Các yếu tố thuộc về môi trường

Một phần của tài liệu CÔNG tác tạo ĐỘNG lực CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG tại KHO bạc NHÀ nước hậu GIANG (Trang 36 - 40)

* Môi trường bên trong tổ chức

Nếu như các yếu tố thuộc về bản thân người lao động có khả năng giúp họ tự tìm thấy động lực cho mình thì trong một tổ chức, khi mà cá nhân người lao động có rất nhiều mối quan hệ với nhiều đối tượng khác nhau trên nền tảng công việc, thì một môi trường làm việc chứa đựng những yếu tố có thể tạo ra động lực cho người lao động là đặc biệt cần thiết vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến năng lực làm việc của mỗi người. Các yếu tố thuộc về môi trường của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… có thể là:

- Văn hóa của tổ chức

Các nghiên cứu đã từng cho thấy rằng người lao động sẽ có phương pháp làm việc, phong cách ứng xử, cách thức xử lý, giải quyết vấn đề… khác nhau nếu họ làm việc trong những môi trường có nét văn hóa khác nhau. Văn hóa của tổ chức, đơn vị có thể được hình thành từ rất nhiều yếu tố, đối tượng. Nếu một tổ chức, cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp… quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh của tổ chức họ sẽ quan tâm đến việc xây dựng một môi trường văn hóa tiến bộ, lành mạnh. Văn hóa tổ chức có thể bắt đầu hình thành từ những quy định chung, bắt buộc mọi người phải tuân thủ; đó có thể đơn giản chỉ là việc mặc đúng đồng phục được quy định, thực hiện chào cờ vào đầu tuần, hay những quy tắc xử xự bắt buộc mọi người phải áp dụng trong giao tiếp để bảo vệ hình ảnh của đơn vị mình… đến việc tuân thủ những quy tắc về xây dựng và bảo vệ cơ quan, đơn vị. Từ việc bắt buộc mọi người phải tuân thủ những quy định chung, dần dần sẽ hình thành nên thói quen trong hành động, ứng xử hằng ngày của người lao động, và lâu dần sẽ hình thành nếp nên nếp sinh hoạt văn hóa chung của mọi người. Khi nếp sinh hoạt chung trở thành nét văn hóa nó sẽ có sức ảnh hưởng và lan tỏa đến mọi người xung quanh chính vì thế mọi người ai cũng sẽ cố gắng cư xử, làm việc để gìn giữ nét văn hóa chung, ai cũng muốn làm việc tốt, cư xử chừng mực để duy trì và phát huy nét văn hóa đó, từ đó tạo nên động lực để mọi người làm việc và ứng xử cho phù hợp.

- Phong cách quản lý

Ngoài ra phong cách quản lý cũng có ảnh hưởng đến sự ham thích, hăng say làm việc hay tâm lý buồn chán của người lao động. Nhà quản lý chuộng phong cách

quản lý “X” đối với các ngành đòi hỏi sự sáng tạo cao như: sáng tác, chế tác, công nghệ thông tin,… chắc chắn sẽ không được người lao động trong lĩnh vực này ủng hộ. Bởi lẽ, đối với các ngành nghề đặc biệt, nhất là các ngành đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo cao người lao động cần sự quan tâm, khích lệ, động viên để họ có tâm lý thoải mái cho những sáng kiến của mình; những quy định, những biện pháp chế tài nghiêm khắc sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của họ, ảnh hưởng đến sự sáng tạo của họ. Vì thế tùy vào đặc điểm công việc, tính cách của mỗi cá nhân người lao động mà nhà quản lý cần có sự phân công công việc và áp dụng phương pháp quản lý phù hợp.

- Các chính sách về nhân sự và việc thực thi

Một trong những yếu tố mà doanh nghiệp, tổ chức đơn vị cần phải đặc biệt quan tâm chính là các chính sách về nhân sự và việc thực thi các chính sách đó như thế nào. Môi trường làm việc được xem là lành mạnh và có sức thu hút cao chính là việc người lãnh đạo hoặc nhà quản lý của tổ chức đó có tạo ra được một môi trường làm việc công bằng cho tất cả mọi người hay không? Người lao động có được phân công công việc và đánh giá kết quả công việc một cách chính xác, công bằng? Người lao động có cơ hội được thể hiện năng lực, được tin tưởng để cấp quản lý đề bạt vào những vị trí thể hiện trách nhiệm cao hơn hay không? Sau những nỗ lực, người lao động có được lãnh đạo, cơ quan, đơn vị mình công nhận hay không, có được khích lệ kịp thời cho những nỗ lực và có sự giúp đỡ đúng lúc? Những phần thưởng, những việc làm khích lệ có tương xứng với công sức mà người lao động đã bỏ ra?...

Cơ cấu tổ chức hiện tại của đơn vị đã được thiết kế một cách thông minh, hợp lý hay chưa? Từng phòng ban có sự chồng chéo nhau trong thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết công việc hay không?... Tất cả những yếu tố nếu được giải quyết một cách thỏa đáng sẽ tạo ra môi trường làm việc lành mạnh góp phần tạo tâm lý thoải mái cho người lao động và vì thế chắc chắn họ sẽ yêu thích công việc, yêu mến tổ chức mà họ đang làm việc và kết quả công việc mà họ mang lại cũng sẽ tốt hơn.

- Yếu tố ngành, nghề

Một yếu tố khác mà nhà quản trị cũng cần phải quan tâm chính là yếu tố ngành nghề, lĩnh vực mà đơn vị mình đang hoạt động. Đối với cơ quan Kho bạc nhà nước, khi mà nguồn thu nhập chính của người lao động chỉ dựa vào lương cơ bản thì việc giữ họ công tác lâu dài với ngành, với cơ quan của mình là một việc khó; để họ phát huy toàn bộ công sức của mình cho công tác, cho phần việc mà họ đang đảm nhận càng

khó hơn. Vì thế đơn vị phải chú trọng đến uy tín của đơn vị, đến hiệu quả của công việc cũng như sức ảnh hưởng của kết quả công việc mà họ đảm trách… Ngoài ra cũng cần chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang bị những phương tiện, những thiết bị tiên tiến sẽ khiến người lao động cảm thấy họ được quan tâm hơn. Bên cạnh đó cần giáo dục cho người lao thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa phần việc mà họ đang đảm nhận. Xây dựng môi trường văn hóa xây dựng niềm tự hào cho tất cả mọi người về ngành nghề của họ; song song đó cần tạo mối quan hệ tốt giữa mọi người với nhau, quan tâm đến nhau; xây dựng tốt mối quan hệ giữa cấp lãnh đạo với người nhân viên. Một môi trường với những con người yêu quý và tôn trọng, một công việc đáng hãnh diện chắc chắn sẽ tạo thêm sự hứng khởi cho người lao động và làm cho họ muốn gắn bó lâu dài với môi trường đó dù đơn vị đó còn nhiều khó khăn về mặt vật chất.

Khi động lực làm việc của mỗi cá nhân không đi ngược lại với mục tiêu chung của tổ chức thì kết quả của công việc của mỗi người sẽ động lực của cả tổ chức, thúc đẩy cả tổ chức cùng phát triển.

* Môi trường bên ngoài tổ chức

Ngày nay với sự phát triển của thông tin, các lý thuyết quản trị mới không còn bó hẹp ở một nền kinh tế nào mà nó lan tỏa và có sức ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia. Tìm kiếm giá trị thặng dư bằng cách buộc người lao động tăng giờ công lao động một cách không mong muốn đã không còn phù hợp với xu thế xã hội ngày nay. Các ông chủ, các nhà quản trị, các nhà tâm lý đã quan tâm hơn đến việc phân tích tâm lý con người, dựa trên cơ sở đó tìm hiểu khả năng, nguyện vọng, sở thích, năng lực của người lao động để phân công bố trí công việc để khi người lao động làm việc với tâm lý thoải mái, yêu thích công việc và làm hết mình vì công việc, đó là cách tạo ra giá trị thặng dư một cách tối ưu nhất mà không tạo ra sự bất công trong sự phân công lao động mà các hình thái kinh tế xã hội trước đây thường vướng phải.

- Hệ thống luật pháp

Các xu hướng quản trị này cũng ảnh tác động đến nhiều chính sách của các chính phủ, quyền lợi của người lao động cũng bắt đầu được chú trọng hơn. Ở nước ta sự ra đời của nhiều văn bản Luật như: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức,… các Pháp lệnh liên quan đến quyền lợi của người lao động cũng được nhà nước ta ban hành và có giá trị hướng dẫn đối với mọi tổ chức

kinh tế, xã hội có thuê mướn lao động. Chính điều này đã tác động rất nhiều đến các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và cả các cơ quan nhà nước, trong đó có Kho bạc Nhà nước.

Khi hệ thống pháp luật càng chuẩn mực cũng là điều kiện thuận lợi góp phần tạo nên động lực cho người lao động. Các quy trình thủ tục pháp lý được quy định cụ thể, phản ánh kịp thời sự phát triển của nền kinh tế xã hội, khung pháp lý được quy định rõ ràng, mọi người phải sống và tuân thủ pháp luật cũng chính là một yếu tố quan trọng kích thích sự hăng say làm việc của người lao động. Khung pháp lý rõ ràng cũng có nghĩa quyền lợi của người lao động cũng được pháp luật bảo vệ nhiều hơn, nhờ vậy người lao động cũng có cơ sở để sáng tạo và chuyên tâm với công việc của mình hơn. Đối với người sử dụng lao động họ cũng phải chú ý hơn trong chỉ đạo người lao động dưới quyền thực thi công việc, đồng thời họ cũng phải chú ý đến quyền lợi của người lao động để có những hình thức chăm lo thích đáng.

TÓM TẮT CHƯƠNG I

Động lực làm việc là một động cơ có ý thức hay vô thức khơi gợi và hướng hành động vào việc đạt được mục tiêu mong đợi. Như vậy muốn tạo động lực cho người lao động nhà quản trị phải tạo được động cơ làm việc cho họ, hướng họ đến những mục tiêu mà nhà quản trị mong đợi. Để tạo được động cơ thì nhà quản trị phải hiểu được người lao động của mình có nhu cầu gì để tìm cách đáp ứng nhu cầu đó. Hoặc làm cho người lao động hiểu và tin rằng nếu họ đạt được mục tiêu mà nhà quản trị mong muốn thì họ cũng sẽ có được những gì họ mong muốn. Để làm được điều này nhà quản trị phải hiểu được bản chất của động lực làm việc, vai trò của động lực đối với người lao động cũng như các yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình tạo động lực làm việc.

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TẠO ĐỘNG LỰC CHO NGƯỜI

Một phần của tài liệu CÔNG tác tạo ĐỘNG lực CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG tại KHO bạc NHÀ nước hậu GIANG (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)