Cách mạng tháng 8 thành công, cả nước tưng bừng niềm vui chiến thắng, ngày 02 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Thắng lợi về mặt chính trị nhưng những khó khăn về kinh tế lại xuất hiện nhất là khi đất nước đang cần một nguồn tài chính lớn để xây dựng và tái thiết đất nước sau nhiều năm chiến tranh trong khi “tồn quỹ của Ngân khố Trung ương chỉ còn 1.250.000 đồng tiền Đông Dương, trong đó có gần một nữa (580.000 đồng) là tiền rách nát chuẩn bị tiêu hủy.” Từ tình hình thực tế của thị trường tài chính – tiền tệ, Chính phủ Cách mạng lâm thời nhận thấy rằng cần phải thành lập một cơ quan tài chính riêng biệt để đảm nhận trách nhiệm nghiên cứu, quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính tiền tệ.
Ngày 29/5/1946 chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 75/SL thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính. Đây là cơ quan tiền thân của Kho bạc Nhà nước ngày nay. Nhiệm vụ của Nha Ngân Khố lúc này là: tập trung quản lý các khoản thu về thuế, đảm phụ quốc phòng (ủng hộ quân đội), tiền thu công phiếu kháng chiến; quản lý và giám sát các khoản cấp phát theo dự toán được duyệt; thanh toán kinh phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách; làm thủ tục quyết toán với cơ quan tài chính; tổ chức phát hành giấy bạc Việt Nam trong toàn quốc nhằm thu hẹp và loại bỏ dần đồng tiền của địch; đồng thời bắt đầu thực hiện nhiệm vụ kế toán ngân sách nhà nước trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh.
Ngày 20/7/1951 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 107-TTg thành lập
Kho bạc Nhà nước đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và thuộc quyền quản trị của Bộ Tài chính thay thế cho Nha ngân khố để quản lý thu chi quỹ ngân sách nhà nước.
Đến ngày 27-7-1964, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 113/CP thành lập vụ Quản lý quỹ Ngân sách nhà nước thuộc Ngân hàng Nhà nước, thay thế cơ quan Kho bạc Nhà nước đặt tại Ngân hàng Quốc gia theo Quyết định 107-TTg ngày
20 tháng 7 năm 1951 của Thủ tướng Chính Phủ với nhiệm vụ chủ yếu là đôn đốc các khoản thu và giám đốc các loại vốn và định mức khoản chi ngân sách theo quy định, đồng thời theo dõi tình hình thu chi của các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế trong việc chấp hành các chế độ thu chi ngân sách nhà nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30 – 4 - 1945), Bộ Tài chính nhanh chóng thiết lập bộ phận Kho bạc ở các Chi nhánh và Chi điếm ngân hàng, để đưa công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước ở các tỉnh phía Nam đi vào nề nếp. Tuy nhiên, do cơ cấu tổ chức và quy định chức năng nhiệm vụ của Vụ quản lý quỹ ngân sách phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước nên công tác quản lý và điều hòa các quỹ tài chính tập trung của nhà nước lại thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước dẫn đến việc cân đối ngân sách trong thời kỳ này gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cơ quan quản lý quỹ ngân sách phải có nhiệm vụ tập trung nhanh chóng, đầy đủ các khoản thu và thực hiện kịp thời các nhiệm vụ chi, đồng thời tổ chức công tác hạch toán – kế toán, theo dõi, giám sát các hoạt động thu chi; tổ chức công tác điều hòa vốn và tạo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu chi một các hiệu quả, kịp thời. Vì vậy việc thành lập một tổ chức quản lý quỹ ngân sách nhà nước trực thuộc Bộ tài chính để thực hiện nhiệm vụ trên một cách nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác là một yêu cầu hết sức cần thiết.
Ngày 01 tháng 4 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng đã kí quyết định số 07/HĐBT thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính và trong suốt những năm qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát huy triệt để vai trò quản lý và điều hòa quỹ ngân sách của mình.