Kết quả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp, công ty hay tổ chức nào đó được xem là có hiệu quả khi tổ chức, doanh nghiệp đó đạt được các mục tiêu đề ra. Do đó, nhà quản trị luôn tìm cách để người lao động tự nguyện hoặc ép buộc họ phải tuân thủ những quy trình quy định mà nhà quản trị đã đề ra. Đối với cơ quan hành chính nhà nước khi mà tiêu chí “cấp dưới phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên” đã trở thành quy định và ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều cấp lãnh đạo, trong khi đó tâm lý chung của người lao động lại thích môi trường làm việc có kỷ luật tốt nhưng không phải gò bó, năng lực cá nhân được đánh giá dựa trên kết quả công việc chứ không dựa vào “mối quan hệ”. Vì thế trong quá trình làm việc, luôn có mối quan hệ tương tác giữa những người lao động và những nhà quản trị, sự tương tác này chắc chắn sẽ làm phát sinh mâu thuẫn, vì thế để đảm bảo công việc được vận hành đúng mục tiêu đã đặt ra, Ban lãnh đạo hay nhà quản trị phải là những vị quan tòa trực tiếp tìm hiểu và xử lý những mâu thuẫn có thể phát sinh trong suốt quá trình đó. Để làm được điều này ngoài việc người lãnh đạo phải hiểu được sâu sắc tâm lý từng đối tượng, hiểu được nguồn gốc phát sinh mâu thuẫn đồng thời phải có kiến thức về quản trị và có khả năng vận dụng một cách linh hoạt từng phong cách lãnh đạo khác nhau cho phù hợp với từng tình huống cụ thể khác nhau. Các phong cách lãnh đạo có thể được sử dụng là:
- Lãnh đạo theo phong cách độc tài: đây là kiểu lãnh đạo mà cấp dưới phải hoàn toàn phục tùng mệnh lệnh của cấp trên. Kiểu phong cách này nên áp dụng đối với những công việc đòi hỏi tính chính xác cao, thời gian hoàn thành ngắn, ví dụ như công
việc liên quan đến số liệu kế toán, kho quỹ; đối tượng đảm nhận công việc chưa có kinh nghiệm làm việc, cá nhân có tính kỷ luật chưa cao.
- Lãnh đạo theo phong cách tự do: đây là kiểu lãnh đạo mà người lao động được nhà quản lý trao quyền để có thể hoàn toàn chủ động trong quá trình giải quyết công việc của mình. Đây là phong cách lãnh đạo nên được áp dụng cho những công việc đòi hỏi tính sáng tạo cao; có thể áp dụng phong cách lãnh đạo này cho các nhóm, cá nhân nhân viên trong quá trình sáng tạo các chương trình văn thể mỹ, các chương trình máy tính…
- Lãnh đạo theo phong cách dân chủ: là kiểu lãnh đạo mà nhà quản lý luôn có sự tham khảo ý kiến của cấp dưới, của người cùng cộng tác trước khi quyết định vấn đề gì đó. Kiểu lãnh đạo này luôn được các nhân viên yêu thích vì nhân viên cho rằng lãnh đạo quan tâm đến ý kiến của họ; họ được tham gia thể hiện vai trò của mình trong quá trình giải quyết vấn đề của lãnh đạo đưa ra. Kiểu lãnh đạo này nên được áp dụng cho cấp quản lý (cấp phòng, cấp huyện) và các vấn đề có liên quan đến nhiều cá nhân trong đơn vị cần lấy ý kiến chung của mọi người, ví dụ như việc đề cữ một cá nhân nào đó vào vị trí lãnh đạo thì cần lấy ý kiến của những người có liên quan đến sự quản lý của cá nhân đó.
Tùy theo từng đối tượng, Ban lãnh đạo KBNN Hậu Giang cần vận dụng một cách sáng tạo các phong cách lãnh đạo trên, đồng thời xây dựng mô hình quản trị hành chính có đặc điểm khác biệt để tạo nên hình ảnh KBNN Hậu Giang là một cơ quan hành chính nhà nước mang bản sắc riêng:
- Giải quyết công việc khoa học, đúng quy định pháp luật; - Cán bộ công chức có cách cư xử nhã nhặn, lịch thiệp; - Môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết, công bằng;
- Mối quan hệ giữa người với người bình đẳng, chân thành, biết quan tâm lẫn nhau;
- Ban Lãnh đạo là người dẫn dắt, động viên, hỗ trợ chứ không phải là nhà quản lý. Để làm được tất cả những điều trên, trước hết Ban Lãnh đạo phải thực sự quan tâm đến người lao động, thấy được vai trò của họ trong việc hoàn thành sứ mệnh mà đơn vị được giao phó, đó cũng là hoàn thành sứ mệnh của người lãnh đạo đơn vị. Muốn vậy, cần xây dựng những tiêu chí đánh giá năng lực cho từng cá nhân phải phù hợp với đặc tính từng vị trí công việc mà họ đang đảm nhận. Ngoài ra, cần thể thiện sự
gần gũi, chân thành, không khoảng cách, không tư tưởng “bề trên” đối với từng người nhân viên dưới quyền. Xây dựng và phát động phong trào xây dựng hình ảnh “cơ quan kiểu mẫu”, “người lãnh đạo hiện đại”, “người công chức trong thời đại mới”…