Tạo động lực cho người lao động bằng vật chất hay tinh thần là quyết định của nhà quản trị, tuy nhiên cần kết hợp một cách hài hòa hai yếu tố trên, bởi lẽ người lao động không chỉ có nhu cầu về vật chất mà cũng rất cần những động viên về mặt tinh thần. Nếu nhà quản trị chỉ thiên về yếu tố vật chất mà không chú ý đến yếu tố tinh thần thì theo thuyết nhu cầu của Maslow, nhà quản trị chỉ giúp người lao động thỏa mãn đến bậc thang nhu cầu thứ hai, chỉ giúp người lao động cảm thấy an toàn mà không giúp người lao động thỏa mãn những nhu cầu còn lại, điều đó có nghĩa khả năng của người lao động chưa được khai thác và sử dụng hết. Hơn nữa nguồn tài chính của tổ chức bao giờ cũng có giới hạn và cần sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhà quản trị quyết định sử dụng nó vào mục đích nào đó, vì thế sử dụng công cụ tạo động lực mang
tính vật chất sẽ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tài chính của tổ chức. Nhưng nếu nhà quản trị chỉ sử dụng yếu tố mang tính tinh thần để tạo động lực cho người lao động thì điều này cũng cần được cân nhắc bởi tính thực tế và hiệu quả của nó. Rỏ ràng ai cũng muốn được động viên, được khen ngợi, được nhận sự quan tâm từ người lãnh đạo, từ cấp trên của họ nhưng nếu đó chỉ là những lời khen mà không có bất kỳ một hình thức vật chất nào để minh chứng, thể hiện lời khen đó, lâu dần người lao động sẽ cảm thấy nhàm chán, thấy mất hết sự phấn đấu tiếp theo. Bởi vì theo thuyết nhu cầu của Maslow người ta không thể thỏa mãn các nấc thang phía trên khi mà những nấc thang phía dưới chưa được thõa mãn hoặc sự thỏa mãn không được duy trì.
Vì vậy, khi nhà quản trị tìm cách tạo ra động lực cho người lao động thì không được xem nhẹ bất kỳ hình thức nào. Vận dụng yếu tố vật chất hay tinh thần và mức độ của mỗi loại là tùy vào hoàn cảnh, kết quả hoàn thành công việc của từng người cũng như đặc điểm, tính cách, điều kiện cá nhân của người lao động và phụ thuộc vào mục tiêu mà nhà quản trị đang hướng đến.