III- Phân loại các Ba-la-mật.
1- Bala mật liên hệ với Tam học.
- Bố thí, trì giới thuộc phần Giới.
- Xuất gia (nekkhamma) do ý nghĩa "ít ham muốn (appiccho)", "biết đủ - (saṇṭuṭṭho)", xem như là Giới học vì có bản chất giống giới.
Hay Nekkhamma do ý nghĩa "thoát ra chướng ngại", có thể xem là Định học.
Hoặc có thể xem như chi phần của Tuệ vì ý nghĩa "lìa bỏ ham muốn (nekkhamma vitakka: ly dục tầm, một chi phần của Chánh tư duy - sammāsaṅkappa)".
Các Giáo thọ Sư bảo rằng : Nekkhamma (xuất ly) là một trong ba thành phần nồng cốt của Ba-la-mật, vì Nekkhamma có mặt trong Tam học. - Trí Ba-la-mật là Tuệ học.
Trí cũng là một thành phần nồng cốt của Ba-la-mật, không có trí (nhất là trí quán xét) các Ba-la-mật không trọn vẹn trong sạch và tăng trưởng. - Tinh tấn Ba-la-mật, Nhẫn Ba-la-mật xem như là Định học.
- Quyết định Ba-la-mật có thể xem như tu tập Giới - định - tuệ. Khi quyết định: Bố thí, trì giới thuộc về Giới học.
Khi quyết định: tinh tấn, nhẫn nại xem như thuộc về định học. Khi quyết định về trí xem như thuộc về Tuệ học .
Ngoài ra, khi quyết định về những pháp liên hệ khác như: quyết định về Xuất gia có thể xem như "quyết định về tam học"…
Và Quyết định (adhiṭṭhāna) cũng là một thành phần nồng cốt của Ba-la- mật.
- Sự thật (sacca) có ba loại:
Ngăn trừ (virati) lời dối trá bằng lời chân thật (vacīsacca), là Giới học Tâm chân thật là tâm sở Chánh ngữ (sammāvācā cetasika), là Giới học. Và trí chân thật (ñāṇasacca) chính là tâm sở trí (paññā cetasika), là Tuệ học.
Nên ghi nhận rằng: "Tuy Níp-bàn là sự thật tột cùng (paramattha saccca), nhưng không liên quan đến phần này. Vì rằng trí là pháp hữu vi, còn Níp-bàn là pháp Vô vi".
Tâm chân thật là Giới vì ngăn trừ sự "dối trá bên trong", như không suy nghĩ tìm phương cách lừa gạt người khác, không tìm những lý lẻ để biện minh cho những sai trái đã thực hành qua thân - ngữ…
-Từ Ba-la-mật có bản giống Thiền (jhāna), được xem như Định học.
Hay Từ là một chi phần của Chánh tư duy là: suy nghĩ đến "không thù hận" (abyāpāda vitakka), nên Từ xem như là Tuệ học.
- Xả Ba-la-mật bao gồm tâm sở Trung bình (Tatramajjhattatā cetasika) và trí xả (ñāṇupekkhā).
Tâm sở Trung bình xà (Tatramajjhattatā) có thể được xem như là Định học.
Trí xả xem như là Tuệ học.
Các Giáo thọ sư bảo rắng: "Ba điểm trọng yếu của Ba-la-mật là: Xuất ly (nekkhamma), quyết định (adhiṭṭhāna) và trí tuệ (pañña), vì Xuất ly với quyết định liên hệ cả tam học, còn trí tuệ là phương tiện duy nhất để đạt đến mục đích".
Ví như ngưới có hai chân (Xuất ly, quyết định), đầu là trí tuệ, những pháp Ba-la-mật còn lại là thân. Hay ví như người đứng trên vai 2 người bạn để hái trái cần hái.