Không có lời khuyên nào tốt hơn là bạn hãy ráo riết học ngoại ngữ vì đây là khuyết điểm số một của phần đông chúng
ta. Trong một trang trước, tôi đã nêu trường hợp phải đàm phán thông qua thông dịch viên. Khó khăn làm sao!
Bạn ạ, về lãnh vực ngoại ngữ chúng ta rất dễ chủ quan. Không phải mỗi khi đi đây đi đó thấy thoải mái với trình độ ngoại ngữ của mình mà có thể nghĩ rằng trình độ đủ cao để đàm phán. Một cuộc thương thuyết kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Những đối tác có cách nói riêng biệt, với những âm điệu khác biệt. Phải thạo ngoại ngữ lắm mới nắm bắt được hết.
Chỉ nói về Anh ngữ thôi, tôi đã gặp trường hợp một buổi họp có đủ loại người nói tiếng Anh. Nào là anh chàng Hồng Kong nói Honglish, bà Singapore nói Singlish, ông người Anh nói giọng Cockney, người Úc từ Brisbane lại uốn lưỡi kiểu khác rất khó nghe, bạn Mỹ thì lèo nhèo tiếng Anh “cowboy” giọng mũi. Nếu tiếng Anh của bạn đủ phong phú để có thể hấp thụ được hết thì có lẽ bạn là vô địch rồi. Ngày nay, thế giới đang trong giai đoạn toàn cầu hóa, tuy nhiên có một trăm cách nói tiếng Anh. Ngay tiếng Hoa cũng có vài chục cách.
Để minh họa cho trình độ trong nước, tôi đã có dịp dự nhiều buổi họp mặt quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh với những MC nói tiếng Anh rất tự tin. Hẳn ông MC này là Việt kiều Mỹ. Các bạn ngồi bàn rất thán phục. Tuy nhiên lúc ra về có bạn Mỹ nói với tôi rằng có lúc bạn ấy không hiểu ông MC nói gì, không biết vì lặp vần không rõ hay câu không đầu không đuôi. Như vậy tiếng Anh của ông MC này chưa đạt được chuẩn mực (cho một MC!). Chỉ một sự đánh giá đó cũng đủ để cho chúng ta ý thức được đường còn rất dài trước khi chúng ta nắm vững thực sự ngoại ngữ để vào thương thuyết.
Hồi còn trẻ, tôi được học tiếng Anh sớm. Tuy nhiên, đến khi vào đời làm việc mới thấy còn phải học thêm nhiều. 40 năm sau, tuy tôi có thể khẳng định tôi nói 3 thứ tiếng với trình độ
như tiếng mẹ đẻ (Anh - Pháp - Việt) nhưng mỗi khi đi các nước nói tiếng Anh, như Ireland, Scotland, tôi vẫn không khỏi hồi hộp. Thú thật cũng có lúc tôi đuối không hiểu rõ người đối thoại muốn nói gì, chỉ do họ dùng tiếng Anh “bản xứ” với giọng “bản xứ”. Giỏi ngoại ngữ là một chuyện, nhưng khi micro hỏng rè rè trong một căn phòng ồn ào mà bạn vẫn hiểu ông Mỹ nói gì thì bạn mới thực sự nắm vững tiếng của ông ấy.
Tôi từng nhấn mạnh rằng việc dùng thông dịch viên vô cùng khó khăn, đã thế lại rất tốn ngân sách. Nước Việt Nam rất cần cộng tác với cả thế giới, chúng ta cần rất nhiều nhân sự hiểu thấu đáo tiếng nói và viết của hầu hết các nước tân tiến như Nhật, Hàn, Đức, Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Hoa, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Việc này Trung Quốc đã làm rất chuẩn từ nhiều chục năm nay. Trong các Bộ Thương mại hay Ngoại giao của họ, có rất nhiều chuyên viên dùng rất chuẩn đủ mọi thứ tiếng, và thêm vào đó có một trình độ kỹ thuật cao cho chính ngành họ phải thông dịch. Tôi đã gặp một số người này và xác nhận họ thực sự nắm vững ngoại ngữ chuyên ngành.
Bạn ạ, chúng ta hẳn chưa đạt được trình độ chuẩn bị đó. Nhưng tôi nghĩ bắt đầu ngay từ bây giờ không muộn đâu.