Vào năm 1988, tôi dẫn đoàn đi thương thuyết một dự án nhà máy điện chạy bằng than bên Maroc, nhưng tôi không tiện công khai tên dự án ở đây. Bạn đọc sẽ hiểu tại sao.
Sau nhiều tháng đàm phán ròng rã, cuối cùng đội của tôi cũng thương thuyết xong. Và sau khi được Vua Hassan II cho phép ký hợp đồng, chúng tôi hồ hởi khôn xiết. Tuy nhiên, vào buổi chiều trước hôm ký chính thức, một nhân vật quan trọng trong cuộc thương thuyết tỏ ý muốn gặp tôi nói chuyện riêng. Tôi ngại lắm, vì biết thế nào cũng có chuyện không hay sắp xảy ra, một sự cố khó tránh, một rủi ro thật kinh khủng.
Thêm vào đó, xem như tính tình ông này quanh co phức tạp lắm nên lại càng làm tôi ngại ngùng. Ông này thân người cao ráo, khá gầy, mặt xương xẩu. Trong những lúc đương đàm phán, ông luôn luôn tỏ vẻ nghiêm nghị, làm cho tôi không thoải mái lắm. Tôi do dự, không biết có phải trình công ty mẹ về sự việc ông muốn gặp riêng không, vì nếu ông này đem cái gì khó xử ra bàn với tôi thì số mệnh của dự án không khéo phải đình chỉ.
Ông ấy bắt đầu câu chuyện bằng cách hỏi về gia đình tôi, lại càng làm tôi bối rối thêm. Sau đó ông đi thẳng vào vấn đề, xin công ty tôi tặng không một sân bóng đá! Tôi giật nẩy mình, không cầm được cảm xúc. Tôi bảo ông rằng thương thuyết xong
hết rồi, giá thành của chúng tôi xuống liên tục đến gân đến cốt đến xương rồi, làm sao có chỗ để xây một sân bóng đá nữa? Tại sao lại không phát biểu sớm hơn, đợi đến giờ phút chốt hợp đồng rồi mới nói?… Trong lòng tôi như điên lên, vừa nóng ruột vừa bực tức, song tôi vẫn cố nén.
Vị quan chức này liền bảo tôi hãy bình tĩnh để nghe “ổng” trình bày… Đây! Sân sẽ xây tại làng của ổng chứ không phải trong đô thị nào. Đây, mặt bằng có sẵn rồi không cần giải tỏa hay đền bù gì hết ráo! Đây, các ông chỉ cần đem xe ủi đất rồi trồng cỏ là xong. Rồi nhớ cắm thêm hai hộp lưới cho thủ môn hai bên, món chi này đâu có bao nhiêu!
Đúng, không có gì phải la làng!
Tôi lấy lại bình tĩnh, làm con tính nhẩm thấy món chi tiêu này cũng không quá to. Nhưng tôi cũng không muốn nhượng bộ dễ dàng, nên xin ông ta “nhẹ tay” trong thời gian thực hiện dự án để đền bù lại chi phí của công ty chúng tôi. Ông ta hứa sẽ “nhẹ tay”.
Ngày hôm nay, làng của “ổng” đã có một sân bóng đá tuyệt đẹp, chi phí xây dựng chẳng đáng là bao nhiêu so với số đầu tư cho dự án. Thế là thân phận người Việt này cũng đã có công với một làng quê tận bên Maroc!
Bài học của sự việc quá bất ngờ này là đàm phán không bao giờ kết thúc! Khi bạn tưởng đã “chốt” rồi, bạn vẫn còn có thể tiếp tục làm con tin… Vô số người còn định đoạt được trên số mệnh của dự án, cho dù hợp đồng đã ký.