6. Bố cục của luận án
2.3. Quá trình thực hiện TĐC cư dân vạn đò sông Hương
Sau năm 1975, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy hoạch, thiết lập và xây dựng các khu TĐC nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế quốc dân. Thông qua chính sách này, Nhà nước đã thực hiện TĐC ở các đối tượng và cộng đồng cư dân khác nhau28. Mục đích của việc di dân, định cư/TĐC không chỉ liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội…, gắn liền các giải pháp về điều kiện sống, môi trường, cảnh quan đô thị. Với mục đích nêu trên các khu kinh tế mới (New economic zone - NEZ) được thành lập ở các khu vực không có/thưa dân cư, nơi những người mới định cư/TĐC được hỗ trợ lương thực, thực phẩm, phương tiện vận chuyển, tư liệu sản xuất để thành lập các làng, xã nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế, ngành nghề cư dân sống trên thuyền, bè dọc sông, đầm phá có những đặc điểm kinh tế khác nhau nên việc định cư cư dân vạn đò vào các khu vực nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội. Các yếu tố liên quan đến định cư là: Đất sản xuất, cơ sở hạ tầng, việc làm, phúc lợi xã hội, thói quen, tập quán và lối sống…là những khó khăn, trở ngại ban đầu.
28Có 4 nhóm đối tượng chính: a. Những cộng đồng cư dân là người đồng bào dân tộc thiểu số; b. Cư dân sống ở vùng đồng bằng nơi mật độ dân số cao và tài nguyên cạn kiệt; c. Cư dân sống quanh các kênh rạch, khu ổ chuột, đặc biệt là khu vực thành thị; d. Cư dân sống trên thuyền, bè dọc sông hay vùng đầm phá, cửa biển.
Ngoài việc, xây dựng các khu kinh tế mới, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã vận động người dân vạn đò trở về quê quán cũ làm ăn hay di dân vào miền Nam ở các tỉnh vùng Tây Nguyên như: Đắc Lăk, Kon Tum, Lâm Đồng, Sông Bé…[95, tr.156].
Quá trình TĐC cư dân vạn đò sông Hương tại các khu định cư/TĐC diễn ra trong 2 giai đoạn chính từ năm 1975 đến năm 1995 và từ năm 1996 đến năm 2010, gắn liền với mục đích, bối cảnh và yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ. Chúng ta có thể chia thành các thời kỳ sau: