Căn bản của thương thuyết là đối tác nào cũng bình đẳng

Một phần của tài liệu Một đời thương thuyết: Phần 2 (Trang 83 - 84)

bình đẳng

Nhiều khi vào bàn hội nghị, phe bạn đi có hai người, hoặc chỉ một mình bạn, rồi thấy phe bên kia đùng đùng đem 20 người tới, trong đó có cả Chủ tịch, Tổng Giám đốc cùng một số Giám đốc và chuyên viên cao cấp, chắc hẳn bạn cũng không tránh được “khớp”. Trường hợp này đã xảy ra cho tôi nhiều lần, mà lần nào tôi cũng “khớp”!

Đến khi già dặn rồi tôi mới nén được tâm trạng này và mới hiểu được một chuyện thật đơn giản: một cuộc thương thuyết là một nơi có hai phe bình đẳng. Có bên bán thì có bên mua. Có bên muốn nói thì cũng có bên lắng tai nghe. Chức tước ngoài xã hội không là gì, ngoại trừ sự kính nể phải có với mỗi đối tác trên bình diện cá nhân.

Giống như chuyện thằng Bờm vậy. Phú Ông là người giàu nhất làng vẫn phải tôn trọng phe bên kia, là một thằng bé chăn trâu với tài sản rất nhỏ là cái quạt mo! Hai phe Bờm và Phú Ông không thể lấy giàu nghèo mà ếm ép nhau.

Đã có lần tôi phải đàm phán tay đôi với một vị Tổng thống của một quốc gia bên bờ Ấn Độ Dương. Ông ấy ngồi giữa các quân thần, lại còn cho thăm dò trước để gây áp lực bằng chức quyền trên tôi. Tôi đi có một mình, nhưng có sẵn ủy nhiệm thư của Hội đồng Quản trị. Đến lúc chuyện tế nhị nhất phát xuất, tôi chỉ dùng lời lẽ “phe ông-phe tôi” để tránh tự gây thêm áp lực. Và tôi đã thương thuyết thành công trên tinh thần bình đẳng, tuy tôi nhìn nhận mình hơi căng thẳng một chút trong khi phe kia có vẻ thoải mái hơn. Cái hay trong thương thuyết là khi ngồi vào bàn hội nghị thì dù có mèo với chuột cũng vẫn hoàn toàn bình đẳng!

Trừ khi bạn bị kéo vào một cuộc thương thuyết thiếu bình đẳng, ví dụ như có súng ống chĩa vào mình, bạn chỉ nên nhớ một điều: đã không bình đẳng thì không còn là thương thuyết nữa. Bạn đừng bao giờ ký vào một mảnh giấy nào. Vì súng chĩa đã đành, nhưng họ vẫn cần bạn ký! Bạn mà ký rồi thì họ không cần bạn nữa.

Trong một dịp khác, tôi từng một mình ngồi trước mặt một Chủ tịch sáng lập viên một Chaebol Hàn Quốc nổi tiếng thế giới, và tôi đã thương thuyết tay đôi với ông ta 3 ngày 3 đêm. Vào một lúc khác tôi cũng đàm phán với một Đại tướng Tư lệnh quân đội một nước hùng mạnh. Vào những lúc đó tôi cứ tự nhắc nhở rằng bút ký của tôi nặng bằng đúng bút ký của đối tác, bất chấp chức tước, quyền lực của họ.

Bạn cứ nhớ là khi thương thuyết, dù với ông Trời chăng nữa, dù với đạo quân chăng nữa, hai bên đều hưởng qui chế bình đẳng. Nếu chẳng may phe bạn chỉ có một người thì đó cũng không là lý do để chịu lép vế. Nếu may mắn hơn, phe bạn là một đạo quân hùng hậu với kỹ sư, luật sư, chuyên viên mà bên kia bàn hội nghị chỉ là một anh đại biểu vô danh, thì rốt cuộc bạn cũng chẳng ép người ta được.

Một phần của tài liệu Một đời thương thuyết: Phần 2 (Trang 83 - 84)