Nâng cao hiệu quả của hệ thống giám sát an toàn nợ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nợ nước ngoài tại việt nam trong điều kiện hiện nay (Trang 78 - 79)

Để đảm bảo công tác giám sát an toàn nợ có hiệu quả cần cải cách trên 3 mặt sau:

Thứ nhất, phải xây dựng được một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và thống nhất điều chỉnh công tác giám sát nợ. Hiện nay nợ nước ngoài chịu sự chi phối của nhiều văn bản pháp lý, trong đó cao nhất là Luật Quản lý nợ công năm 2009 và Nghị định 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 về Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài. Nhìn chung khung pháp lý về giám sát và quản lý nợ khá đầy đủ ở các mặt, nhưng cần phải rà soát lại các nhóm văn bản xem còn có điểm nào chồng chéo, mâu thuẫn nhau hay không. Đối với Luật Quản lý nợ công, chính phủ hiện nay vẫn duy trì quan điểm không đưa nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. Do đó đối với khoản nợ đang có xu thế tăng mạnh này, vấn đề thống kê và giám sát cần phải được luật hóa bằng một văn bản pháp lý riêng để hạn chế bớt những rủi ro có thể làm ảnh hưởng đến an toàn nợ chung.

Thứ hai, xây dựng một hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu giám sát nợ công cũng như nợ nước ngoài đầy đủ, bao quát được các nội dung và đối tượng cần giám sát. Hệ thống chỉ tiêu giám sát phải được xây dựng theo hướng thu hẹp các chuẩn mực trong nước với chuẩn quốc tế, đặc biệt phải đảm bảo số liệu được cập nhật, chính xác, kịp thời. Theo đó cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống dữ liệu thông tin bằng các phần mềm chuyên biệt, các

công dụng tự động hóa ở một số khâu cần thiết, giúp quy trình thu thập và thống kê các dữ liệu về nợ chính xác và kịp thời hơn.

Thứ ba, tăng cường công tác giám sát và phòng ngừa rủi ro vi phạm ngưỡng an toàn nợ. Kiểm soát vay nợ thông qua công cụ nợ như chiến lược vay và trả nợ; chương trình quản lý nợ trung hạn, các kế hoạch và hạn mức trên cơ sở các chỉ tiêu an toàn nợ. Bên cạnh đó, lập nghĩa vụ nợ dự phòng phải kết hợp với xây dựng các phương án xử lý rủi ro, trong đó có tính đến các rủi ro từ khoản nợ doanh nghiệp nhà nước tự vay, tự trả nhằm đảm bảo tính toàn diện của phương án; đảm bảo khả năng thanh toán nợ trong phạm vi kiểm soát, không để phát sinh nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nợ nước ngoài tại việt nam trong điều kiện hiện nay (Trang 78 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)