Chính sách tôn giáo ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Đổi mới chính sách tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay (Trang 39 - 40)

7. Kết cấu luận án

2.1. Chính sách tôn giáo và Chính sách tôn giáo ở Việt Nam

2.1.2. Chính sách tôn giáo ở Việt Nam

Trong hoàn cảnh Việt Nam, khái niệm về chính sách tôn giáo được xác định dựa trên quan niệm về tôn giáo, vai trò của tôn giáo trong phát triển đất nước mà Đảng đề ra mà được thể chế hóa trong các chính sách pháp luật của nhà nước. Thực tế thuật ngữ chính sách tôn giáo chính thức xuất hiện vào giữa thập kỷ 80. Bởi do tác động của hoàn cảnh lịch sử nên có thời kỳ chính sách tôn giáo được coi là chính sách nội chính của Đảng và nhà nước nhằm giải quyết một vấn đề đặc biệt trong xã hội. Gần đây bắt đầu xuất hiện những nghiên cứu về chính sách tôn giáo với tư cách là một chính sách công của nhà nước, nhất là khi Việt Nam hướng tới việc đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền.

Tác giả Phạm Xuân Nam cho rằng chính sách tôn giáo là chính sách của nhà nước và được xếp vào nhóm chính sách xã hội [108, tr.273-292]. “Chính sách xã hội là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của một nhà nước (hay một cộng đồng) nhằm trực tiếp tác động vào con người – thành viên xã hội, điều chỉnh các quan hệ lợi ích giữa họ, hướng hành động của họ tới các mục tiêu mà nhà nước (hay cộng đồng) mong muốn” [108, tr.35].

Tác giả Đỗ Quang Hưng sử dụng chính sách tôn giáo vừa là một chính sách xã hội quan trọng như một chương trình hành động của nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo nhằm giải quyết vấn đề này trong phạm vi thẩm quyền của mình, đồng thời vừa là một chính sách công với ý nghĩa nhà nước là chủ thể quyền lực công cộng quyết định những phương cách, phạm vi điều chỉnh thông qua luật pháp để giải quyết vấn đề cốt lõi trong chính sách tôn giáo ở Việt Nam, đó là mối quan hệ giữa nhà nước và các giáo hội [73, tr.49].

Ngoài ra, có quan điểm cho rằng chính sách tôn giáo là bộ phận của quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo đặt trong tổng thể của công tác tôn giáo mà Đảng đề ra. Trong đó định nghĩa về quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo được hiểu theo hai nghĩa: “Theo nghĩa rộng, là quá trình dùng quyền lực nhà nước (quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp) của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật để tác động, điều chỉnh, hướng các quá trình tôn giáo và

hành vi hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra phù hợp với pháp luật, đạt được mục tiêu cụ thể quản lý. Theo nghĩa hẹp, là quá trình chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật của các cơ quan trong hệ thống hành pháp (Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp) để điều chỉnh các quá trình tôn giáo và mọi hành vi hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra theo quy định của pháp luật” [94, tr.271].

Như vậy, chính sách tôn giáo ở Việt Nam được hiểu là những quyết sách của nhà nước được soạn thảo, hoạch định bằng những điều khoản, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước với tổ chức tôn giáo hay chính là phân tách quyền lực giữa nhà nước với các tổ chức tôn giáo. Trong đó nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực chính trị, của chính sách tôn giáo, nhà nước sẽ quyết định tôn giáo sẽ có quyền hạn và nghĩa vụ gì trong xã hội và phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước hoạt động quản lý của mình. Còn tôn giáo hay chính là các tổ chức tôn giáo tồn tại như các thiết chế xã hội chính là khách thể chịu sự chi phối của chính sách tôn giáo, tức là hoạt động tôn giáo theo những quy định của nhà nước đề ra. Bên cạnh quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, tôn giáo được hoạt động tôn giáo bình thường như truyền đạo, phong chức, phong phẩm, đào tạo, xuất bản... đồng thời được tạo điều kiện và bảo vệ trước pháp luật khi tham gia các lĩnh vực trong xã hội. Đây là những điểm mấu chốt và sẽ được phân tích ở các phần tiếp theo khi xem xét vấn đề đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam trong phát triển bền vững hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Đổi mới chính sách tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay (Trang 39 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(193 trang)