Trong cuốn sách Động từ tiếng Việt xuất bản năm 1977, tác giả Nguyễn Kim Thản cũng chia nhóm vị từ thành hai nhóm là động từ và tính từ. Trước hết, ông chia toàn bộ từ tiếng Việt thành những từ tình thái và những từ phi tình thái. Tiếp đó, nhóm từ phi tình thái được chia thành thực từ và hư từ. Nhóm thực từ lại gồm hai nhóm là thể từ và vị từ. Sau đó nhóm vị từ được chia thành động từ và tính từ. Cách phân chia từ tiếng Việt của Nguyễn Kim Thản có thể hình dung theo sơ đồ sau:
Từ tiếng Việt
Từ tình thái Từ phi tình thái
Thực từ Hư từ
Thể từ Vị từ
Động từ Tính từ
Điểm khác biệt của Nguyễn Kim Thản so với Lê Văn Lý là ông đã gọi tên nhóm từ loại gồm động từ và tính từ là vị từ. Từ đó, ông đưa ra khái niệm về vị từ như sau:
1/ Về mặt ý nghĩa: vị từ là những từ “biểu thị quá trình hay tính chất của sự
vật”;
2/ Về mặt hình thức: vị từ là những từ có khả năng trực tiếp làm vị ngữ; trực tiếp đặt sau đều, chẳng, sẽ,...; có thể đặt trước những từ phủ định không, chưa để tạo thành câu nghi vấn và không có khả năng đặt trước những từ chỉ định như này, kia, ấy, nọ,...
[91, tr. 21].
Sau đó, ông đưa ra phương pháp phân biệt động từ và tính từ như sau: 1/ Động từ tiếng Việt là những từ có đặc điểm như sau:
- Về mặt ý nghĩa: động từ “biểu thị quá trình, cũng tức là biểu thị hoạt động hay
trạng thái nhất định của sự vật trong quá trình”. [91, tr. 23].
- Về mặt hình thức: động từ là những từ ngoài những đặc điểm chung của vị từ như có khả năng trực tiếp làm vị ngữ; trực tiếp đặt sau đều, chẳng, sẽ,...; không có khả
năng đặt trước những từ chỉ định như này, kia, ấy, nọ,...; v.v. Động từ còn có một đặc điểm đặc trưng phân biệt với tính từ là “có thể đặt sau những hư từ chỉ sự cầu khiến
hãy, đừng, chớ”. [91, tr. 24].
2/ Tính từ tiếng Việt là những từ có đặc điểm như sau: - Về mặt ý nghĩa: tính từ “biểu thị tính chất của sự vật”.
Phương pháp phân loại vị từ trên của ông khắc phục được nhược điểm chỉ dựa vào hình thức để nhận diện động từ và tính từ tiếng Việt của Lê Văn Lý nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi phân biệt hai nhóm từ này. Cách phân chia vị từ như trên của ông cũng đã bị Nguyễn Thị Quy phê phán rất nhiều. Bà đã tìm ra 662 từ trong từ điển được chú là tính từ và hoàn toàn không thấy trong số các dẫn chứng về động từ của ông và của những người đồng quan điểm với ông. Nói một cách khác, chúng được các tác giả ngầm coi là tính từ. Nhưng có điều đáng chú ý là các từ này lại có khả năng kết hợp với hãy, đừng, chớ, là tiêu chí nhận diện của động từ chứ không phải của tính từ. [84, tr. 54-55]. Thêm vào đó, khi phân chia nhóm động từ thành những nhóm nhỏ hơn đã xảy ra tình trạng lẫn lộn vị trí phân bố cũng như đặc điểm ngữ nghĩa của nhiều động từ. Có những động từ có đặc trưng ngữ nghĩa giống nhau lại được xếp vào các nhóm khác nhau cũng như có những động từ rất khác nhau về ngữ nghĩa lại được xếp vào cùng một nhóm. Chẳng hạn, các động từ như ra, vào, lên, xuống vốn là những động từ hành động biểu thị những hành động cụ thể lại được xếp vào nhóm “động từ trừu tượng” bên cạnh các động từ như yêu đương, say đắm. Hay vin, la ó, ngoi cũng là những động từ hành động biểu thị những hành động cụ thể lại được xếp vào nhóm “động từ trạng thái” bên cạnh sệ, lắng, uất.
Tóm lại, trong công trình của mình Nguyễn Kim Thản đã đưa ra rất nhiều nhóm vị từ nhưng hoàn toàn chưa tách nhóm vị từ quá trình (VTQT) ([+ Động] [- Chủ ý]) thành một nhóm riêng để nghiên cứu, và vì vậy cũng chưa đề cập đến kiểu câu quá trình.