Nước Việt Nam chúng ta, cũng như mọi nước khác trên thế giới có một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu. Trong khung cảnh toàn cầu hóa và thế giới phẳng, những mối giao thiệp ngày càng phát triển, ngày càng phức tạp và cho chúng ta gặp ngày càng nhiều đối tác từ nhiều nước. Nhưng riêng Việt Nam còn có thêm đặc trưng. Nhiều sản phẩm của nước ta không nơi nào khác có như sơn mài, thêu lụa, các sản phẩm canh nông, một số loại cá, tôm… Đó là chưa kể tới những danh lam thắng cảnh rất lôi cuốn du khách. Rừng và biển chúng ta có nhiều động vật và cây cỏ lạ chưa bao giờ được thống kê. Tất cả những yếu tố đó lại làm cho nước Việt Nam thu hút nhiều khách bốn phương hơn, về lâu về dài chứ không chỉ nhất thời. Cơ hội đón tiếp người nước ngoài tới để nghiên cứu hay chỉ hiếu kỳ muốn khám phá đó đây trong nước ta sẽ luôn luôn chỉ nhiều hơn thêm thôi.
Nếu chiếu theo ý kiến bình thường của các du khách đã thăm nước ta thì xem như dân tộc chúng ta có tương đối ít người biết ngoại ngữ. Ngay tại những đô thị lớn, chỉ số đó đã không cao, còn nếu như đi vào làng quê hay đô thị nhỏ thì lại càng ít nữa.
So với các nước trong khu vực có lẽ chúng ta còn phải cố gắng tiến thêm.
Nói ngoại ngữ là một chuyện, nhưng khi chúng ta tiếp đón người nước ngoài, hoặc khi dân Việt Nam đi du lịch, sự lúng túng còn trông thấy rõ hơn nữa, vì đã thiếu ngoại ngữ chúng ta còn kém hiểu biết văn hóa của người đối thoại. Do đó, có nhiều trường hợp gây ra sự khó hiểu và tất nhiên sẽ không phát huy đúng được tình cảm người nước ngoài muốn dành cho chúng ta cũng như tình cảm chúng ta sẵn có đối với họ.
Còn đến khi đi vào những khúc mắc của một cuộc thương thuyết trên một dự án có nhiều bí ẩn pháp lý, kỹ thuật, tài chánh, nhân sự thì sự lúng túng, bỡ ngỡ lên đến cao điểm. Ngay cả khi chỉ đàm phán giữa người Việt với nhau đã đôi khi quá phức tạp, nói chi đến những phái đoàn nước ngoài, chưa kể đến những phái đoàn của những công ty đa quốc gia đôi khi chứa hàng chục quốc tịch, chủng tộc, văn hóa, phong tục trong chính đoàn của họ!
Bạn nghĩ chuyện có chi mà phức tạp? Vậy để minh họa, tôi chỉ nêu lên nhiều dịp tôi thương thuyết với ngay một phái đoàn Việt Nam. Có một lần tôi dẫn một phái đoàn Pháp tới Thành phố Hồ Chí Minh, dự cuộc thương thuyết có mặt của quan chức rất cao cấp phía Việt Nam. Tất nhiên tôi phải phát biểu bằng tiếng Anh, còn phía Việt Nam nói tiếng Việt, và cả hai bên đều dùng thông dịch viên. Tuy nhiên, khi nghe thông dịch viên của hai bên (thông dịch viên bên chúng tôi dịch từ Anh sang Việt, thông dịch viên bên kia dịch từ Việt sang Anh), tôi nhận xét thấy có rất nhiều chỗ sai (vì tôi dùng thông thạo cả ba thứ tiếng Anh - Pháp - Việt nên hiểu rõ tình huống), thậm chí có lúc họ còn dịch hoàn toàn trái ngược với ý của người phát biểu. Khi đó tôi mới hiểu được rằng một cuộc thương thuyết kỹ thuật hay tài
chánh mà phải dùng nhiều ngoại ngữ khó khăn đến mức nào! Tại sao thế? Đó là do tính cách kỹ thuật của dự án hay của sản phẩm. Người thông dịch viên đơn thuần chỉ giỏi ngoại ngữ, nhưng nào họ có biết mô tê gì về kỹ thuật? Do đó lý tưởng là chính các đối tác đàm phán thạo tiếng của nhau, vì chỉ khi đó mới có thể thông cảm với nhau về cả những chi tiết máy móc, sinh học hay y khoa là nội dung của đề tài bàn luận!
Thử tưởng tượng bạn sang Thái Lan đàm phán về diện tích nơi xây dự án. Họ thường dùng chữ “rai” để nói về diện tích. Họ đo cự li bằng hai cánh tay giang ra như cánh phi cơ rồi nói một rai là mấy nghìn cái giang tay! Nó cũng giống như người Cà Mau gọi đó là một “công”. Thử hỏi nếu phe nào người Anh Quốc dùng thước đo bằng inch, feet, yard… đàm phán với phe Thái chỉ biết dùng chữ rai, hay phe Việt Nam chỉ biết nói đến đơn vị công thì công việc của thông dịch viên khó như thế nào! Dám chắc phe nào chỉ biết dùng mét sẽ thấy lạc lõng làm sao!
Một trường hợp khác tôi đã gặp khi đang ở Trung Quốc là thông dịch viên không rành dịch những con số. Phía chúng tôi thì tính tiền theo lối Âu Tây, tức dùng những cách tính như một ngàn, mười ngàn, trăm ngàn, một triệu; còn bên phía người Hoa lại có người dùng cả con số vạn. Có thể bạn thừa biết một vạn là một chục ngàn nhưng thông dịch viên không biết. Đến khi cuộc đàm phán nói đến con số 15 vạn, thông dịch viên luống cuống không hiểu con số đó là 15 ngàn hay 150 ngàn nên dịch sai lung tung. Và sau khi hai phái đoàn rút về nghỉ, các thành viên đôi bên nghi kỵ nhau thêm, sợ phía bên kia cố ý dùng những con số không thể dịch được để đánh lạc hướng trên giá của dự án. Lúc đó tôi liên tưởng đến những trang sách lịch sử nói bên nước nọ đem chục vạn quân sang nước bên kia, tôi không khỏi nghi vấn liệu các sử gia có ghi đúng con số không?
Chắc hẳn sử gia thời đó chưa học toán học với trình độ cao và giữa nghìn, vạn với trăm nghìn có lẽ cũng chưa ai có khả năng đếm đích xác.
Cũng trong buổi thương thuyết đó, thông dịch viên ngớ người khi phái đoàn Pháp nói về tình trạng nhờn của nước sơn. Ngay phía Pháp đã phải cố tìm trong tự điển tiếng Anh để chỉ định tình trạng nhờn rồi. Đến phía Hoa thì ngay thông dịch viên cũng không tìm ra chữ trong tự điển Hoa, mà chính cá nhân họ cũng không hiểu trạng thái nhờn là gì. Họ cứ hỏi đi hỏi lại xem thể trạng lỏng hay cứng? Phái đoàn Pháp trả lời là nó không lỏng mà cũng không cứng, nó nhờn! Thế là hai bên lại thêm nghi kỵ nhau, sợ có sự pha chế bất lợi cho phe mua. Chỉ có một chữ do thông dịch viên không tìm ra ngay mà chúng tôi đã mất một ngày để cãi vã. Đến ngày hôm sau, khi chúng tôi đã có thì giờ tra tự vị và dùng đúng chữ thì đã muộn. Anh bạn thông dịch viên mất chỗ, phải nhường vai trò cho một kẻ xấu số khác vào thay ngay ngày hôm sau.
Chuyện thương thuyết còn dành những tình huống éo le đến ngặt nghèo khi có cả sự cách biệt về văn hóa hay lịch sử nữa. Bạn chắc còn nhớ vào cuối thế kỷ 20 có chiến tranh giữa Anh Quốc và Argentina về đảo Falklands. Bạn thử tưởng tượng xem sau chiến tranh, một cuộc thương thuyết kỹ thuật giữa người Anh và người Argentina sẽ khó khăn ra sao? Chỉ cần đi xem một trận giao hữu bóng đá giữa hai nước vài năm về sau. Cứ mỗi lần như thế thì có sự điều động hùng hậu của cảnh sát trật tự, còn báo chí chỉ nhắc đến mối hận thù khó quên và xem trận đấu như một cuộc chiến tranh để trả thù xưa.
Lịch sử có rất nhiều mẩu chuyện tương tự, lúc thì giao hảo, lúc thì chiến tranh. Khi các hậu duệ của những thế hệ có mâu thuẫn với nhau vào đàm phán thì ngay với những đề tài hoàn
toàn vô tư, sự tranh chấp vẫn có phần gay go khác thường, nói chi đến những thảm họa lịch sử khác, như những gì người Đức đã gây ra cho dân Do Thái vào giữa thế kỷ 20, hay dấu ấn của người Nhật để lại bên Trung Quốc vào những năm trước đó.