VTQT vô tác “bắn” có thể có chủ thể là sự vật như “những làn nước” trong câu 1) trong khi đó, “chạy” không thể có điều này. Câu 1’) là câu bất thường.

- Vấn đề phân loại VTQT vô tác:

Như trên đã nói, khi phân loại câu theo nghĩa biểu hiện, Cao Xuân Hạo đã phân chia nhóm các sự tình quá trình vô tác thành hai nhóm là chuyển biến và sinh diệt và từ đó lại tiếp tục phân chia nhóm chuyển biến thành chuyển vị và chuyển thái, nhóm sinh diệt thành nảy sinh và diệt vong. Quan điểm này của Cao Xuân Hạo là gợi ý quan trọng đối với chúng tôi trong việc phân chia các VTQT vô tác. Tuy nhiên, theo chúng tôi, quá trình sinh diệt cũng là một quá trình chuyển biến. Đó cũng chỉ là một sự thay đổi từ trạng thái này sang một trạng thái khác. Quá trình này cũng giống như quá trình chuyển vị và chuyển thái chỉ khác một điều là một bên là sự thay đổi về vị trí hay tư thế và trạng thái nói chung còn một bên là sự thay đổi về trạng thái tồn tại. Do vậy, theo chúng tôi, cả bốn quá trình chuyển vị, chuyển thái, nảy sinh và diệt vong đều là các quá trình chuyển biến và có thể được xếp ngang hàng với nhau trong bảng phân loại.

Cũng theo bảng phân loại của Cao Xuân Hạo nêu trên thì quá trình tạo tác nằm trong nhóm tạo diệt và được xếp vào nhóm các VTQT chuyển tác (hữu tác). Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần phải chuyển nhóm VTQT này sang cùng nhóm với các vị từ vô tác. Quan sát các câu sau:

1) Cây bật chồi. [VNNH, TĐTV] 2) Cây đã đơm lá non. [VNNH, TĐTV] 3) Hạt nảy mầm. [VNNH, TĐTV]

4) (…), lúa chết khô khi mới trổ bông. [NNT, CĐBT]

Trong các câu trên, bổ ngữ đứng sau các vị từ “bật”, “đơm”, “nảy” và “trổ” là những yếu tố không thể lược bỏ được. Nếu các bổ ngữ này bị lược bỏ, câu sẽ trở nên vô nghĩa. Do vậy, các bổ ngữ “chồi”, “lá non”, “mầm” và “bông” là các tham tố bắt buộc

tức là các diễn tố của vị từ. Ngoài các diễn tố này, các vị từ trong các câu trên còn có một diễn tố nữa chính là chủ thể trải qua quá trình (Quá thể) là “cây” trong các câu 1), 2); “hạt” trong câu 3) và “lúa” trong câu 4). Trước khi biến cố do vị từ biểu thị xảy ra, chỉ có diễn tố thứ nhất-Quá thể là đang tồn tại. Diễn tố thứ hai chỉ bắt đầu được hình thành, được coi là tồn tại khi biến cố xảy ra. Điều này có nghĩa là trước khi biến cố xảy ra chỉ có “cây”, “hạt” và “lúa” tồn tại. Trong khi đó, “chồi”, “lá non”, “mầm” và “bông” chỉ được hình thành khi các biến cố “bật”, “đơm”, “nảy” và “trổ” xảy ra. Do vậy, “chồi”, “lá non”, “mầm” và “bông” là những sản phẩm được tạo ra nhờ một quá trình chuyển biến. Hay nói một cách khác, “chồi”, “lá non”, “mầm” và “bông” là Tạo thể trong các quá trình “bật”, “đơm”, “nảy” và “trổ” của “cây”, “hạt” và “lúa”. Nếu các vị từ trên là các vị từ chuyển tác theo như thuật ngữ của Cao Xuân Hạo hay hữu tác theo thuật ngữ của chúng tôi thì phải có một sự tác động của một đối tượng nào đó vào các sản phẩm này. Tuy nhiên, trong các quá trình trên ta không thấy có sự tác động của “cây”, “hạt” và “lúa” vào “chồi”, “lá non”, “mầm” và “bông”. Các vị từ “bật”, “đơm”, “nảy” và “trổ” không thể tham gia cấu trúc gây khiến-kết quả. Các câu sau không tồn tại trong tiếng Việt:

1’) * Cây bật chồi làm cho nó V2. 2’) * Cây đã đơm lá non làm cho nó V2. 3’) * Hạt nảy mầm làm cho nó V2.

4’) * (...), lúa chết khô khi mới trổ bông làm cho nó V2.

Do vậy, các quá trình trên không thể coi là quá trình hữu tác (chuyển tác) được. Thêm vào đó, đặc trưng của một biến cố hữu tác là tiền giả định sự tồn tại của đối tượng bị tác động. Trong khi đó các vị từ nêu trên không hề tiền giả định sự tồn tại của các đối tượng là “chồi”, “lá non”, “mầm” và “bông”. Các sự vật này chỉ xuất hiện và tồn tại sau khi biến cố do vị từ biểu thị xảy ra.

Ngoài ra, đặc tính đặc trưng của một biến cố hữu tác là làm cho một đối tượng nào đó thay đổi về một phương diện nào đó. Nhưng ở đây, ta thấy các VTQT nêu trong các câu trên hoàn toàn không biểu thị sự thay đổi của một đối tượng nào về bất cứ một phương diện nào.

Một điểm nữa chứng minh không thể xếp nhóm các vị từ như “bật”, “đơm”, “nảy”, “trổ”, v.v. vào nhóm các VTQT hữu tác là vì trong kết cấu vị ngữ hạt nhân của

hay nói một cách khác kết cấu vị ngữ hạt nhân của các vị từ nêu trên không thể chuyển thành cấu trúc bị động, một dấu hiệu của vị từ hữu tác nói chung. Các câu 1’), 2’), 3’) và 4’) sau trong tiếng Việt là rất bất thường:

1) Cây bật chồi. [VNNH, TĐTV] → 1’) * Chồi bị cây bật.

2) Cây đã đơm lá non. [VNNH, TĐTV] → 2’) * Lá non đã bị cây đơm.

3) Hạt nảy mầm. [VNNH, TĐTV] → 3’) * Mầm bị hạt nảy.

4) (…), lúa chết khô khi mới trổ bông. [NNT, CĐBT] → 4’) * (…), lúa chết khô khi bông mới bị (lúa) trổ.

Do vậy, theo chúng tôi, hợp lí nhất là xếp các VTQT tạo tác vào nhóm các VTQT vô tác thay vì xếp vào nhóm các VTQT hữu tác.

- Các tiểu loại VTQT vô tác: 1/ VTQT vô tác chuyển vị:

- VTQT vô tác chuyển vị đơn trị: baycv, bắn, bong, chìmcv, lan, lăn, lặn, lêncv, nổicv, rơi, run, rụng, toé, tràn, tuôn, xuốngcv, v.v.Ví dụ:

1) Hòn sỏi lướt trên mặt nước mấy lần rồi chìm hẳn. [PA, BVTTVN]

2) Những đoá hoa cúc vẫn tiếp tục khoe sắc trong mưa, mặc dù sáng ra tôi nhìn thấy nhiều cánh hoa bị dập, một số rụng lả tả trên mặt đất ướt. [NNA, ĐQHC]

- VTQT vô tác chuyển vị song trị: ám, ào, bạt, baycv, bắn, cập, dạt, đến, đổcv, hắt, lan, lắng, lêncv,lìa, long, ngã, rơi, rời, rớt,rụng, tạt, té, thấm, thổi, thụt, toé, tới, tràn, trôi, trườn, túa, tuôn, tuột, về, vỗ, vụt, xộc, xuốngcv, xuyên, v.v. Ví dụ:

1) (…), hắn co chân đạp một phát, cô gái bắn ra xa. [NNA, BBLT]

2) Sóng biển trườn lên bãi cát, liếm cả vào giày của anh. [PA, BVTTVN]

- VTQT vô tác chuyển vị tam trị: cộc, cụng, chạm, rơi, sảy, sẩy, thụt, toả, trợt, trượt, va, vập, vươn, v.v. Ví dụ:

1) (…), hoạ sĩ rơi người vào trong một vùng kí ức xa xôi mà đã lâu lắm rồi ông không còn nhớ đến... [CL, BCDCNĐBL]

2/ VTQT vô tác chuyển thái:

- VTQT vô tác chuyển thái đơn trị: ải, bạc, bai, bạnh, bốcct, cháyct, chết điếng, chìmct, chói, chột dạ, chưng hửng, co, cóng, dãn, doãng, đanh, đặc, đỏ, đông, động, đơ, đờ, đực, gãy, gẫy, gỉ, hả, hắt hơi, hắt xì, hắt xì hơi, ho, hoa, hửng, mòn, mờ, mủn, nẻ, ngáy, nhủn, run, rực, sôi, sờn, sủi, sứt, tái, tànct, tạnhct, tắtct, úa, ủng, vữa, v.v. Ví dụ:

1) Hàm răng cắn chặt vào nhau, cằm bạnh ra, (…). [PA, BVTTVN]

2) Mà, lúc đó, tôi đang chết điếng, sao tôi lại nhìn về phía cha? [NNT, CĐBT]

- VTQT vô tác chuyển thái song trị: ám, ánh, bạc, bong, bợt, bung, buột, chói, co, điếng, đỏ, đờ, đực, gợn, hoa, hoá, lạnh, lặng, loá, long, lộ, mòn, ngả, ngẩn, ngây, nghẹn, nghệt, ngớt, nhiễm, nhuộm, nổict, nuốt, phì, phổng, phun, quăn, sứt, tái, tan, tắtct, ửng, vã, vẹt, xơ, v.v. Ví dụ:

1) Sự xuất hiện bất ngờ của ông tôi làm tụi nó điếng hồn. [NNA, ĐQHC] 2) Tao nói bậy sao mày lại đỏ mặt? [NNA, ĐQHC]

3/ VTQT vô tác nảy sinh:

- VTQT vô tác nảy sinh vô trị (diễn trị zero): bão, gió, mưa, v.v. Ví dụ:

1) Đang mưa mà anh? [PA, BVTTVN]

2) Năm nay trở trời mưa hoài! [NTCG, BTN]

- VTQT vô tác nảy sinh đơn trị: bốcns, bùng, cất, chào đời, cháyns, cồn, hiện, hoành hành, lênns, ló, loè, loé, mọc, nảy nở, nảy sinh, nhú, nổins, phun, phụt, ra, ra đời, reo, sinh, sực, tháo, thổi, toả, toát, toé, tràn, trồi, túa, tuôn, tứa, ứa, vã, vang, vọng, xộc, xông, xuất hiện, xuốngns, v.v. Ví dụ:

1) Ngọn lửa nhỏ bùng lên, (…). [CL, BCDCNĐBL] 2) Tiếng rúc rích lại cất lên, (…). [NNA, ĐQHC]

- VTQT vô tác nảy sinh song trị: túa, v.v. Ví dụ:

(…), mồ hôi túa thành dòng trên trán. [NNA, ĐQHC] 4/ VTQT vô tác diệt vong:

- VTQT vô tác diệt vong đơn trị: bay biến, bặt tăm, biến, biệt tăm, biệt tích, cháydv, chấm dứt, chết, đi, đột tử, hi sinh, kết thúc, lụi, mất, mất tích, ngớt, ngưng, qua đời, rụi, rữa, tạ thế, tan, tàn, tạnhdv, tắtdv, tắt thở, v.v.Ví dụ:

1) Vậy mà bây giờ, bỗng dưng anh biến đi đâu. [NTTH, BNTĐ]

- VTQT vô tác diệt vong song trị: bỏ, dứt, v.v. Ví dụ:

1) Nó bỏ mạng ở biên giới. [DTH, CDNHX]

2) Nhưng may làm sao, gần đến giờ ra chơi thì mưa bỗng dứt hạt. [NNA, BBLT] 5/ VTQT vô tác tạo tác:

VTQT vô tác tạo tác song trị: bật, bói, đâm, đơm, nảy, nẩy, nở, ra, tạo, tạo thành, tiết, toả, trổ, v.v.Ví dụ:

1) Ngoài vườn chị trồng mấy cây doi nhỏ và một bụi tóc tiên rung rinh nở hoa. [NTTH, MTVRR]

2) Tóc tiên lại ra thêm mấy nhánh nữa. [NTTH, MTVRR]

Một phần của tài liệu đặc điểm ngữ nghĩa-ngữ pháp của vị từ quá trình tiếng việt (Trang 64 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(182 trang)
w