CHƯƠNG II PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.3.3.4. Phương pháp xác định độ thành thục của cá
Phương pháp xác định mức độ thành thục của tuyến sinh dục cá tầm dựa trên nguyên lý cá có buồng trứng ở giai đoạn IV chuyển từ tình trạng chuẩn bị đẻ sang giai đoạn đẻ trứng thì nhân của tế bào trứng, còn gọi là mầm phôi (germinal vesicle, GV) diễn ra quá trình cực hóa mạnh. Lúc này mầm phôi di chuyển về cực động vật – tức là từ vùng có túi hạt noãn hoàng to sang vùng có túi hạt noãn hoàng nhỏ. Chỉ khi nào đạt được đến đích này cá sẽ phản ứng tốt. Khi đó chỉ cần tiêm 1 liều hypophysis là cá đã có thể rụng trứng.
Hình 2.3: Dùng que thăm trứng và lấy mẫu trứng bằng biospy
Trong số các phương pháp xác định độ thành thục của tuyến sinh dục cá tầm hiện nay thì phương pháp dùng que thăm trứng là phương pháp trực tiếp dễ thực hiện lại có độ tin cậy cao. Dùng que kim loại có rãnh ở giữa chọc xuyên qua thành bụng cá để lấy một số hạt trứng, quan sát mức độ cực hoá của trứng. Kazanski và cộng sự (1978) phát triển và hoàn thiện ý tưởng của Tursov (1964) dùng que thăm trứng lấy mẫu trứng cá tầm để chọn cá mẹ cho đẻ. Dùng que kim loại nhọn, có rãnh để thu trứng. Chọc nghiêng một góc 30o vào bụng cá ở vị trí tấm vảy bụng thứ 3–4, lấy trứng ra (Hình 2.3). Luộc trứng trong ống nghiệm 2 phút, để nguội, sau đó cắt dọc trứng theo chiều cực động và thực vật, đem quan sát dưới kính lúp. Chapman và cộng sự (2007)
đề xuất luộc trứng trong dung dịch Ringer (dùng 6,5 g NaCl, 2 g NaHCO3, 300 mg CaCl2, và 250 mg KCl hòa vào 1 lít nước cất) thời gian 2 phút. Sau đó thả vào nước đá trong trong vòng 15 phút cho trứng cứng ra dễ cắt hơn.
Sau khi lấy mẫu, trứng được xử lý bằng dung dich Sera (hỗn hợp gồm formaline, axit acetic và cồn 90o) trong 2 giờ hoặc luộc chín 5 phút. Trứng sau khi xử lý trở nên rắn chắc có thể cắt bằng dao cạo mỏng dọc theo chiều cực động thực vật. Quan sát vị trí nhân dưới kính lúp có thang chia độ để xác đinh độ cực hóa của trứng.
Dùng thước đo chiều dài của kính, xác định khoảng cách A giữa mép trên của mầm phôi đến vỏ trứng phía cực động vật và khoảng cách B giữa cực động vật và cực thực vật. Tỷ số L = A/B được gọi là chỉ số cực hóa của trứng (Hình 2.4). Theo Kazanski và cộng sự (1978) khi L < 1/14 hay L<0,07 cá tầm sẽ phản ứng bình thường khi tiêm hypophys. Đối với đa số cá tầm L thích hợp nằm trong khoảng 1/30 – 1/40 hay 0,033 – 0,025.
Hình 2.4: Trứng cá tầm đã thành thục, nhân đã chuyển về cực động vật
Chapman et al. (2007) đã cụ thể hóa tiêu chuẩn này gọi là chỉ số cực hóa PI (Polarization Index) đối với cá tầm. Chỉ số PI được tính bằng tỷ số khoảng cách từ mép ngoài nhân đến vỏ trứng phía cực đông vật so với khoảng cách giữa 2 cực động và thực vật (Hình 2.4). Người ta chọn cá cái để tiêm cho đẻ khi chỉ số PI < 0,10, tốt nhất là trong khoảng 0,06 – 0,08.
Sau khi qua đông có thể xảy ra 2 trường hợp không mong muốn đó là: chỉ số PI còn cao chứng tỏ cá còn non chưa sẵn sàng tiêm cho đẻ, hoặc đa số trứng không nhìn rõ nhân tế bào do nhân đã tan chảy và đang bị hấp thu, nói cách khác buồng trứng đã thoái hóa cũng không thể tiêm cho đẻ được.