Sơ đồ 4.3 : Các vấn đề kinh tế, xã hội của cư dân trước TĐC
6. Bố cục của luận án
2.3. Quá trình thực hiện TĐC cư dân vạn đò sông Hương
Sau năm 1975, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy hoạch, thiết lập và xây dựng các khu TĐC nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế quốc dân. Thông qua chính sách này, Nhà nước đã thực hiện TĐC ở các đối tượng và cộng đồng cư dân khác nhau28. Mục đích của việc di dân, định cư/TĐC không chỉ liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội…, gắn liền các giải pháp về điều kiện sống, môi trường, cảnh quan đô thị. Với mục đích nêu trên các khu kinh tế mới (New economic zone - NEZ) được thành lập ở các khu vực không có/thưa dân cư, nơi những người mới định cư/TĐC được hỗ trợ lương thực, thực phẩm, phương tiện vận chuyển, tư liệu sản xuất để thành lập các làng, xã nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế, ngành nghề cư dân sống trên thuyền, bè dọc sông, đầm phá có những đặc điểm kinh tế khác nhau nên việc định cư cư dân vạn đò vào các khu vực nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội. Các yếu tố liên quan đến định cư là: Đất sản xuất, cơ sở hạ tầng, việc làm, phúc lợi xã hội, thói quen, tập quán và lối sống…là những khó khăn, trở ngại ban đầu.
28Có 4 nhóm đối tượng chính: a. Những cộng đồng cư dân là người đồng bào dân tộc thiểu số; b. Cư dân sống ở vùng đồng bằng nơi mật độ dân số cao và tài nguyên cạn kiệt; c. Cư dân sống quanh các kênh rạch, khu ổ chuột, đặc biệt là khu vực thành thị; d. Cư dân sống trên thuyền, bè dọc sông hay vùng đầm phá, cửa biển.
Ngoài việc, xây dựng các khu kinh tế mới, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã vận động người dân vạn đò trở về quê quán cũ làm ăn hay di dân vào miền Nam ở các tỉnh vùng Tây Nguyên như: Đắc Lăk, Kon Tum, Lâm Đồng, Sông Bé…[95, tr.156].
Quá trình TĐC cư dân vạn đò sông Hương tại các khu định cư/TĐC diễn ra trong 2 giai đoạn chính từ năm 1975 đến năm 1995 và từ năm 1996 đến năm 2010, gắn liền với mục đích, bối cảnh và yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ. Chúng ta có thể chia thành các thời kỳ sau:
2.3.1. Từ năm 1975 đến năm 1995
- Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1979: Các khu định cư/TĐC được hình thành gắn liền nhiệm vụ kinh tế, chính trị của chính quyền địa phương. Đây là giai đoạn vận động, thuyết phục các hộ gia đình trở về quê quán cũ hay lập nghiệp ở các khu kinh tế mới trong tỉnh như Lương Miêu, Bình Điền, Hương Bình, Hương Thuỷ và A Lưới và ngoại tỉnh ở Tây Nguyên, Sông Bé…
- Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1986: Các khu định cư/TĐC được hình thành nhằm đối phó, giải quyết hậu quả của thiên tai…Trong đó, cơn bão lịch sử năm 1985 đã phá huỷ, làm hư hại nhiều tàu, thuyền của cư dân; đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản buộc cư dân phải dựng tạm những căn nhà sát mép sông (nhà chồ) tạo nên các khu định cư tự phát của cư dân; điều này đã ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan sông Hương cũng như quản lý cộng đồng cư dân. Chính vì vậy, việc ổn định nơi cư trú, việc làm, điện, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế là rất cần thiết của các cấp chính quyền thành phố Huế.
- Giai đoạn từ năm 1987-1995: Các khu định cư/TĐC hình thành gắn liền với nhiệm vụ chỉnh trang đô thị, mục tiêu xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể Di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa nhân loại (năm 1993) gắn liền với dòng sông Hương gồm cảnh quan hai bên bờ sông Hương và đô thi Huế.
Mục đích chính giai đoạn này được thể hiện trong “Định hướng tổng quát về xây
dựng các khu định cư dân vạn đò thành phố Huế”:
- Tạo điều kiện và giúp đỡ mọi mặt để đưa những hộ gia đình cư dân lánh nạn trong chiến tranh trở về quê quán cũ, giảm bớt số lượng cư dân vạn đò hiện tại.
- Xem xét kỹ lưỡng, toàn diện để quyết định cho “lưu cư” trên sông một bộ phận nhỏ vốn có truyền thống lâu đời; tổ chức lại khu vực định cư hợp lý ở hạ lưu sông Hương, nhằm đảm bảo thuận lợi cho sinh hoạt và phục vụ thiết thực cho một số nhu cầu xã hội.
- Phần đông còn lại, vốn là những hộ không có truyền thống trên sông nước, nguồn sống chính là các dịch vụ trên bờ hoặc các ngành nghề khác, nhất thiết phải tổ chức định cư cho họ theo quy hoạch thống nhất của Nhà nước [91, tr. 2].
Thời điểm này chính quyền UBND tỉnh và UBND thành phố Huế đã thực hiện những chính sách quan trọng mang tính chiến lược để từng bước TĐC cư dân vạn đò sông Hương, các khu dân cư lấn chiếm khu vực Kinh thành Huế và chỉnh trang đô thị Huế nhằm ổn định nơi cư trú, nâng cao đời sống kinh tế, tiếp cận các dịch vụ xã hội của cộng đồng cư dân. Đây là giai đoạn lập dự án, xây dựng, hoàn thiện, di dời cư dân vạn đò đến cư trú tại khu TĐC Phước Vĩnh và Kim Long.
2.3.2. Từ năm 1996 đến năm 2010
- Giai đoạn từ năm 1996 - 2000: Định cư và TĐC người dân vạn đò là một trong
các chương trình trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh để chuẩn bị tổ chức Festival đầu tiên - Festival Huế 2000, xây dựng thành phố Huế là đô thị trung tâm của miền Trung, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, hướng đến thành phố Di sản của Việt Nam.
- Giai đoạn từ năm 2001 - 2010:
Trận lũ lịch sử năm 1999 là trận lũ đặc biệt nghiêm trọng, lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại Thừa Thiên Huế và miền Trung Việt Nam. Trận lũ này đã gây nhiều thiệt hại về thuyền bè, nhà cửa, CSHT, tài sản và tính mạng của người dân29. Sau trận lũ vấn đề biến đổi khí hậu, an toàn tính mạng và tài sản cư dân trong mùa mưa bão được các cấp chính quyền UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Huế xem là vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết để TĐC cư dân vạn đò sông Hương.
Giai đoạn này các khu TĐC được quy hoạch, đầu tư, mở rộng để tiếp nhận cư dân vạn đò sông Hương và cư dân tại các phường khác nhau đến TĐC trong tiến trình cải tạo phát triển CSHT, đô thị Huế. Các khu TĐC được mở rộng bao gồm khu TĐC Kim Long, Bãi Dâu, TĐC Hương Sơ và khu TĐC xã Phú Mậu, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mục đích chính trong giai đoạn này được thể hiện trong Dự án “Định cư dân vạn
đò thành phố Huế”:
- Góp phần xây dựng thành phố Huế xứng đáng là thành phố di sản văn hoá của thế giới, thành phố lễ hội quốc gia, thành phố đậm nét dân tộc;
- Giữ gìn bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị Huế, nhất là cảnh quan sông Hương; - Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cộng đồng dân cư vạn đò thành phố Huế [98, tr.2].
Xây dựng và hoàn thành các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng định cư dân vạn đò sông Hương như khu dân cư, dự án nhà ở TĐC với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tiến đến xây dựng các thiết chế văn hóa - xã hội và quản lý dân cư theo định hướng xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Huế đã xác định tầm quan trọng du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế “mũi nhọn” của thành phố Huế. Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế (được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 2003) và các hoạt động trên sông Hương như thuyền du lịch, ca Huế và cộng đồng cư dân vạn đò sông Hương là một thành tố không thể tách rời trong quá trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng.
Như vậy, trải qua quãng thời gian 35 năm, cư dân vạn đò thành phố Huế đã được định cư/TĐC trên đất liền. Tại các khu TĐC, cư dân đã thay đổi môi trường sống, cuộc đại di dân “thuỷ diện” tại thành phố Huế đã hoàn thành, mở ra những tương lai, kỳ vọng và những khó khăn, thách thức đối với cộng đồng cư dân này.
Tiểu kết Chương 2
Quá trình hình thành cộng đồng cư dân vạn đò sông Hương là một quá trình lịch sử lâu dài, gắn liền sự di cư, tụ cư các cộng đồng cư dân gốc nông nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự tồn tại và phát triển cộng đồng cư dân không phải do ý muốn chủ quan của cá nhân hay Nhà nước mà là hệ quả tất yếu của điều kiện tự nhiên, lịch sử và văn hoá ở vùng đất này. Điều này đã tạo nên loại hình cư trú đặc trưng của cộng đồng cư dân sông nước gắn liền dòng sông Hương - đô thị di sản Huế trong tổng thể không gian đô thị, ven biển, đầm phá ở miền Trung Việt Nam.
Sau năm 1975, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (UBND tỉnh TTH) và Uỷ ban Nhân dân Thành phố Huế (UBND T.P Huế) đã quy hoạch, di dời, giải toả và TĐC cư dân tại các khu kinh tế mới trong và ngoài tỉnh, vận động họ trở về quê quán cũ sinh sống. Tại nơi ở mới, cư dân gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, đào tạo nghề, tiếp cận y tế, giáo dục, an ninh trật tự xã hội, nợ tiền nhà không có khả năng chi trả. Một số hộ gia đình đã chuyển nhượng đất làm nhà, quay lại cư trú trên thuyền. Đó là những vấn đề cấp bách cần giải quyết.
Chủ trương, chính sách từ Trung ương, UBND tỉnh và UBND TP. Huế trong việc thực hiện di dời, giải toả, TĐC cư dân vạn đò sông Hương từ sau năm 1975 đến năm 2010 tại thành phố Huế là chính sách đặc biệt quan trọng của các cấp chính quyền nhằm mục đích: quy hoạch địa điểm TĐC, xây dựng CSHT (khu TĐC cư dân tự xây nhà, nhà chung cư, liền kề); chính sách đào tạo nghề, phát triển kinh tế hộ gia đình, tiếp cận các dịch vụ xã hội, quản lý cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường cho cộng đồng cư dân nghèo đa chiều, yếu thế trong quá trình phát triển và đô thị hoá ở Thừa Thiên Huế.
TĐC cư dân vạn đò sông Hương đã tạo cho thành phố Huế xanh, sạch và đẹp. Cư dân ổn định cuộc sống tại nơi cư trú mới, các khu TĐC từng bước được hoàn thiện về CSHT, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, an ninh trật tự, môi trường tại các khu TĐC. Cuộc “đại di cư” cư dân vạn đò sông Hương chuyển lên sinh sống tại các khu TĐC đã được hoàn thành, đem đến những kỳ vọng và khó khăn, thách thức đối với cộng đồng cư dân. Các chính sách TĐC cư dân vạn đò sông Hương góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Chương 3
BIẾN ĐỔI KINH TẾ CỦA CƯ DÂN VẠN ĐÒ SÔNG HƯƠNG TẠI CÁC KHU TÁI ĐỊNH CƯ