Sức lực và tâm trí
Đối với những người trẻ tuổi mới vào nghề, việc được gửi đi đàm phán một mình hay là thành viên trong phái đoàn thường làm họ háo hức tột độ. Chưa nói gì đến việc đàm phán, chỉ được lên máy bay lần đầu cũng là một trải nghiệm vừa kinh hãi vừa lý thú.
Nào là lần đầu tiên bay qua quỹ đạo, rồi lần đầu tiên bay qua vĩ tuyến giờ của thế giới, lần đầu tiên bay qua Đại Tây Dương, Thái Bình Dương. Xong thì lại lần đầu tiên đi qua Bắc Cực, Alaska, rồi lần đầu tiên sang Phi Châu, Úc Châu. Và Nam Mỹ cũng đã là một khám phá li kì. Một trăm thứ lần đầu tiên đi đây đi đó được công ty đài thọ.
Nào là được ngồi ghế hạng “Business”, lâu lâu được đi tháp tùng Chủ tịch lại còn được leo lên ghế hạng “First” (hạng nhất), vào khách sạn 5 sao, mà thứ 5 sao đặc biệt cơ, giống như một kiểu 6 sao. Lúc đó lại chợt nhớ đến thuở nhỏ đi cắm trại với hướng đạo sinh, đến đêm đem chiếu ra bãi cát ngủ mà suốt đêm lại thấy êm ái như trong khách sạn nghìn sao, làm cho sự so sánh 5 sao với nghìn sao thật thấm thía.
Nào là được dự những bữa tiệc ở những nơi dành cho giới “thượng lưu”, được đi du lịch ghép theo chuyến đi làm việc nơi xa… Đối với những bạn nào sâu sắc thì còn cảm nhận được
niềm hạnh phúc gặp gỡ những người tứ xứ, không những trong các buổi họp chính thức mà còn ngoài khuôn khổ thương thuyết nữa. Vào những ngày cuối tuần, không được về nước, các bạn này dùng ngày nghỉ đi thăm thác Niagara, núi Kilimanjaro, sa mạc Sahara, những đền đài như tháp Borobudur, Angkor Wat, tháp Eiffel, hồ Leman, Vạn Lý Trường Thành… Và đôi khi, đơn giản hơn, chỉ đi bộ trên “Fifth Avenue” (Đại lộ thứ 5) tại New York, Hyde Park (công viên Hyde) tại London hay Tòa Thánh Vatican ngay trong thủ đô Roma bên Ý cũng là một diễm phúc khó tả.
Rồi có những lần đầu tiên được bắt tay một vị Bộ trưởng, một Tổng thống, một Thủ tướng, một Chủ tịch. Cứ lần lượt như thế khi tuổi nghề đã cho phép lọt vào những chỗ được chọn lọc. Lòng bồi hồi sung sướng thấy được trọng vọng, đến khi ra về tưởng cuộc đời lắm lúc cũng “hoành tráng”.
Thế rồi đến tuổi đứng hơn nữa, thì đã có xe ra đón tận chân máy bay, tùy viên của Bộ trưởng đứng đợi và chào đón. Rồi được miễn thủ tục phi trường dành cho thượng khách mà về thẳng nhà nghỉ. Một hàng những cô gái mặc quốc phục làm hàng rào danh dự. Vào đến nghi lễ thì được đọc diễn văn khai mạc. Lần đầu nào cũng đượm những cảm giác lạ, mà lúc chưa kiềm được ham muốn danh vọng thì thấy khoan khoái và đẹp lòng không kể xiết.
Lại có một lần đầu tiên khác, khi tôi được vui vẻ ngồi chủ trì ngày ký hợp đồng lớn nhất trong lịch sử các dự án nhà máy điện. Tự tay mình ký vào hợp đồng vài tỷ đôla, lần đầu chữ ký của cá nhân mình đắt giá còn hơn vàng, thậm chí vừa ký vừa mường tượng không nổi số tiền dự án đó to lớn như thế nào. Trong những dịp như vậy, việc nhớ đến sĩ diện lại giúp quên đi trong chốc lát những nhọc nhằn không kể hết để đi tới kết quả.
Nhưng thú thật, nói xong mặt phải thì phải nói tới mặt trái. Cuộc đời của các “chiến sĩ thương thuyết” không tuyệt vời như bạn có thể tưởng nhầm đâu. Nhìn bề ngoài nó “vậy mà không phải vậy”!
Bạn ạ, khi đi đàm phán, dù là ở những nơi gần danh lam thắng cảnh cũng không thú vị đến thế đâu. Thứ nhất là tâm trí của người đại biểu căng thẳng vô cùng. Ngay trước khi đi có sự tranh giành giữa đồng đội nên khi về mà không đem theo hợp đồng đã ký thì sẽ bị nói xấu tệ. Trí căng thẳng, tim đập thình thình cả tháng trước khi đi chứ không phải chỉ 5 phút trước khi vào họp. Đến khi được làm đại biểu công ty lớn thì ôi thôi, phải quên chuyện tham quan đi, vì lúc nào cũng có cả đội tháp tùng theo, cho dù là ngày Chủ nhật hay ngày lễ.
Thế rồi, những lúc hiếm hoi bỏ rơi được phái đoàn để đi tham quan, nào có được vợ yêu đi theo, nào có được dắt con. Bạn đi một mình, hoặc nhiều mình, nhưng toàn là lính của công ty, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, mùa đông sang xuân rồi sang hạ, rồi thu, rồi lại đông… Và cứ như thế, ở tại chỗ. Nếu có gì để thăm thì cũng đã thăm nhiều lần rồi, và chỉ một vài tuần sau bạn sẽ chán ngán, quyết định ở lại luôn khách sạn nghỉ ngơi cho thoáng trí chứ cứ thăm tháp Eiffel hay đi bộ thơ thẩn mãi trong Hyde Park, bạn cũng thấy phát điên.
Dần dà bạn sẽ nhớ cơm gia đình, dù đạm bạc nhưng lại ấm áp. Bạn sẽ chán ăn cơm bản xứ. Có nơi như bên Ấn Độ thì cứ cà- ri sáng trưa chiều tối; bên Pháp thì thịt bít tết và dao với nĩa bữa này sang bữa khác; nếu đàm phán bên Nhật thì cá sống mỗi bữa chấm với nước tương Kikkoman pha với wasabi… Còn nếu bạn như tôi đã bị đi thương thuyết năm này qua năm khác bên Trung Quốc thì ôi thôi, tôi đã kể trong một chương trước, toàn
ăn là ăn, bữa nào cũng 12 món là ít; bạn bị ẩm thực làm chán ngán đến phải trốn hay phải khai trá là bị bệnh, chỉ xin nghỉ trong phòng với một bát cháo trắng.
Về thói quen thì lại còn tệ hại hơn nữa, nào bạn có quyết định được làm theo hứng thú riêng. Lúc buồn ngủ thì phải đàm phán, lúc tỉnh như sáo sậu thì phải chạm chén uống rượu ngắn dài, lúc đang ngủ thì bị đồng nghiệp kêu điện thoại ban đêm do sự cách biệt giờ giấc giữa nơi thương thuyết với mẫu quốc.
Thế rồi bạn phải thương thuyết bằng ngoại ngữ, suốt ngày, thậm chí thâu đêm. Rồi không biết bạn có chịu nổi một ngày liền nói tiếng Anh với thông dịch viên, xong rồi nghe ông này dịch sang tiếng Hoa, tiếng Hàn, xong đâu đó dịch lại cho bạn nghe phản ứng của đối tác ngoại quốc. Bạn ơi, cứ như thế, ngày này qua ngày khác ôn đi ôn lại ngữ vựng và văn phạm của xứ người, chán ngán lắm! Tôi có một đồng nghiệp rất ghét làm việc bằng tiếng Anh, sau một buổi làm việc 6 tiếng đồng hồ anh ấy kêu lên với các đối tác “Overdose!”, từ người ta thường dùng cho tình huống của một anh nốc thuốc suýt chết vì quá liều. Thỉnh thoảng, ông Chủ tịch hay Tổng Giám đốc công ty lại gọi sang quát một câu mà như giáng một nhát búa vào đầu bạn: “Sao, các anh đã ký hợp đồng chưa? Loay hoay gì mà lâu thế!”.
Sau khi tôi kể lể xong, bạn còn muốn làm nghề đàm phán nữa không? Bạn có chịu nổi xa gia đình lâu không?
Để tôi kể thêm với bạn chuyện này nhé, xem bạn sẽ phản ứng ra sao.
Vốn dĩ tôi đi máy bay ít nhất cũng 4 lần một tuần, và kỷ lục của tôi là đi 8 nước trong 7 ngày. Cứ như thế trong 40 năm, nên bạn thử đoán xem có bao nhiêu lần tôi đã thoát nạn? Xin thưa có 3 lần! Thế là ít hay là nhiều? Tính theo xác suất thì cũng đã cao, vì 3 lần trên vài ngàn chuyến thì xác suất cao hơn tiêu
chuẩn an ninh của những chuyến hàng không. Còn đối với vợ tôi thì ba lần tôi gặp rủi ro là ba lần làm cho cô ấy điên lên. Những lần ấy nếu không có cả Phật lẫn Chúa che chở thì tôi cũng không còn được ngồi đây chia sẻ những chuyện này với các bạn nữa! Do đó, về sau mỗi khi tôi phải lên phi cơ thì gia đình không kiềm nỗi sự lo âu do ám ảnh tai nạn.
Lần đầu tiên thoát nạn là trên máy bay của Thai Airways. Lên phi cơ từ Bangkok, Thái Lan, một động cơ Boeing cháy giữa đường, vào một đêm đen như mực. Cô tiếp viên vội vã đi đóng tất cả các cửa sổ để hành khách không nhìn thấy lửa phùn phụt từ cánh bên phải của phi cơ. Thấy tôi biết chuyện gì đang xảy ra, cô đã nhẹ nhàng xin tôi giữ bình tĩnh, đừng báo động. Tôi nghe đâu cơ trưởng đã quyết định thả cho động cơ rơi xuống biển và chúng tôi đã quyết định quay về Bangkok rồi cập bến an toàn. Hú vía!
Lần thứ hai thì tôi ngồi trên chiếc phi cơ của Garuda, Nam Dương đi qua núi lửa Krakatoa mới khởi dậy, đang phun khói. Phi cơ chỉ bay qua đám khói và tro ở tầng cao 10.000 thước thôi mà vẫn bị tắt máy trong hơn 10 phút và mất cả tốc độ lẫn độ cao. Rồi đến khi phi cơ chỉ còn 3.000 thước nữa là chạm đất thì máy bất thình lình bật lên trở lại làm cho hành khách đi từ tuyệt vọng đến hồi sinh. Cái thứ hồi sinh này nằm mãi vào ký ức như là một trang sử rùng rợn, giữa những tiếng hú sợ hãi đến man rợ của hành khách.
Lần thứ ba thì còn hoảng hơn hai lần đầu nhiều. Hôm đó, tôi ngủ dậy muộn mà đường lên phi trường lại bị kẹt xe, nên lúc tới nơi thì thủ tục đăng ký hành khách đã khóa. Tôi nài nỉ mãi xin lên phi cơ chưa cất cánh nhưng rốt cuộc vẫn bị từ chối, đành phải đợi chuyến sau. Đúng hai tiếng sau, khi đang còn ngồi ở phi trường, tôi được nghe thông tin rằng máy bay “của tôi” (mà
tôi vừa hụt chuyến đi) đã đâm vào núi tử nạn. Vài ngày sau, tôi đọc báo về chuyện thê thảm ấy, không còn ai sống sót cả. Và giống như tất cả các tai nạn thê thảm khác, sự việc xảy ra như có số Trời vậy. Lần ấy tôi đã giấu nhẹm vợ chuyện tử nạn hụt này vì không muốn cô ấy có thêm những nỗi lo sợ khó kiểm soát.
Khốn khổ nhất cho tôi là cứ hễ một chuyến bay nào có vấn đề trên cả thế giới thì, y như rằng, vợ tôi lại gọi điện thoại cuống quít, anh không đi chuyến ấy hả?… Cứ như thế trong mấy chục năm. Chẳng biết một người phụ nữ nào khác ở địa vị vợ tôi có chịu nổi cảnh ngộ đó không? Làm vợ những người phải lên phi cơ thường xuyên không nên yếu bóng vía. Nào có ai lý luận theo xác suất vào những lúc gay go như kể trên?
Để tóm tắt cho những bạn nào hiếu kỳ đang tìm hiểu số kiếp của những doanh thương, thì chỉ cần nói vỏn vẹn: ăn ngủ không ngon, cuộc sống gia đình không bình thường, nhịp sống thất thường, rủi ro cao, căng thẳng dài dài, và cho dù đã đi hàng chục quốc gia thì đi đâu cũng chỉ thấy phi trường và khách sạn thôi. Và đến khi về hưu thì huyết áp đã quá cao, dạ dày đã tan nát, ruột gan không còn bình thường, nhất là không chịu nổi chuyện phải ngồi không sau 40 năm bay nhảy với chuyện cất cánh và hạ cánh thất thường. Bạn cứ hỏi thăm tất cả những thương gia đi đây đó nhiều xem có đúng như vậy không?