CHƯƠNG II PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.3.6.1. Thí nghiệm xác định mật độ ương thích hợp
Quá trình ương giống cá tầm được chia thành 2 giai đoạn: Từ cá bột thành cá hương 3-5 gam/con; từ cá hương thành cá giống 15-20 gam/con;
Bố trí thí nghiệm:
+ Bể thí nghiệm: Sử dụng bể composite hình tròn diện tích 3 m2, chiều cao 0,6 m. Mức nước bể duy trì trong khoảng 0,2–0,3 m, có sục khí. Bể nuôi được đặt trong nhà có mái che.
+ Nguồn nước cấp: Nước suối trong rừng chảy qua hệ thống ống dẫn bằng nhựa tổng hợp. Trước khi đưa vào bể ương, nước được lọc qua lớp mút mịn. Lưu lượng nước cấp cho mỗi bể ấp khoảng 10–15 lít/phút.
+ Mật độ ương: Sử dụng 3 loại mật độ cho mỗi loài 1000 con/m2, 2000 con/m2
và 3000 con/m2. Thí nghiệm được lặp lại 3 lần khác thời điểm (3 đợt ương), thời gian thí nghiệm 30 ngày/đợt cụ thể như sau:
Với cá tầm Nga: Đợt 1: Từ ngày 25/01/2009 đến 25/02/2009; Đợt 2: Từ ngày 17/05/2010 đến 17/06/2010; Đợt 3 : Từ ngày 03/02/2011 đến 03/04/2011.
Với cá tầm Xi-bê-ri: Đợt 1: Từ ngày 28/02 đến 28/03/2010; Đợt 2: Từ ngày 07/05 đến 07/06/2011; Đợt 3 : Từ tháng 23/04 đến 23/05/2011.
+ Thức ăn: Ấu trùng Artemia dùng để cho cá mới nở ăn. Trùn chỉ (Tubifex sp.) dùng làm thức ăn bổ sung thay thế ấu trùng Artemia ở giai đoạn sau. Thức ăn công nghiệp dùng cho tôm hiệu Lansy cỡ №0 và №1 có hàm lượng đạm cao trên 50%, kích cỡ hạt từ bột mịn đến Φ = 1,5 mm được lựa chọn lớn dần theo kích cỡ cá. Thời gian 5 – 10 ngày đầu cho ăn artemia + thức ăn công nghiệp, những ngày tiếp theo cho ăn trùn chỉ + thức ăn công nghiệp.
+ Khẩu phần hàng ngày: Cho ăn từ 8 - 16% trọng lượng thân cá, giảm dần theo thời gian nuôi và kích thước cá. Thức ăn Artemia chỉ dùng ở giai đoạn 7 ngày bắt đầu ăn ngoài, sau đó thay dần bằng trùn chỉ + thức ăn công nghiệp. Theo sự tăng khối lượng cá, lượng trùn chỉ bổ sung giảm từ 50% xuống 20% khẩu phần. Giai đoạn đầu cho ăn 30 phút/lần giảm xuống 2 giờ/lần khi cá đạt 3–5 g/con.
Chăm sóc quản lý:
Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ nước, chỉ tiêu ôxy hòa tan, hàm lượng NH3, và các chỉ tiêu thủy lý hóa khác. Xi-phông bể nuôi, chà rửa thành và đáy bể hàng ngày để loại bỏ thức ăn thừa và cá chết, giữ cho môi trường bể nuôi luôn trong sạch.
Ương cá hương thành cá giống 15-20 gam/con
Bố trí thí nghiệm:
+ Nguồn nước: Dùng chung nguồn nước ương cá giai đoan từ bột lên hương. + Cá thí nghiệm: Sử dụng cá hương thu được từ thí nghiệm trước. Chọn cá đồng đều về mặt kích thước, khỏe mạnh, không dị hình, không có dấu hiệu lạ, màu sắc cơ thể tươi sáng, vận động linh hoạt.
+ Mật độ ương: Tiến hành thử nghiệm ương với 03 mật độ khác nhau: 200 con/m2, 400 con/m2 và 600 con/m2. Thí nghiệm được thực hiện với 3 lần lặp (lặp theo thời gian ương), thời gian thí nghiệm 20 ngày/đợt cho mỗi loài, cụ thể như sau:
- Cá tầm Nga: Đợt 1: Từ ngày 25/02/2010 đến 13/03/2010; Đợt 2: Từ ngày 18/06/2010 đến 08/07/2010; Đợt 3: Từ tháng 04/04/2011 đến 24/04/2011.
- Cá tầm Xi-bê-ri: Đợt 1: Từ ngày 29/03 đến 19/04/2010; Đợt 2: Từ ngày 08/06 đến 16/07/2010; Đợt 3: Từ ngày 24/05/ đến 14/06/2011.
Chăm sóc quản lý:
+ Thức ăn: Sử dụng 100% thức ăn công nghiệp cá tầm hiệu Skerting của Pháp có hàm lượng đạm cao >50%. Kích cỡ hạt từ 1,5 – 2,0 mm tuỳ kích cỡ cá, cho ăn từ 5 - 7% trọng lượng thân cá, giảm dần theo sự gia tăng kích thước và nhu cầu của cá. Thời gian đầu cho ăn 2h/lần khi cá đạt 13–15 gam giảm xuống 3h/lần cho đến khi kết thúc thí nghiệm.
+ Chăm sóc: Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ nước, chỉ tiêu ôxy hòa tan, hàm lượng NH3, và các chỉ tiêu thủy lý hóa khác. Xi-phông bể nuôi, chà rửa thành và đáy bể hàng ngày để loại bỏ thức ăn thừa và cá chết, giữ cho môi trường bể nuôi luôn trong sạch phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cá, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.