KBNN Hậu Giang càng trở nên quan trọng trong việc đưa nguồn vốn ngân sách đến đúng nơi được đầu tư và thu về những khoản thu chính đáng để bổ sung cho ngân sách nhà nước được nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Điều này đã tạo ra ý thức làm việc nghiêm túc và lòng tự hào về công việc cho mỗi công chức công tác trong ngành kho bạc nói chung và tại KBNN Hậu Giang nói riêng.
Để có thể giúp Hậu Giang chuyển mình và phát triển ngoài nhu cầu về vốn tỉnh cũng đang rất cần những người tài giỏi có khả năng định hướng, quản lý, chung tay xây dựng, sản xuất tạo ra nhiều giá trị hơn cho tỉnh, do đó nơi đây cũng là nơi đầy hứa hẹn cho những ai đang tìm kiếm cơ hội việc làm. Việc chia tách tỉnh đi kèm với việc chia tách bộ máy hành chính vì thế đây là cơ hội cho đông đảo người lao động nhất là lao động trẻ muốn phấn đấu khẳng định tài năng, vai trò của mình trong môi trường quản lý nhà nước; đồng thời cũng mở ra cơ hội làm kinh tế tư nhân cho nhiều người.
Hiện tại, một lực lượng lao động khá lớn được thu hút từ các tỉnh khác đã chọn Hậu Giang là nơi công tác lâu dài, riêng tại KBNN Hậu Giang có khoảng 50% công chức có hộ khẩu ngoài tỉnh Hậu Giang.
2.3.1.2. Những thách thức từ môi trường khách quan đối với công chức KBNN Hậu Giang Hậu Giang
Những cơ hội bao giờ cũng chứa đựng những thách thức kèm theo. Người lao động tại KBNN Hậu Giang được hưởng những ưu đãi từ sự quan tâm của Nhà nước đối với một tỉnh mới kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý ổn định của người lao động:
Hậu Giang là một tỉnh thuần nông, dù từ ngày thành lập tỉnh đến nay đã thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực, tuy nhiên về tốc độ phát triển và sự năng động trong cách thức tổ chức, cơ sở vật chất vẫn còn thua kém các tỉnh lân cận, như thành phố Rạch Giá của Kiên Giang và nhất là thành phố Cần Thơ – đã được nâng cấp thành đô thị loại II trực thuộc trung ương từ năm 2004. Hậu Giang có vị trí địa lý không quá xa 2 thành phố trên (60km), nhưng Hậu Giang còn thiếu thốn rất nhiều về điều kiện chăm sóc sức khỏe, học tập, những khu vui chơi giải trí có chất lượng cao…Điều này đã ít nhiều gây tâm lý bất ổn với những người lao động, đặc biệt là những người lao động mà trước đây được điều chuyển đi nhận nhiệm vụ mới tại Hậu Giang, có gia đình, hộ khẩu ngoài tỉnh thì họ càng không muốn công tác lâu dài tại Hậu Giang. Từ khi thành
lập đến nay KBNN Hậu Giang đã có 12 cán bộ, công chức xin chuyển công tác với lý do để được gần gia đình, nhưng thực chất là họ muốn chuyển công tác vì sức thu hút của Hậu Giang không đủ lớn để giữ chân họ.
Mặt khác, khi thành lập tỉnh mới thì các tổ chức kinh tế cũng đổ về Hậu Giang để mở rộng thị trường và tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới, nhiều tổ chức tài chính cũng mọc lên. Nếu như trước ngày thành lập tỉnh, Hậu Giang chỉ có vài ngân hàng với cái tên quen thuộc như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tiết kiệm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Thì nay đã có nhiều Ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính, tín dụng mở chi nhánh tại Hậu Giang như: Ngân hàng Liên Việt chọn Hậu Giang là nơi đặt trụ sở chính, Chi nhánh Ngân hàng Kiên Long, Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Phương Nam, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đại Tín (Trustbank), Ngân hàng Á Châu (ACB), Quỹ Tín dụng nhân dân,… Các tổ chức tín dụng này không chỉ mang đến nguồn vốn cho người dân, mà còn tạo ra một xu hướng cạnh tranh về nguồn lao động không chỉ giữa các đơn vị ngân hàng với nhau mà còn ảnh hưởng đến lực lượng lao động trong lĩnh vực nhà nước bởi phong cách làm việc hiện đại và thù lao khá cao so với các ban ngành hành chính trong tỉnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khách quan gây ra sự bất ổn định cho công tác quản trị nhân sự của KBNN Hậu Giang trong thời gian qua.