Xuân Hạo đã bày tỏ quan điểm của mình về hai khái niệm thường được gọi là động từ và tính từ trong tiếng Việt. Theo ông hai thuật ngữ này vốn được dịch ra từ hai từ tiếng Pháp “verbe” và “adjectif” tương ứng với hai từ La tinh cổ là “verbum” và “(nomen) adjectivum” có nghĩa “là ‘lời’, là ‘điều được nói ra’, là ‘vị từ’” và ‘danh từ phụ gia’. [31, tr. 251]. Và như vậy theo ông ‘verbe’ không phải là một cái gì động nên không thể dịch là ‘động từ’ được. Tương tự, ‘adjectif’ cũng không chứa đựng cái ý ‘tĩnh’ hay ‘tính
chất’ để được dịch là ‘tính từ’ hay ‘tĩnh từ’. Trong bài viết này, ông đã phê phán giới ngữ học Việt Nam khi họ cho rằng động từ và tính từ tương ứng với ‘verbe’ và ‘adjectif’. Theo ông, những đơn vị ngôn ngữ thường được gọi là tính từ vốn cùng thuộc một nhóm với những đơn vị thường được gọi là động từ và cả hai cùng thuộc một nhóm mà ông gọi là “vị từ”. Đó là “một từ có thể tự mình làm thành một vị ngữ (hay một ngữ
đoạn biểu thị nội dung của cái sự tình được trần thuật trong câu) hoặc làm trung tâm cho ngữ đoạn ấy.” [31, tr. 355]. Còn “động từ” hay “động tự” là những sự thể [+ Động]
như “chạy, rơi, bắt đầu, thôi, lấy, ngừng” và “tính từ” hay “tĩnh tự” là những vị từ chỉ những sự thể tĩnh ([- Động]). Trong đó sự phân biệt [+ Động]/ [- Động] là những sự phân biệt ngữ nghĩa-ngữ pháp mà ông tiếp thu từ S.C. Dik.
Theo ông, để nghiên cứu vị từ của một ngôn ngữ đơn lập điển hình như tiếng Việt thì hai tiêu chí [± Động] và [± Chủ ý] chưa đủ. Để có thể khái quát được toàn bộ đặc điểm của vị từ tiếng Việt, ông đề nghị bổ sung thêm tiêu chí [± Hữu đích]. Kết quả, Cao Xuân Hạo cho rằng các vị từ tiếng Việt có thể được phân chia thành những nhóm như sau:
a. Vị từ “động” và vị từ “tĩnh” ([± Động])
b. Vị từ “chủ ý” và vị từ “không chủ ý” ([± Chủ ý])
c. Vị từ “hữu đích” và vị từ “vô đích” ([± Hữu đích]). [31, tr. 258].
Phân chia vị từ tiếng Việt thành các nhóm dựa trên các tiêu chí phân loại mà S.C. Dik áp dụng cho các ngôn ngữ Ấn-Âu nên Cao Xuân Hạo cũng nhấn mạnh rằng sự phân biệt [+ Động]/ [- Động] (tĩnh) trong các vị từ tiếng Việt khác với sự phân biệt đó trong các thứ tiếng có tính từ như các ngôn ngữ Ấn-Âu. Ông viết: “trong các vị từ tĩnh
của tiếng Việt (kể cả những vị từ được gọi là “tính từ”) có nhiều từ có thể chuyển thành [+ Động] bằng cách thêm một trạng ngữ chỉ “hướng” (…), trong khi sự phân biệt này trong các thứ tiếng nói trên (các thứ tiếng có tính từ) là bất di bất dịch, vì đã được từ vựng hoá, nghĩa là các thứ tiếng này dùng hai từ khác nhau (nhiều khi có thể thuộc hai từ loại khác nhau như vị từ và tính từ) để thể hiện sự phân biệt này.”. [31, tr. 258-259]. Quan điểm của Cao Xuân Hạo đã mở ra một khuynh hướng mới, một cách nhìn mới về một nhóm từ quan trọng có tính phổ quát trong ngôn ngữ nói chung và trong tiếng Việt nói riêng. Và một trong những nhà Việt ngữ học chịu ảnh hưởng mạnh mẽ quan điểm này chính là Nguyễn Thị Quy.