Nhập gia tùy tục

Một phần của tài liệu Một đời thương thuyết: Phần 2 (Trang 39 - 41)

Đàm phán ở nơi nào, phép lễ phải theo phong tục nơi đó. Tại đây tôi cảm thấy có bổn phận nhắc nhở bạn đọc rằng tục lệ tiếp đón và quý khách của dân tộc ta đi quá xa, vọng ngoại một cách vô lý.

Có một chuyện xảy ra rất nhiều lần khi chính tôi đưa một phái đoàn Pháp đi thương thuyết đó đây. Tôi là trưởng phái đoàn, và danh sách của phái đoàn cũng được đưa tới nơi tiếp tân ghi rõ chức vị của từng thành viên. Thế nhưng khi sắp ghế ngồi đàm phán, các bạn trong nước vẫn để cho mấy ông Tây là nhân viên của tôi ngồi những chỗ thường sắp đặt cho chủ tịch đoàn, còn tôi thì chơi vơi giữa đoàn như là một thành viên bình thường. Đến khi phát biểu, đối tác chính bên phía Việt Nam cứ nhìn ông phụ tá Tây của tôi để phát biểu, làm cho ông này ở trong thế rất khó xử, cứ nhìn tôi với đôi mắt cầu cứu, rồi tuyên bố xin nhường lời cho trưởng phái đoàn là tôi. Vậy mà sau nhiều lần nhắc nhở như thế, phía Việt Nam vẫn không tiếp thu nổi tình huống. Họ cư xử như khắc trên đá là da vàng không thể làm sếp da trắng!

Trường hợp này thường xảy ra lắm. Trong một hội nghị với sự có mặt đông đảo của Việt kiều, rất nhiều giáo sư, bác sĩ, kĩ sư là người Việt Nam sống tại nước ngoài than phiền về sự việc

này. Họ dẫn phái đoàn Mỹ, Úc, Đức, Anh, Pháp thăm Việt Nam nhưng bên phía Việt Nam vẫn khó lòng hiểu được chính người Việt đó là trưởng phái đoàn!

Trên một mặt khác, người nước ngoài thăm Việt Nam rất mong được chỉ dẫn phong tục, cách thức cho đúng đạo, như phép xưng hô ra sao, khi đi họp phải ăn mặc thế nào, khi được mời mọc phải tặng quà cáp ra sao cho đúng cách. Thay vì dạy cho họ theo phong tục của người Việt Nam, chúng ta lại có khuynh hướng tìm cách bắt chước họ. Rồi chúng ta chiều chuộng họ quá đáng, đi xa hơn sự tiếp đãi nồng hậu, đôi khi đi tới biên giới của sự hầu hạ phục tùng.

Tôi từng chứng kiến nhiều bạn Việt Nam chỉ mới quen một anh bạn người Tây mà đã tổ chức một bữa cơm gia đình thịnh soạn với cả sự hiện diện của nội ngoại nữa. Thật là quá đáng và tất nhiên còn làm cho anh bạn Tây bối rối. Tôi cũng từng biết một anh bạn khác chỉ gặp một người Nhật ở ngoài đường. Ông này hỏi bản đồ đường phố và xin được chỉ dẫn những nơi để tham quan thôi, mà anh bạn không biết khoái chí làm sao lại đưa người này đi chơi đến tối khuya, quên cả về nhà ăn cơm tối với gia đình! Đã đành hậu tiếp người nước ngoài như thế là tốt, nhưng khó lòng nghĩ rằng anh bạn sẽ tiếp đãi một người đồng hương từ Cà Mau hay Cần Thơ nồng hậu như vậy.

Người khách tới với chúng ta phải theo phong tục của chúng ta. Chúng ta có bổn phận giảng cho họ cái hay của văn hóa và xã hội Việt Nam. Họ sẽ thích lắm, sẽ mê lắm! Và họ sẽ tỏ lòng kính trọng bằng cách tôn trọng những gì chúng ta dạy họ. Ngược lại, bạn phải nhớ rằng khi sang nước của họ, chúng ta cũng phải mở tai mở mắt ra học và tôn trọng phong tục ở đó, điều mà rất ít trong chúng ta làm được.

Một phần của tài liệu Một đời thương thuyết: Phần 2 (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)