- Nợ nước ngoài sử dụng không hiệu quả sẽ để lại gánh nặng nợ cho các thế hệ sau. Biểu hiện ở phần thuế họ phải trích ra từ thu nhập để trả lãi và gốc cho các khoản nợ trong tương lai. Thuế sẽ không là gánh nặng khi các dự án đầu tư được tài trợ bằng vốn vay phát huy hiệu quả, nghĩa là dòng thu nhập ròng từ các dự án đảm bảo được các nghĩa vụ nợ, dân chúng còn có thể nhận được các phúc lợi xã hội từ khu vực công. Ngược lại, hiệu quả sinh lời của dự án kém buộc chính phủ phải tăng vay nợ hoặc tăng thu ngân sách để đáp ứng nhu cầu chi tiêu và trả nợ. Thuế quá lớn làm giảm mức thu nhập thực tế dành cho tiêu dùng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của dân chúng.
- Nợ nước ngoài tạo áp lực gây lạm phát. Khi chính phủ vay nợ nước ngoài, dòng vốn giải ngân sẽ làm dịch chuyển dòng ngoại tệ chảy vào trong nước. Nếu khi đó tỷ giá hối đoái tăng, thì luồng ngoại tệ này có thể giúp làm dịu sức ép lên tỷ giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên đây không phải là khoản viện trợ mà là khoản nợ phải được hoàn trả trong tương lai. Nhu cầu ngoại tệ dùng cho trả nợ gốc và lãi sẽ dần đẩy cầu ngoại tệ tăng lên, gây áp lực tăng tỷ giá hối đoái. Khi tỷ giá hối đoái tăng, đồng nội tệ giảm giá, hàng hóa nước ngoài mắc hơn tương đối so với hàng hóa trong nước, làm tăng chi phí đầu vào do nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc… dùng cho sản xuất kinh doanh, có thể gây ra sự tăng lên trong mặt bằng giá chung, dẫn đến nguy cơ lạm phát.
- Ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm của quốc gia. Hệ số tín nhiệmlà chỉ số đánh giá khả năng tài chính và khả năng thanh toán của một tổ chức đối với các
nghĩa vụ gốc và lãi của các công cụ nợ mà tổ chức đó phát hành. Hệ số tín nhiệm do các tổ chức quốc tế đánh giá có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp cận vốn và lãi suất vay của một quốc gia. Một quốc gia nằm trong nhóm nợ quá nhiều thì khả năng trả nợ sẽ rất thấp, nền kinh tế sẽ bị hạ bậc tín nhiệm. Điều này sẽ gây e ngại khi các tổ chức quốc tế xem xét yêu cầu xin vay của các quốc gia này vì khả năng thu hồi nợ thấp và rủi ro cao.
- Vốn vay ưu đãi thường gắn với các chiến lược kinh tế có lợi cho các nước chủ nợ. Họ có thể yêu cầu quốc gia con nợ dở bỏ hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước, chấp nhận một khoản ODA bằng hàng hóa dịch vụ do chính họ sản xuất, hoặc có chính sách ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như ưu đãi về thuế hoặc cho phép đầu tư vào các ngành hạn chế hoặc sinh lời cao. Sự phụ thuộc vào kinh tế kéo dài dẫn đến khả năng mất độc lập chính trị. Các quốc gia chủ nợ có thể tham gia vào các quyết định cải cách chính sách của quốc gia con nợ dưới hình thức tư vấn phát triển.
Tóm lại, nợ nước ngoài có lợi ích to lớn đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế nhưng cũng bao hàm những mặt trái vốn có của nó. Những mặt hạn chế này có ảnh hưởng sâu rộng và khá nhạy cảm, liên quan đến vấn đề độc lập chủ quyền của một quốc gia. Vì vậy cần phải hết sức cẩn trọng khi vay nợ nước ngoài.