D. Mười sáu khuynh hướng tâm (ajjhāsaya)
5. Về tinh tấn Ba-la-mật
Ngay cả những lợi ích thế gian cũng không thể đạt được, nếu người đó không có sự tinh tấn cần thiết và sự kết thúc có thể thấy trước được khi người ấy biếng nhác.
Nhưng với người có sự tinh tấn không mỏi mệt thì không gì không thể đạt được.
Bồ tát quán xét rằng:
"- Người thiếu tinh tấn không thể thực hiện nhiệm vụ cứu vớt chúng sanh ra khỏi vòng xoáy của luân hồi. Thậm chí ngay cả khi khởi đầu, người ấy đã thấy rõ sự thất bại.
- Người có sự tinh tấn vừa phải sẽ không theo đến cùng, sẽ bỏ dở giữa chừng khi nhận nhiệm vụ.
- Chỉ người có tinh tấn cao độ, chăm lo đến lợi ích của chúng sanh, không quan tâm đến lợi ích cá nhân thì mới đạt được mục đích cao thượng nhất (ám chỉ bậc Chánh đẳng giác)".
Lại nữa, không có tinh tấn thích hợp thì ngay cả Bồ tát Thinh văn (sāvaka bodhi) hay Bồ tát Độc giác (paccekabodhi), cũng không đạt được mục đích thành tựu giác ngộ, thoát khỏi luân hồi như mong muốn. Làm sao một người có nguyện vọng: sau khi tự giác ngộ, sẽ tế độ chúng sanh khác, như người - trời, Phạm thiên mà không cần tinh tấn thích hợp?
Các ô nhiễm như tham, sân, si ... khó bị loại trừ nếu như không có tinh tấn.
Các ác bất thiện nghiệp do các ô nhiễm này tạo nên, như những tên đao phủ đang cầm thanh gươm bén sẵn sàng sát hại người ấy, các ác bất thiện nghiệp này đang mở cửa bốn cõi khổ. Có thể nào thoát khỏi những ác bất thiện nghiệp đã tạo mà không có sự tinh tấn?.
Sự thoát khỏi khổ luân hồi là có thật. Có hợp lý chăng, không cần cố gắng chi cả, sự thoát khổ tự động đạt được?.