III- Phân loại các Ba-la-mật.
1- Nghĩa của chữ Bồ tát
Từ chữ Bodhisatta, âm là Bồ đề tát đỏa, gọi tắt là Bồ tát.
Bodhi từ ngữ căn budh nghĩa là: thông minh, hiểu biết.
Satta là hữu tình. Chữ satta còn có nghĩa là chúng sinh, chúng sinh có ba
nghĩa:
- Chúng pháp sinh: Nghĩa là nhiều pháp hội lại (chúng) thành (sinh ra). - Chúng loại sinh: Nghĩa là nhiều chủng loại hội lại (chúng) mà hình thành, (như thế gian có nhiều chủng loại đang hiện hành).
- Thọ chúng đa tử sinh: Nghĩa là nhận nhiều sự sanh lên rồi hoại diệt (tử). Không gọi là chúng tử, vì có sanh ắt có tử là điều hiển nhiên nên chỉ gọi "chúng sinh" là đủ.
Ngày nay, các học giả thường dùng từ satta với nghĩa là các hữu tình để phân biệt với hạng chúng sanh ở cõi Vô tưởng (asaññībhūmi).
Luận A-tỳ-đàm (Abhidhamma pitaka) gọi những pháp nào có Mạng quyền (jīvitindriya), pháp ấy là chúng sinh, như chúng sinh ở cõi Vô tưởng chỉ có sắc pháp không có tâm thức, nhưng sắc pháp này lại có sắc Mạng quyền (jīvitindriya rūpa) nên được gọi là chúng sinh.
Còn ở cõi Vô sắc (arūpa bhūmi), chỉ có tâm thức không có sắc pháp, nhưng tâm thức này có danh Mạng quyền (jīvitindriya nāma) nên cũng được gọi là chúng sinh.
Chính vì thế, tuy đất, nước, núi, sông, cây cỏ, … cũng có ba nghĩa như chúng sinh ở trên, nhưng không có sắc Mạng quyền. Do vậy, chỉ được gọi là sắc pháp mà không được gọi là chúng sinh.
Tóm lại, Bồ tát là hữu tình có trí, có sự hiểu biết. Tức là chúng sinh có tri giác cao.
Thế nào là chúng sinh có trí?
Chúng sinh nào nhận thức được sự biến hoại, thay đổi của thế gian, có tâm nguyện muốn thoát ra khỏi vòng biến hoại đổi thay, sinh sinh tử tử này. Chúng sinh ấy gọi là có trí
Như vậy, điều kiện để trở thành vị Bồ tát là: nhận thức được "thế gian
thường thay đổi, biến hoại đi đến diệt vong" và "có tâm nguyện thoát ra vòng khổ ách này".
Nói gọn hơn "chúng sinh nào thấy được sự nguy hại của các pháp hữu vi
(hay thế gian), có tâm nguyện muốn thoát ra khỏi thế gian, chúng sinh ấy là Bồ tát".
Hay: Người tạo nghiệp lành (phước), nương theo nghiệp lành ấy, phát nguyện rằng: "do nghiệp lành (hay phước báu) này, xin cho tôi thoát ra
vòng sanh tử", bấy giờ chúng sinh ấy là Bồ tát.