Đào tạo là chiến lược quan trọng bậc nhất trong bất kỳ tổ chức nào, KBNN Hậu Giang cũng vậy. Đối với cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên nên được đào tạo thêm về tâm lý quản lý bên cạnh các lớp học về chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, cán bộ quản lý cấp phòng trở lên đều là những người giỏi chuyên môn qua thực tiễn công tác nên được đề đạt giữ chức danh quản lý, lãnh đạo phòng, kho bạc huyện…Xét về mặt chuyên môn, họ là những người có kinh nghiệm, chắc tay trong việc xử lý các nghiệp vụ nên thường kiêm nhiệm luôn một phần công việc của phòng, trực tiếp quản và xử lý các nghiệp vụ liên quan. Vì thế, trong công tác quản trị, đặc biệt là quản trị con người họ chưa được đào tạo, do đó đôi khi chưa xử lý được triệt để mối quan hệ giữa họ với lãnh đạo cấp trên, với nhân viên cấp dưới, với những người ngang cấp ở các phòng và các đơn vị kho bạc huyện. Do đó, họ cần được đào tạo về công tác quản trị nhân sự, phân tích tâm lý người lao động, có như vậy họ mới chú trọng đến khả năng làm việc của nhân viên dưới quyền, có cách nhìn nhận, đánh giá kết quả làm việc của các thành viên trong bộ phận mình một cách chính xác và thấu đáo hơn. Đồng thời họ cũng kịp thời nhìn thấy những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản trị nhân sự của toàn đơn vị để có sự tham mưu cho lãnh đạo cấp trên một cách sâu sát hơn, bên cạnh đó họ cũng sẽ nâng cao được khả năng giải quyết những mâu thuẩn phát sinh trong phạm vi quản lý của mình tốt hơn góp phần tạo ra tâm lý thoải mái, hài lòng của mọi người, tạo ra môi trường làm việc thân thiện hiệu quả hơn.
Học tập là công việc suốt đời mà ai cũng phải làm nếu không muốn mình thấp kém, tụt hậu so với người khác. Một tổ chức mà mọi người ở đó đều mong muốn học tập, am hiểu về mọi lĩnh vực chắc chắn là một tổ chức vững mạnh trong tương lai. Do đó, người đứng đầu đơn vị, tổ chức ngoài việc nâng cao tinh thần học tập của bản thân,
cần khuyến khích mọi người cùng học tập. Tuy nhiên, khi cử người tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn, các lớp nghiệp vụ Ban Lãnh đạo cần lưu ý và có những đối sách riêng cho từng nhóm đối tượng sau:
- Đối với những công chức được cơ quan cử đi học, được đài thọ về kinh phí đào tạo, là những công chức thuộc diện “quy hoạch” vào các vị trí quản lý trong tương lai, khi cử các đối tượng này, Ban Lãnh đạo cần cân nhắc kỹ lưỡng quá trình làm việc, biểu hiện của họ trong công việc, trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Đồng thời, cũng cần lấy ý kiến của những người xung quanh về sự tín nhiệm của họ đối với người đó để có cái nhìn tổng quát hơn về mối quan hệ của họ đối với những người khác, tuyệt đối tránh trường hợp đề cử những người thuộc diện “nhất cận thân, nhì cận lân” vào các nhóm đối tượng này nhằm tạo ra sự đồng thuận của mọi người, tránh tình trạng so sánh, nói xấu của một bộ phận những người không đồng tình.
- Đối với người lao động là những công chức bình thường, Ban Lãnh đạo cần ủng hộ những trường hợp có nhu cầu học tập nâng cao trình độ, khuyến khích họ tích cực học tập, tích cực làm việc để thể hiện khả năng quán xuyến công việc. Đối với các đối tượng này, Ban Lãnh đạo đơn vị cần đề ra những quy định rõ ràng như: sự cần thiết phải tham gia các lớp học đó, thời gian học tập, cơ sở đào tạo, nơi học tập, chi phí cho việc học tập, phương án người thay thế đảm nhận công việc trong thời gian người này đi học, vắng mặt tại đơn vị, cam kết trong quá trình học tập, kết quả học tập cần phấn đấu…Đồng thời, yêu cầu họ tự trình bày phương án giải quyết các vấn đề trên. Thông qua các phương án này, Ban Lãnh đạo sẽ xem xét giải quyết cho từng trường hợp.
Khi được cử đi học, cả 2 nhóm công chức này cần có bảng cam kết hoàn thành tốt việc học tập với thành tích cao và có thời gian phục vụ nhất định tại đơn vị sau thời gian kết thúc khóa học, nếu không phải bồi thường kinh phí đào tạo và kinh phí cơ hội mà cơ quan phải bỏ ra trong thời gian họ đi học.
Sau khi họ hoàn thành việc học và trở về cơ quan, Ban Lãnh đạo không nên bố trí ngay những người thuộc diện “quy hoạch” vào vị trí quản lý, mà cần cho họ thời gian trãi nghiệm với công việc thực tế tại vị trí cũ, so sánh cách thức làm việc, kết quả công việc và biểu hiện của họ với những người chung quanh. Đồng thời, cũng đánh giá với hình thức tương tự đối với công chức bình thường tự nguyện đi học. Sau khoảng thời gian nhất định, thông qua biểu hiện công tác và kết quả làm việc người có
biểu hiện tốt hơn nên được đề bạt vào vị trí quản lý. Sau khi đã lựa chọn được người cho vị trí còn thiếu, ban lãnh đạo cần công khai với mọi người kết quả trên, mời họp riêng các đối tượng đang có sự cạnh tranh và cần nói rõ vì sao, dựa trên tiêu chí nào mà người kia được chọn.
Nếu Ban Lãnh đạo nghiêm túc thực hiện được vấn đề trên chắc chắn tinh thần học tập, làm việc của mọi người sẽ tăng lên. Thông qua biểu hiện, phản ứng của mọi người Ban Lãnh đạo sẽ nhận ra được người lao động nào đang mong muốn làm việc nhiều hơn, khát khao thành tích và sự công nhận nhiều hơn, người nào có biểu hiện an phận, người nào có khả năng tụt lùi, từ đó mà có kết hoạch luân chuyển, sắp xếp công việc phù hợp với khả năng của họ. Nếu làm được như vậy, chắc chắn mọi người sẽ có tin tưởng cơ hội thăng tiến của họ sẽ công bằng như nhau, nhìn nhận cách thức quản trị của đơn vị tiến bộ hơn và họ sẽ tin tưởng vào tài quản lý của người đứng đầu, tin vào sự khách quan trong đánh giá khả năng làm việc của họ, họ sẽ yên tâm công tác và phấn đấu hơn trong công việc để được lựa chọn một cách xứng đáng nhất.