Các hình thức ương cá tầm

Một phần của tài liệu Báo cáo tổng kết cá tầm (Trang 30 - 32)

1.2. Nghiên cứu về sinh sản nhân tạo cá tầm Nga và Xi-bê-ri

1.2.4.2. Các hình thức ương cá tầm

Cá tầm sau khi nở 6 – 11 ngày, noãn hoàng tiêu hết thì chuyển sang ăn thức ăn ngoài. Cá mới nở không thể thả ngay ra tự nhiên để nuôi vì cơ thể yếu dễ làm mồi cho cá và địch hại khác. Sau khi ương 1,5 – 2 tháng, cơ thể cá mới cứng cát, hình dáng bề ngoài và các cơ quan nội tạng đã phát triển đầy đủ, có thể tự kiếm thức ăn được (gọi là cá hương) mới có thể thả ra ao nuôi. Ở Nga, có thể có 3 dạng ương cá bột lên cá hương là: ương ở bể trong nhà, ương kết hợp bể trong nhà và ngoài ao và ương trong ao đất. Minstein (1982) đã miêu tả 3 cách ương này và ưu nhược điểm của chúng như sau:

Phương pháp ương ở bể nuôi trong nhà: Bắt đầu từ khi cá mới nở cho đến khi kết thúc thành cá hương thả ra ngoài tự nhiên đều hoàn toàn nuôi ở trong nhà. Bể nuôi

là bể composit cỡ nhỏ. Thức ăn hoàn toàn là động vật tươi sống. Ưu điểm của phương pháp này là có thể ương một số lượng cá bột lớn trong diện tích hẹp, lượng nước tiêu thụ ít. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể áp dụng trong trường hợp có đầy đủ trang bị để nuôi động vật làm thức ăn cho cá với số lượng lớn. Mặt khác, cá nuôi trong điều kiện nhân tạo hoàn toàn thuận lợi, khi thả ra ngoài tự nhiên bị chết nhiều do không thích ứng kịp với môi trường mới.

Phương pháp nuôi trong nhà và ao kết hợp: Bể nuôi bằng composit dung tích nhỏ được thay bằng bể bê tông dung tích lớn, tạo điều kiện sinh thái gần với tự nhiên hơn (nhưng ngăn không cho sinh vật hại cá xâm nhập) nhằm khắc phục nhược điểm môi trường nhân tạo của bể nuôi nhỏ trong nhà. Ở giai đoạn lớn hơn, cá được thả ra ao nuôi tiếp. Sử dụng phương pháp này sẽ giúp cho cá bột vượt qua giai đoạn non yếu khi mới chuyển sang ăn ngoài, cho tỷ lệ sống cao, cá dễ thích nghi với điều kiện môi trường. Mặc dù vậy, phương pháp ương này vẫn đòi hỏi một lượng thức ăn sống khá lớn nên giá thành cao, trang thiết bị phức tạp, nhiều cơ sở không áp dụng được.

Phương pháp ương cá trong ao đất cải tiến: Không trực tiếp thả cá bột sau khi nở ra ao mà thả vào giai lưới nilon đặt trong ao, mắt lưới cỡ 1mm2. Giai được căng bằng khung gỗ kích thước 2 x 1,5 x 0,5 m. Thả cá bột sau khi nở vào giai lúc 5 – 8 giờ sáng khi nhiệt độ nước ao và bể ấp ngang nhau. Giai ương cá có lưới che chống địch hại (côn trùng, ếch nhái) và che bạt nếu ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Ao nuôi cá phải được dọn vệ sinh, tẩy tạp, gây màu nước trước khi thả cá. Duy trì chế độ dòng chảy trong ao làm sao đảm bảo cho nước chảy với lưu lượng 40 m3/giờ (đối với ao diện tích 1 ha) để duy trì dòng chảy trong giai khoảng 0,15 L/giây. Hàng ngày cọ rửa và nhặt xác cá chết ra khỏi giai. Sau 8 – 12 ngày tuổi, cá đạt kích thước 17 – 20 cm và 32 – 48 mg/con thì chuyển sang ăn thức ăn ngoài. Khi 80 – 100% cá đã chuyển sang ăn ngoài thì thả cá ra ao, tự tìm thức ăn sẵn có trong ao.

Theo Mohler (2003), việc ương cá tầm không thành công trong ao nước tĩnh có bón phân nhưng không cho ăn ở Trung tâm Thủy sản Đông Bắc (NEFC) bang Pennsylvania và ở trại giống quốc gia Bowden tại Elkins, miền Tây Virginia là do hệ thống công trình chưa phù hợp. Với cá tầm, hình thức ương trong bể tròn là thích hợp nhất. Với một bể chứa tròn, nước cấp vào có thể được điều khiển tạo thành dòng chảy vòng tròn thuận lợi cho việc phân phối thức ăn trong bể. Ngoài ra, đầu ống nước cấp cũng có thể đặt vuông góc với thành bể tạo nên dòng chảy giúp tách con chết, yếu,

hoặc dị dạng ra khỏi cá khỏe mạnh. Bể có đường kính 0,6 - 1,2 mét, sâu 30 cm, ống thoát nước đặt ở giữa bể có lưới ngăn bằng sợi tổng hợp, mắt lưới không quá 1mm.

Wencheng (2000) so sánh 3 hình thức ương cá tầm ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) là ương bằng bể nhựa hình vuông trong nhà, bể xi măng hình tròn ngoài trời và bể bằng thép không gỉ hình tròn trong nhà. Tác giả cho rằng ương bằng bể tròn bằng thép không gỉ trong nhà cho hiệu quả cao nhất. Bể có đường kính 88 – 98 cm sâu 50 cm, đáy lòng chảo nông, có lỗ thoát nước ở giữa. Cá sinh trưởng và phân đàn nhanh nên 7 ngày lọc cá 1 lần, bắt đi khoảng 20% cá cỡ lớn chuyển sang nuôi ở bể khác, đồng thời nâng cao dần mức nước trong bể (đến 45 cm khi đợt ương kết thúc). Kết quả sau 20 ngày ương cá đạt chiều dài 7 cm, tỷ lệ sống 80%. Lúc này chuyển sang giai đoạn ương giống.

Một phần của tài liệu Báo cáo tổng kết cá tầm (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w