8. Cấu trúc luận văn
2.6.1. Những mặt mạnh và hạn chế trong hoạt động quản lý
a. Mặt mạnh
Kết quả phân tích trên cho thấy quản lý hoạt động bồi dưỡng HS có học lực yếu đã đạt kết quả tương đối tốt thể hiện:
Việc xây dựng kế hoạch hoạt động bồi dưỡng HS có học lực yếu đã trở thành yêu cầu bắt buộc hằng năm trước khi bước vào năm học mới.
Vận dụng một cách linh hoạt những qui định hiện hành của Bộ GD&ĐT, các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, của ngành vào điều kiện thực tế của mỗi trường, các trường đã chủ động phối hợp với hội cha mẹ HS, các tổ chức đoàn thể để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng HS có học lực yếu và triển khai một cách tương đối hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng của các nhà trường.
Cơ bản đã phát huy tính tự giác, trách nhiệm của GV trong nhà trường thực hiện nghiêm túc qui chế chuyên môn, hồ sơ giáo án đầy đủ tương đối có chất lượng, việc kiểm tra đánh giá đảm bảo tính chính xác, công bằng…
Việc quản lý, sử dụng thiết bị đồ dùng dạy học góp phần thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông tương đối nghiêm túc, đã khắc phục khó khăn về CSVC để có đủ phòng thiết bị, thư viện và bộ môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Các nhà trường đã thực hiện tốt công cuộc vận động “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm” trong chỉ đạo bồi dưỡng HS có học lực yếu. Đa số cán bộ GV đã có ý thức tốt trong công việc của mình thực sự trở thành tấm gương sáng cho HS noi theo.
Công tác thi đua khen thưởng đã có những đổi mới thiết thực nhằm động viên tốt thầy và trò góp phần thúc đẩy phong trào dậy và học ở mỗi nhà trường.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhìn chung cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy học nói chung và hoạt động bồi dưỡng HS có học lực yếu nói riêng.
b. Hạn chế
Việc xây dựng kế hoạch của các trường có nhưng nội dung còn sơ sài, mang tính chất đối phó nên tính khả thi của kế hoạch không cao. Bên cạnh đó, việc duyệt kế hoạch không thực hiện đầy đủ và có duyệt thì chỉ là những thao tác ký xác nhận vào kế hoạch của GV chứ chưa quan tâm đến nội dung kế hoạch để bám sát với yêu cầu nhiệm vụ và định hướng đúng cho GV khi thực hiện.
Về tổ chức, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch chưa thường xuyên. Việc quản lý chuẩn bị bài và soạn bài trên lớp mới quan tâm đến số lượng và hình thức giáo án chứ chưa quan tâm đến chất lượng của giáo án.
Việc ủy quyền cho tổ trưởng kí duyệt giáo án, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng HS yếu, kiểm tra hồ sơ chuyên môn và kiểm tra việc thực hiện sử dụng TBDH của GV chưa có hiệu quả, còn hình thức dẫn đến không phát huy được khả năng trách nhiệm của mình trong công việc quản lý.
Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục HS chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa GVCN, GVBM, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc quản lý hoạt động học của HS chưa chặt chẽ.
Kinh phí từ ngân sách của nhà trường dành cho hoạt động bồi dưỡng HS có học lực yếu quá ít, thậm chí nhiều trường không có nên phải huy động từ nguồn xã hội hóa hoặc do tinh thần tự nguyện của GV.