Những năm đầu khi vào nghề

Một phần của tài liệu Một đời thương thuyết: Phần 2 (Trang 142 - 145)

Từ ngày vào công sở làm việc thì tôi rất vất vả trong các cuộc thương thuyết về mặt nghề nghiệp. Mỗi cuối năm, phải thương thuyết cho lương của năm sau. Ông sếp nói nặng nhẹ đủ điều, nào là em không chăm chỉ, nào là thiếu tập trung, nào là phí phạm quá nhiều cuộn giấy trắng, lọ mực đen trong khi làm việc, nào là việc không xong đúng ngày đúng giờ, nào có hôm đến sở muộn. Rồi người ta trách tôi cả khi vợ đẻ thì không báo cáo ngay cho công ty, khi gia đình có tang thì tôi chạy vội đi không một lời giải thích. Và cuối cùng, họ chẳng cho tôi được một lời thương thuyết phản biện và tự bênh vực nào cả! Cứ như ông sếp nói hết hộ nhân viên, trách móc đủ điều, xong đi tới một kết luận đáng ngạc nhiên là rốt cuộc tôi cũng chẳng kém người nào khác nên ông vẫn chấm điểm trung bình và cho tăng lương theo lạm phát. Ông ấy còn nói thêm thế là may lắm cho cậu rồi đó.

Thú thật, sau những lời khắt khe tuôn như thác đổ, rồi sau đó vẫn thưởng cho ân huệ được giữ lương theo đà của lạm phát không khỏi làm cho một kỹ sư trẻ tuổi như tôi choáng váng bàng hoàng. Nhiều năm sau, khi đến lượt tôi đứng cương vị làm sếp, tôi mới hiểu là các ông sếp cũ thay nhau đốt nhân viên trẻ chỉ vì họ muốn đạt một mục đích duy nhất là tránh thương thuyết với người dưới quyền. Các ông ấy ném bao nhiêu thứ tồi tệ vào đầu mình là cốt để cho mình im miệng lại. Và sau đó, các ông ấy áp dụng những con số do ban giám đốc đề xướng và cho

phép. Phải nói những con số này quá hạn hẹp, thật sự không có chỗ cho sự thưởng phạt công minh. Khi làm lính tốt thì lương bổng có gì để thương với thuyết! Rồi sau này không những tôi thương lính tốt của tôi, tôi đâm thương cả những ông sếp nhỏ làm dưới quyền của tôi, vì họ cũng chẳng có gì trong tay để khuyến khích nhân viên. Vậy thì trách gì họ?

Chỉ có thế thôi, vậy mà cũng làm cho thằng bé ngây thơ, mới ra đời chuyên viên, đã tưởng là mình đã thất bại trong cuộc thương thuyết với ông chủ! Lớn lên mới hiểu rằng thật ra chẳng có gì như vậy hết! Lúc mình còn là con số không, mình vẫn thấy rốn mình to, nên khi sếp mời vào thương thuyết lương bổng cuối năm, mình đã tưởng có tầm quan trọng nào đó. Rồi lòng bồi hồi, tim rộn ràng, trí náo động, da mặt đỏ gay, quyết chí tranh thủ với con số không! Có ngờ đâu ngay việc làm của mình nhân viên nào cũng làm được, thay thế được. Vậy thắc mắc làm chi khi đã hiểu ra chân lý?

Những năm sau đó, khi tôi đã trở thành một chuyên viên có giá trên thị trường thì các ông ấy lại chơi những trò chơi ma giáo khác. Chẳng hạn thế này. Cứ đến độ tháng 9 hoặc tháng 10, họ giao cho mình việc phải làm xong trước Giáng Sinh. Và y như rằng việc khó quá đáng mình không làm xong, nên vào mùa thương thuyết tăng lương các ông ấy lại dở trò chê bai đủ điều, rồi rộng đường định đoạt hộ mình, không cho mình có được một ý kiến gì trên việc tiến thân. Rốt cuộc trong nhiều năm, mình thấy nỗ lực tranh thủ để tự bào chữa cũng vô ích, nên quyết chí làm reo cứ câm như hến, chỉ mở tai nghe họ nhi nhô, rồi họ cũng vẫn bố thí cho mình một mức tăng lương khả dĩ chấp nhận được! Còn chuyện chức tước thì bạn ạ, tôi đã học một bài học đích đáng. Không bao giờ sếp ngay trên mình cho mình lên chức. Vì chuyện dễ hiểu là mình lên thì họ ngồi đâu?

Thêm vào đó, một sự thật phũ phàng là trong bất cứ công ty nào, tập đoàn nào, chỉ có sếp trên cùng mới có quyền thực sự cho ai lên chức. Có nghĩa nếu trong cuộc đời của bạn mà bạn chưa bao giờ gặp sếp trên cùng, dù chỉ một lần, thì bạn không bao giờ nên trông mong gì vào việc lên chức! Thương thuyết để lên lương đã không có, để lên chức cũng không có nốt!

Thế nhưng thú thật cũng vẫn có kẻ được tăng lương cao hơn nhiều, làm tôi hiếu kỳ muốn hiểu tại sao. Phần lớn những người này làm những việc không ai thay thế được, do đó nếu họ từ chức thì khó lòng kiếm người khác, và cuối cùng sẽ có hại cho công ty. Các ông sếp rất sợ những nhân vật này. Họ cứ âm thầm, lặng lẽ làm việc trong văn phòng của họ. Khi người khác hỏi họ giải quyết vấn đề này nọ bằng phương pháp gì, bằng ứng dụng gì, thì họ không bao giờ khai. Đến đúng giờ, đúng hạn, họ nộp bài vở như học trò, kết quả luôn luôn tốt. Không có gì phải trách móc họ, nhưng khó lòng bắt họ giải bày bất cứ chi tiết nào để giúp cho đồng nghiệp hay sếp trên hiểu rõ việc họ làm. Nếu sếp đòi hỏi quá đáng, họ sẽ phản ứng mạnh: “Anh trách em cái gì chứ? Việc em làm tốt có đúng không anh?”.

Đố bạn đuổi những người này đi, dù bạn ghét họ đến đâu! Vì họ luôn luôn làm xong việc, bạn trách họ sao được? Nghệ thuật thương thuyết của họ chính là ít nói, ít khoe, ít giải bày. Họ làm xong việc. Có thế thôi. Còn làm cách nào, phương pháp ra sao, họ không để lộ. Cái tài của họ là không tranh chấp với ai, ở chức vụ nào cả. Họ chỉ cần lương cao thôi! Và họ đạt được kết quả mong đợi vì công ty sợ họ bỏ đi.

Một loại khác mà thỉnh thoảng bạn có thể gặp là những người rất giỏi và sắc sảo. Những người này thường được tăng lương khủng năm đầu tiên trong công ty, thậm chí cả năm thứ hai nữa. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, họ bắt đầu gây phản cảm, vì

suốt ngày họ “gáy” công lao của mình. Công lao thì có thật, nhưng khi kể công nhiều quá, ông sếp bắt đầu run. “Thằng này đang nhắm chức của ông phải không?”. Thế là chẳng bao lâu sau họ không được lên lương chút nào nữa, và hơi một tí là bị ông sếp chỉ trích thả dàn. Mô hình “sắc sảo gáy o o” này không thọ mấy đâu, nên tôi xin cảnh báo để bạn đừng đi vào lỗi lầm của kẻ khác.

Một phần của tài liệu Một đời thương thuyết: Phần 2 (Trang 142 - 145)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)