Chính sách tôn giáo là chính sách công

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Đổi mới chính sách tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay (Trang 147 - 149)

7. Kết cấu luận án

4.1. Quan điểm

4.1.1. Chính sách tôn giáo là chính sách công

Như đã phân tích ở các phần trên, việc đổi mới chính sách tôn giáo có những tác động sâu sắc và rộng rãi đến mỗi cá nhân con người, đến đời sống tôn giáo nói chung và các tổ chức tôn giáo nói riêng, bởi vậy nên nó cũng có những tác động không nhỏ đối với sự phát triển của hầu khắp các lĩnh vực trong xã hội. Ngược lại, việc đưa ra và thực hiện được một chính sách đúng đắn, hiệu quả và hợp với nguyện vọng của nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại chính đáng của quyền lực chính trị mà Đảng và Nhà nước nắm giữ. Trong bối cảnh đất nước, khu vực và quốc tế có những biến chuyển nhanh chóng thì việc đổi mới chính sách tôn giáo là một yêu cầu tất yếu.

Các phân tích ở chương trên đã cho thấy những bước tiến quan trọng trong quá trình đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam, nhất là trong việc thể chế hóa các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người, giải quyết những vấn đề cơ bản của mối quan hệ nhà nước và các tổ chức tôn giáo. Những đổi mới đó không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân, các tổ chức tôn giáo mà còn cải thiện mối quan hệ giữa nhà nước với tôn giáo, giữa tôn giáo với dân tộc, góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình đổi mới chính sách tôn giáo trong yêu cầu phát triển bền vững đất nước thời gian qua chúng ta thấy có một “truyền thống chính trị coi chính sách tôn giáo như một chính sách nội chính” [75, tr.417] nghĩa là việc quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo là công việc của riêng các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, tiến trình đổi mới đất nước và những biến đổi sâu sắc của đời sống tôn giáo từ cấp độ cá nhân đến tổ chức tôn giáo đặt ra những đòi hỏi mới, đặc biệt là mặt pháp lí trong chính sách tôn giáo. Bởi vậy, việc đổi mới chính sách tôn giáo trong thời gian tới cần phải thực hiện theo

hướng một chính sách công và phải cố gắng đảm bảo đó là một chính sách công tốt. “Tiến tới một chính sách công về tôn giáo phải được coi là điểm then chốt của sự hoàn thiện” [75, tr.417].

Mọi chính sách đều phải hướng đến việc giải quyết vấn đề cụ thể đặt ra trong xã hội, là những vấn đề công cộng cần có chính sách giải quyết chứ không dựa vào những giải pháp tình huống nhất thời và cảm tính, cũng như là không trông đợi sự tự giác của các cá nhân, tổ chức [83, tr.284-285]. Như vậy để có một chính sách công tốt trong lĩnh vực tôn giáo trước hết cần thay cách nhìn chính trị hóa trước đây bằng cách nhìn bình thường hóa về tôn giáo, tức là coi tôn giáo là tổ chức xã hội, tôn giáo là nhu cầu của cá nhân. Đổi mới chính sách tôn giáo theo hướng một chính sách công nghĩa là chính sách phải có tính bao quát, lường trước và giải quyết được những vấn đề sẽ nảy sinh trong đời sống tôn giáo tương lai.

Đổi mới chính sách tôn giáo đồng thời đảm bảo dân chủ hóa việc hoạch định và thực thi chính sách tôn giáo là quan điểm cần được quán triệt thực hiện. Vì tác động của chính sách tôn giáo, một chính sách xã hội rất nhanh nhạy và trực tiếp đối với đời sống nhân dân, đặc biệt trong cộng đồng người tín đồ các tôn giáo, nên phải hết sức coi tọng, lắng nghe ý kiến của đối tượng được thụ hưởng chính sách của nhà nước. Ngược lại, mọi công dân là tín đồ tôn giáo cần phải hiểu biết và có trách nhiệm đối với các chính sách của nhà nước với tư cách vừa là đối tượng đồng thời vừa là người được tham gia vào việc xây dựng chính sách tôn giáo và tích cực giám sát, kiểm tra việc thực hiện, hướng tới thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra mà chúng ta đề ra.

Ngoài ra, trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, chính sách tôn giáo cần đổi mới theo hướng thể chế hóa bằng pháp luật các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng và nhà nước về tôn giáo. Sự tồn tại của một hệ thống pháp luật hiệu quả là một trong những yếu tố quan trọng để nhà nước quản lý việc thực hiện các chính sách tôn giáo. Bởi vậy, việc nâng cao chất lượng của công tác xây dựng, hoạch định chính sách, luật

pháp về vấn đề tôn giáo là mối quan tâm thường xuyên của chủ thể lãnh đạo chính trị và quản lý đất nước.

Bên cạnh đó, chính sách công luôn có tính liên ngành nên trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách tôn giáo cần phải cân nhắc các mặt từ tâm lý, bối cảnh văn hóa... Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập quốc tế, việc đổi mới chính sách tôn giáo cần nghiên cứu, nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Đổi mới chính sách tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay (Trang 147 - 149)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)