Kỹ thuật ương nuôi cá tầm Nga và Xi-bê-ri

Một phần của tài liệu Báo cáo tổng kết cá tầm (Trang 28)

1.2. Nghiên cứu về sinh sản nhân tạo cá tầm Nga và Xi-bê-ri

1.2.4. Kỹ thuật ương nuôi cá tầm Nga và Xi-bê-ri

1.2.4.1. Tập tính của cá bột

Cá tầm sau khi nở không ăn thức ăn ngay mà nằm bất động ở đáy bể một thời gian đến khi gần tiêu hết noãn hoàng mới bơi đi kiếm thức ăn ngoài. Theo Gisbert & Williot (1997), ở nhiệt độ 18oC thời gian cá tầm Xi-bê-ri bắt đầu ăn ngoài dao động trong vòng 8 – 9 ngày sau khi nở. Thời gian này cũng tương tự so với một số loài cá tầm khác. Thí dụ, cá tầm trắng (A. transmontanus) cần 8 – 11 ngày sau khi nở và tiêu

hết noãn hoàng nếu giữ ở nhiệt độ 16–18oC (Doroshov et al., 1983), hoặc 12–16 ngày nếu ở nhiệt độ 17oC (Buddington & Christofferson, 1985) và 12 ngày nếu nhiệt độ nước trong khoảng 15–17oC (Gawlicka et al., 1995).

Cá tầm bột thể hiện nhiều tập tính khác biệt trong quá trình phát triển ấu trùng. Những tập tính này có thể được dùng làm căn cứ xây dựng các biện pháp kỹ thuật ương cho phù hợp (Minstein, 1982; Gisbert et al., 1997; Mohler, 2003). Ngay sau khi nở, ấu trùng cá tầm chủ yếu sống nổi, phân bố khắp bể nuôi. Cá thường có hiện tượng tự bơi lên rồi rơi xuống. Giai đoạn này cá vẫn dinh dưỡng bằng noãn hoàng, khi mới nở chúng có tập tính hướng quang âm. Khoảng 3-4 ngày sau khi nở, cá bột sẽ chìm xuống đáy, tụ tập thành nhóm nhỏ, bơi ngược dòng chảy tạo nên các hình quạt, liên tục thay đổi vị trí (Hình 1.2).

Hình 1.3: Cá tầm bột tụ thành nhóm ở đáy bể (Mohler, 2003)

Tiêu chí nhận biết thời điểm cá chuyển lên ăn thức ăn ngoài là chúng không tập trung thành từng đám như trước mà bơi phân tán tìm thức ăn. Đặc biệt khi cho ăn thì mùi của thức ăn làm cho cá vận động nhanh hơn. Một tiêu chí khác là: cá thải bỏ nút mầu đen ở hậu môn cùng với khối phân cá đầu tiên (trong ruột đã có thức ăn). Điều này khác với cá tầm Nga, nó thải bỏ nút mầu đen ở hậu môn ngay trước khi chuyển sang ăn thức ăn ngoài (trong ruột chưa có thức ăn). Vì vậy, việc thải bỏ nút đen ở hậu môn không thể dùng làm tiêu chí cho thời điểm cá tầm Xi-bê-ri bắt đầu ăn ngoài (Gisbert &Williot, 1997).

Ở giai đoạn này, cá bột hoàn toàn sống nổi cho đến khi cho ăn động vật tươi sống. Cá sẽ di chuyển xuống đáy bể để tìm thức ăn chìm ở dưới đó. Quan sát cho thấy cá bột không tích cực tìm thức ăn mà chờ cho dòng nước đưa thức ăn về phía chúng

(Mohler, 2003). Đây cũng là một trong những lý do tại sao người ta ưa dùng bể tròn để ương cá tầm chứ không phải bể hình chữ nhật.

Tập tính bắt mồi của cá bột là đột nhiên lao về phía trước hoặc lao nghiêng mình để bắt mồi. Ta có thể quan sát thấy cách cá bột bắt các hạt thức ăn, cá hơi nổi lên khỏi đáy bể và thò miệng xuống dưới nhận thức ăn. Từ giai đoạn này trở đi cá tầm sẽ tích cực tìm kiếm thức ăn khi bơi quanh bể chứa.

Hiện tượng cá tầm ăn thịt lẫn nhau là đặc tính phổ biến của chúng khi chuyển từ giai đoạn dinh dưỡng bằng noãn hoàng sang giai đoạn ăn thức ăn ngoài (Dabrowski et al., 1985; Krasnodembskaya, 1993). Cho dù hiện tượng ăn nhau không phải là nguyên nhân quan trọng làm giảm tỷ lệ sống của tầm Xi-bê-ri trong quá trình ương giống (Charlon & Bergot, 1991; Gisbert & Williot, 1997), nhưng việc quản lý không tốt như chất lượng và số lượng thức ăn không tốt, để cá đói khi đã tiêu hết noãn hoàng, hoặc mật độ nuôi quá dày sẽ làm trầm trọng thêm hiện tượng này (Charlon & Bergot, 1991; Krasnodembskaya, 1993).

Những cá thể còn sống hoặc yếu hơn bị đồng loại tấn công sẽ bị tổn thương các phần như: vây ngực, râu, nắp mang, xoang bụng hoặc đuôi. Hậu quả là chúng trở nên nhạy cảm với các loại bệnh nhiễm khuẩn. Tổng hợp của sự ăn thịt lẫn nhau với nhiễm khuẩn và tích tụ thức ăn thừa ở đáy bể làm giảm tỷ lệ sống ở giai đoạn chuyển thức ăn. Do khả năng bắt mồi và sức khỏe khác nhau, cá tầm giống có sự phân đàn mạnh trong quá trình ương. Vì vậy, để tránh tình trạng cá ăn nhau cần thường xuyên phân cỡ cá trong quá trình ương.

1.2.4.2. Các hình thức ương cá tầm

Cá tầm sau khi nở 6 – 11 ngày, noãn hoàng tiêu hết thì chuyển sang ăn thức ăn ngoài. Cá mới nở không thể thả ngay ra tự nhiên để nuôi vì cơ thể yếu dễ làm mồi cho cá và địch hại khác. Sau khi ương 1,5 – 2 tháng, cơ thể cá mới cứng cát, hình dáng bề ngoài và các cơ quan nội tạng đã phát triển đầy đủ, có thể tự kiếm thức ăn được (gọi là cá hương) mới có thể thả ra ao nuôi. Ở Nga, có thể có 3 dạng ương cá bột lên cá hương là: ương ở bể trong nhà, ương kết hợp bể trong nhà và ngoài ao và ương trong ao đất. Minstein (1982) đã miêu tả 3 cách ương này và ưu nhược điểm của chúng như sau:

Phương pháp ương ở bể nuôi trong nhà: Bắt đầu từ khi cá mới nở cho đến khi kết thúc thành cá hương thả ra ngoài tự nhiên đều hoàn toàn nuôi ở trong nhà. Bể nuôi

là bể composit cỡ nhỏ. Thức ăn hoàn toàn là động vật tươi sống. Ưu điểm của phương pháp này là có thể ương một số lượng cá bột lớn trong diện tích hẹp, lượng nước tiêu thụ ít. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể áp dụng trong trường hợp có đầy đủ trang bị để nuôi động vật làm thức ăn cho cá với số lượng lớn. Mặt khác, cá nuôi trong điều kiện nhân tạo hoàn toàn thuận lợi, khi thả ra ngoài tự nhiên bị chết nhiều do không thích ứng kịp với môi trường mới.

Phương pháp nuôi trong nhà và ao kết hợp: Bể nuôi bằng composit dung tích nhỏ được thay bằng bể bê tông dung tích lớn, tạo điều kiện sinh thái gần với tự nhiên hơn (nhưng ngăn không cho sinh vật hại cá xâm nhập) nhằm khắc phục nhược điểm môi trường nhân tạo của bể nuôi nhỏ trong nhà. Ở giai đoạn lớn hơn, cá được thả ra ao nuôi tiếp. Sử dụng phương pháp này sẽ giúp cho cá bột vượt qua giai đoạn non yếu khi mới chuyển sang ăn ngoài, cho tỷ lệ sống cao, cá dễ thích nghi với điều kiện môi trường. Mặc dù vậy, phương pháp ương này vẫn đòi hỏi một lượng thức ăn sống khá lớn nên giá thành cao, trang thiết bị phức tạp, nhiều cơ sở không áp dụng được.

Phương pháp ương cá trong ao đất cải tiến: Không trực tiếp thả cá bột sau khi nở ra ao mà thả vào giai lưới nilon đặt trong ao, mắt lưới cỡ 1mm2. Giai được căng bằng khung gỗ kích thước 2 x 1,5 x 0,5 m. Thả cá bột sau khi nở vào giai lúc 5 – 8 giờ sáng khi nhiệt độ nước ao và bể ấp ngang nhau. Giai ương cá có lưới che chống địch hại (côn trùng, ếch nhái) và che bạt nếu ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Ao nuôi cá phải được dọn vệ sinh, tẩy tạp, gây màu nước trước khi thả cá. Duy trì chế độ dòng chảy trong ao làm sao đảm bảo cho nước chảy với lưu lượng 40 m3/giờ (đối với ao diện tích 1 ha) để duy trì dòng chảy trong giai khoảng 0,15 L/giây. Hàng ngày cọ rửa và nhặt xác cá chết ra khỏi giai. Sau 8 – 12 ngày tuổi, cá đạt kích thước 17 – 20 cm và 32 – 48 mg/con thì chuyển sang ăn thức ăn ngoài. Khi 80 – 100% cá đã chuyển sang ăn ngoài thì thả cá ra ao, tự tìm thức ăn sẵn có trong ao.

Theo Mohler (2003), việc ương cá tầm không thành công trong ao nước tĩnh có bón phân nhưng không cho ăn ở Trung tâm Thủy sản Đông Bắc (NEFC) bang Pennsylvania và ở trại giống quốc gia Bowden tại Elkins, miền Tây Virginia là do hệ thống công trình chưa phù hợp. Với cá tầm, hình thức ương trong bể tròn là thích hợp nhất. Với một bể chứa tròn, nước cấp vào có thể được điều khiển tạo thành dòng chảy vòng tròn thuận lợi cho việc phân phối thức ăn trong bể. Ngoài ra, đầu ống nước cấp cũng có thể đặt vuông góc với thành bể tạo nên dòng chảy giúp tách con chết, yếu,

hoặc dị dạng ra khỏi cá khỏe mạnh. Bể có đường kính 0,6 - 1,2 mét, sâu 30 cm, ống thoát nước đặt ở giữa bể có lưới ngăn bằng sợi tổng hợp, mắt lưới không quá 1mm.

Wencheng (2000) so sánh 3 hình thức ương cá tầm ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) là ương bằng bể nhựa hình vuông trong nhà, bể xi măng hình tròn ngoài trời và bể bằng thép không gỉ hình tròn trong nhà. Tác giả cho rằng ương bằng bể tròn bằng thép không gỉ trong nhà cho hiệu quả cao nhất. Bể có đường kính 88 – 98 cm sâu 50 cm, đáy lòng chảo nông, có lỗ thoát nước ở giữa. Cá sinh trưởng và phân đàn nhanh nên 7 ngày lọc cá 1 lần, bắt đi khoảng 20% cá cỡ lớn chuyển sang nuôi ở bể khác, đồng thời nâng cao dần mức nước trong bể (đến 45 cm khi đợt ương kết thúc). Kết quả sau 20 ngày ương cá đạt chiều dài 7 cm, tỷ lệ sống 80%. Lúc này chuyển sang giai đoạn ương giống.

1.2.4.3. Mật độ ương

Mật độ ương có thể ảnh hưởng gián tiếp đến sinh trưởng, hoạt động ăn mồi, rối loạn hoạt động nội tiết, làm cho cá bị stress (King et al., 2000). Theo Gisbert & Williot (2002) nếu nuôi quá dày sẽ làm cho cá sinh trưởng kém, tỷ lệ sống thấp, tuy nhiên, nếu nuôi cá ở mật độ thấp quá sẽ làm giảm năng lực sản xuất và hiệu quả kinh tế.

Trong điều kiện thí nghiệm với bể nhỏ, số lượng ít (bể 5,3 lít ương 35 con/l) Charlon và Bergot (1991) đã ương được cá tầm bột Xi-bê-ri lên cá giống mà không cần giảm mật độ trong quá trình ương. Gisbert & Williot (2002) cho rằng ương cá bột cá tầm Xi-bê-ri thương phẩm thì mật độ ương ban đầu 30 – 60 con/l là vừa (tương đương với 900–1800 con/m2, nếu mức nước bể ương là 30 cm) .

Lin et al (2000) tổng kết kinh nghiệm ương cá tầm ở Trung Quốc cho rằng mật độ thích hợp nhất để ương cá tầm bột là 2000 con/m2, cá hương là 700 con/m2 và cá giống là 300 con/m2. Wencheng (2000) ương cá bằng bể thép không gỉ trong nhà sử dụng mật độ thả ban đầu là 9000 con/m3. Nếu mức nước ban đầu giữ ở 30 cm thì mỗi bể thả 2500 con là vừa.

Mặc dù loại thức ăn và số lượng thức ăn là quan trọng đối với sự sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá bột, nhưng mật độ cá thả ban đầu cũng là một nhân tố cực kỳ quan trọng (Mohler et al., 2000). Nếu mật độ ương cá bột vượt quá tiêu chuẩn khuyến nghị, thì thời gian chuyển sang ăn thức ăn viên cũng sẽ kéo dài hơn hoặc có thể không diễn ra làm giảm tỷ lệ sống.

1.2.4.4. Thức ăn

Thức ăn của cá tầm khi bắt đầu ăn ngoài gọi là thức ăn mở miệng. Chất và lượng thức ăn mở miệng có ý nghĩa quyết định đến kết quả ương. Yêu cầu thức ăn mở miệng phải đảm bảo về thành phần dinh dưỡng, kích cỡ vừa miệng cá, đồng thời mùi vị có tính hấp dẫn cao. Thức ăn mở miệng cho cá tầm có thể là ấu trùng Artemia, luân trùng (Rotifera), giáp xác nước ngọt (Daphnia, Moina) và giun ít tơ Oligochaeta

(Enchytraeus hay Tubifex). Tuy nhiên, cá tầm bột ít ăn luân trùng vì kích thước luân trùng quá nhỏ.

Ngày nay, nhờ tiến bộ kỹ thuật trong việc sản xuất thức ăn công nghiệp, nhiều công ty biến thức ăn quảng cáo thức ăn mở miệng cho cá tầm giúp cho việc loại bỏ công đoạn sản xuất thức ăn tươi sống phức tạp và tốn kém. Họ cho rằng có thể dùng 100% thức ăn công nghiệp để ương cá tầm mà vẫn đảm bảo được tốc độ lớn và tỷ lệ sống như ương bằng thức ăn truyền thống.

Thí nghiệm ương cá tầm Xi-bê-ri bằng thức ăn công nghiệp đầu tiên do Semenkova (1983) và Dabrowski et al. (1985) tiến hành. So sánh về tốc độ lớn và tỷ lệ sống khi nuôi bằng thức ăn công nghiệp với thức ăn tươi sống (Tubifex sp.) cho phép có thể sử dụng thức ăn công nghiệp để ương một vài loài cá tầm ngay từ khi mới chuyển lên ăn ngoài. Tuy nhiên, đa số người nuôi vẫn ưa dùng thức ăn sống để ương cá tầm trong 5–10 ngày đầu để tăng hiệu quả ương.

Fauconneau et al. (1986) nghiên cứu sinh lý dinh dưỡng của cá tầm Xi-bê-ri giai đoạn ấu trùng được nuôi bằng thức ăn tươi sống và thức ăn công nghiệp khô và Dabrowski et al. (1987) nghiên cứu về khả năng hấp thụ các amino acid và năng lượng trao đổi chất của chúng đều nhận xét rằng protein động vật tươi sống được tiêu hóa nhanh hơn nhiều lần so với protein của thức ăn khô. Điều này khẳng định tầm quan trọng thức ăn động vật sống đối với ấu trùng cá tầm, nhất là giai đoạn mở miệng.

Mohler (2003) cho biết qua thử nghiệm cả chính thức và không chính thức, không có công thức thức ăn viên nào được cho là có hiệu quả để nuôi cá tầm lúc mở miệng. Giun nước (Tubifex) khô đông lạnh cũng mang lại kết quả không tốt khi dùng làm thức ăn mở miệng. Hiện chỉ có Artemia sống là nguồn thức ăn duy nhất có thể nuôi thành công trên 75% số cá bột chuyển sang dùng thức ăn viên.

Vì vậy, để lựa chọn thức ăn ương cá tầm thích hợp từ cá bột lên cá giống cần thiết phải có thức ăn động vật tươi sống, nhất là thời gian mở miệng. Cần kết hợp sử

dụng nhiều loại thức ăn tươi sống, không sử dụng liên tục một loại thức ăn để phòng tránh nguy cơ thiếu dinh dưỡng.

Sau thời gian quen với thức ăn mở miệng, có thể nuôi cá tầm bằng thức ăn tươi sống cỡ lớn hơn hoặc thức ăn tổng hợp có thành phần dinh dưỡng thích hợp. Do đặc tính cố hữu của cá tầm giống đối với một loại thức ăn nhất định nên khi muốn chuyển loại thức ăn yêu cầu phải trải qua một thời gian huấn luyện chuyển dần sang loại thức ăn mới. Nếu chuyển đột ngột cá sẽ bỏ ăn và chết vì đói. Sau giai đoạn từ bột lên hương yêu cầu thức ăn các giai đoạn sau đơn giản hơn. Có thể dùng thức ăn công nghiệp để ương cá đến khi thành cá giống.

Thông thường các trại sản xuất giống ở các nước vốn sản xuất cá tầm đều sử dụng thức ăn tươi sống để ương cá bột và cá giống. Đó là các loài Enchytraeus sp. và

Tubifex sp. thuộc bọn giun ít tơ hoặc động vật phù du như Daphnia sp.Moina sp.

hay Artermia salina (Dabrowski et al., 1985). Tuy nhiên, để có được loại thức ăn này không lúc nào và ở đâu cũng sẵn có trên thị trường, còn việc nuôi chúng ở qui mô thương mại cũng khá phức tạp.

Cần phải nói thêm rằng thành phần dinh dưỡng của các loại thức ăn này không phải lúc nào cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của cá tầm giai đoạn từ cá bột lên cá giống sinh trưởng nhanh kéo theo sự biến đổi về sinh lý và nhu cầu dinh dưỡng. Ngoài ra nếu chỉ sử dụng mãi một loại sinh vật làm thức ăn (đặc biệt là giun ít tơ) có thể dẫn đến rối loạn trao đổi chất làm cá yếu đi (Buddington & Doroshov, 1984).

Việc sử dụng thức ăn ướt tự chế (Bột máu + bột xương + nhộng tằm + vitamin và muối khoáng) cũng đã được thí nghiệm từ thời Liên Xô cũ nhằm thay thế thức ăn tươi sống để ương cá tầm nhưng cho kết quả rất hạn chế, và cũng không thể thay thế thức ăn tươi sống. Hiệu quả của loại thức ăn ướt tự chế theo kiểu này lại được khẳng định trong điều kiện Việt Nam để ương cá từ giai đoạn cá bột lên cá giống nhờ sử dụng trùn quế là loại thức ăn có thể tự sản xuất dễ dàng kết hợp với thức ăn công nghiệp dùng cho cá mú.

Kuzmin et al. (1999) phát hiện ra rằng khẩu phần thức ăn của ấu trùng cá tầm tăng lên nếu sử dụng chất kích thích hóa học làm tăng độ ngon miệng của thức ăn. Người ta đã sử dụng nhiều loại amino a xít trộn vào thức ăn để tăng độ hấp dẫn cá tầm. Tuy nhiên, trong số 20 loại amino a xít đem ra thử nghiệm chỉ có 2 loại là glycine và L-alanine là làm tăng hoạt động kiếm ăn của cá tầm (Kasumyan & Taufik, 1994).

Một phần của tài liệu Báo cáo tổng kết cá tầm (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(149 trang)
w