Tôi không muốn trốn tránh trách nhiệm khi thưa lại với các bạn rằng rất nhiều phái đoàn Việt Nam không cư xử đúng lẽ khi ra nước ngoài vì công việc, nhất là những phái đoàn công chức. Không những tôi được nghe báo cáo từ nhiều nhân chứng mà ngay chính “thủ phạm” đôi khi còn khoe trực tiếp cho tôi nghe. Vậy tội của các vị ấy là gì? Họ không kính trọng đối tác!
Ví dụ chúng ta có những thói quen kỳ lạ. Chúng ta đợi nước đến chân rồi mới đăng ký xin tới thăm đối tác ở nước ngoài, một chuyện không nên làm vì rất vô lễ. Thậm chí vài ngày trước khi lên đường, danh sách phái đoàn của chúng ta vẫn chưa gửi, lý do xin gặp vẫn chưa ghi rõ. Hoặc trên danh sách dự báo có rất nhiều tên cố tình sai, nếu không muốn nói là ảo đến 70% làm cho người nước ngoài liên tưởng ngay đến những tranh chấp giữa những người muốn đi chơi. Không những thế, có rất nhiều tên phụ nữ không xưng rõ chức tước gì và đại diện cho cơ quan nào. Phía nước ngoài cần biết những chi tiết đó, vì họ cần dự báo mời nhân vật nào phía họ tham dự. Khi lý do không rõ ràng thì phía họ cũng rất khó mời thành viên của họ.
Đến ngày họp mặt thì chuyện rất thông thường xảy ra là hầu hết phái đoàn trốn không đi họp, đẩy cho anh phó trưởng đoàn đại diện cả phái đoàn. Đến giờ cơm thì ngay cả anh phó cũng cáo lỗi luôn, làm cho phe tiếp đón phải ngồi ăn giữa họ với nhau. Tất nhiên họ rất bất bình.
Có lần, trong danh sách gửi sang nước ngoài có tên bà phu nhân của ông trưởng phái đoàn. Bạn ạ, ở nước ngoài họ không đùa với chuyện này đâu! Người phụ nữ rất được tôn trọng, nên khi thấy phía Việt Nam có phu nhân của trưởng đoàn, họ rối rít báo cáo cho sếp trên, khẩn khoản xin các phu nhân phía họ cùng tham dự cho phải lẽ. Bạn không thể nào tưởng tượng được
trong các gia đình của các quan chức nước ngoài có những sự dàn xếp khổ nhọc ra sao. Có người phải nói khó với vợ, có gia đình đông con phải mướn người trông trẻ trong lúc cả ông lẫn bà phải đi dự tiệc chính thức…
Đến tối, khi phe chủ tới đông đủ để đợi khách Việt Nam với những phu nhân diêm dúa thướt tha thì ôi thôi, bên phái đoàn Việt Nam chỉ vỏn vẹn có hai “đực rựa”, cả ông sếp lẫn ông phó đều cáo lỗi vắng mặt, và chẳng có bóng của một phụ nữ nào hết. Cứ như thế, năm này qua năm khác, tật xấu vẫn nguyên tật xấu, cho nên phía nước ngoài thuộc làu bài học. Bởi vậy, mỗi khi chúng ta xin họp mặt, hễ họ nghi vấn đây là trường hợp mượn cớ đi chơi thì họ cũng chỉ tiếp lấy lệ mà thôi.
Điều này thực sự có hại cho uy tín của chúng ta, rất đáng tiếc!
Tệ hơn nữa là những cuộc đi chơi của chúng ta vào đúng những ngày nghỉ. Đôi khi chúng ta không ngại ngùng nằng nặc xin gặp cơ quan nước ngoài vào 8g sáng Chủ nhật. Tôi đã từng phải nói khó nói dễ với chủ lễ để họ chịu hy sinh ngày nghỉ như thế này. Nhưng đến khi cuộc họp mặt vừa chấm dứt, họ không ngần ngại trách móc mỉa mai!
Lại phải nói cả đến phong cách ăn mặc. Tôi từng chứng kiến một ông giáo sư trưởng khoa đến thăm một trường đại học nước ngoài mà lại mặc quần jeans. Vào buổi lễ tiếp tân, các giáo sư bên phía tiếp tân đều đóng bộ với cà vạt, ngồi sắp hàng trịnh trọng như vào buổi lễ phát bằng vậy. Chẳng phải nói, tôi ngồi bên cạnh xấu hổ quá mà không biết giấu mặt mũi đâu.
Bạn ạ, thiếu tôn trọng đối tác thì không bao giờ đạt được kết quả tốt khi vào thương thuyết. Ngược lại, tôi đã được trông thấy nhiều trường hợp gặp gỡ và thương thuyết thành công mỹ mãn do chính phái đoàn của chúng ta lịch lãm, vui vẻ và cẩn
trọng. Những lần ấy họ trò chuyện trơn tru, đối đáp nhanh chóng vuông tròn, và chuyện khiến hai bên đều đẹp lòng không quá khó đâu.
Tóm lại tôi chưa bao giờ hiểu nổi thái độ coi thường của nhiều đồng nghiệp trong chúng ta khi đi thăm nước người. Ngược lại, thái độ vọng ngoại của chúng ta đôi khi cũng thái quá, làm cho đối tác nước ngoài mất thoải mái, trở nên trịnh trọng đến gượng gạo. Điều này cũng phải tránh vì khi giao tiếp hay đàm phán, hễ cả hai bên không hoàn toàn thoải mái thì khó lòng đi tới sự thông cảm đậm sâu.
Có lẽ chúng ta còn cần có thêm cơ hội giao tiếp với nước ngoài nhiều hơn để hấp thụ thêm văn hóa giao tiếp.