Việt Nam đã gia nhập vào nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, lượng vốn ODA và mức ưu đãi sẽ giảm dần trong thời gian tới. Trong khi nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế- xã hội vẫn rất lớn thì việc sử dụng song song các nguồn tài chính bổ trợ bên cạnh nguồn vốn ODA truyền thống là rất cần thiết. Một số kiến nghị:
Đối với nguồn vốn ODA: cần có những công tác chuẩn bị ứng phó với lộ trình
giảm vốn ODA, tạo ra khoảng thời gian cần thiết để chuyển đổi dần việc sử dụng nhiều hơn các nguồn vốn khác. Cụ thể:
- Trước tiên cần chú trọng tối ưu hóa nguồn vốn đang ngày càng hạn hẹp, cân nhắc việc phân bổ nguồn lực này vào các lĩnh vực thật cần thiết, khó thu hút các nguồn vốn tư nhân. Trước mắt, vốn ODA vẫn ưu tiên đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng xã hội trong các lĩnh vực giao thông vận tải, điện năng và giáo dục đào tạo. Trong đó, ưu tiên phát triển hệ thống đường bộ ở những địa bàn có lưu lượng hàng hóa lớn nhằm kết nối các địa phương, vùng miền với nhau, kết nối khu vực với quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cả nước. Tiếp tục đầu tư phát tiển hệ thống nguồn điện, mạng lưới điện truyền tải; lựa chọn công nghệ tiết kiệm năng lượng. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa,
hiện đại hóa để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn ODA cam kết trong các điều ước quốc tế giai đoạn từ năm 1993 đến nay đạt 78,195 tỷ USD, trong đó vốn ký kết trong các hiệp định cụ thể đạt trên 63,05 tỷ USD, chiếm 80,63% tổng vốn ODA cam kết; vốn ODA giải ngân đạt 42,09 tỷ USD, chiếm 66,75% tổng vốn ODA ký kết. Tức là số vốn ODA còn chưa giải ngân theo các hiệp định cụ thể vào khoảng 20,96 tỷ USD. Nếu như Việt Nam có thể giải ngân hết số vốn này thì có thể đảm bảo cho nhu cầu vốn trong khoảng vài năm tới nữa, đây sẽ là khoảng thời gian để Việt Nam tìm kiếm các nguồn vốn bổ trợ khác. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân ODA trước hết cần giải quyết các vướng mắc trong thời gian qua, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó cần xây dựng khung chính sách tái định cư để rút ngắn thời gian trình và phê duyệt dự án, chú trọng sự hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ. Các bên cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư, tăng cường hiệu quả giám sát và đánh giá chương trình dự án, tháo gỡ kịp thời vướng mắc phát sinh.
- Thứ ba, cần thống nhất nhận thức về nguồn vốn ODA không thuần túy là nguồn vốn viện trợ, mà là khoản vay phải hoàn trả bằng chính tiền thuế của nhân dân. Quan điểm sai thì cách tiếp nhận, sử dụng và quản lý vốn sẽ có nhiều bất cập, lãng phí và tham nhũng là hai trong số đó. Giải pháp cho vấn đề này là kết hợp tuyên truyền nhận thức với theo dõi, đánh giá dự án sử dụng vốn ODA. Để đảm bảo khách quan, hoạt động đánh giá dự án phải được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất, có hệ thống và toàn diện trên cả ba giai đoạn của dự án từ khâu lập kế hoạch và thiết kế kỹ thuật cho đến khi toàn bộ dự án kết thúc.
Đối với nguồn vốn ngoài ODA: thu hút thêm các nguồn vốn tài chính khác có chi
phí thấp để bổ sung cho đầu tư phát triển trong điều kiện đảm bảo được vấn đề an toàn nợ và không làm ảnh hưởng sự ổn định kinh tế vĩ mô. Một trong các biện pháp đó là tăng cường kêu gọi sự tham gia của khu vực tư nhân theo mô hình hợp tác công tư. Mô hình hợp tác công tư là mô hình mà theo đó nhà nước và tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ công hoặc công trình công ích của nhà nước. Lợi ích lớn nhất của mô hình này là chia sẻ gánh nặng về vốn đầu tư cho nhà nước (thông thường vốn góp nhà nước khoảng 30% tổng vốn dự án), không làm tăng nợ công mà nhà nước vẫn nắm quyền sở hữu, quản lý. Mô hình hợp tác công tư thực ra đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu nhưng do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, còn thiếu đồng bộ, các ràng buộc về vốn cứng nhắc,thiếu sự tương đồng quyền lực và quyền hạn nên chưa hấp dẫn khu vực kinh tế tư nhân. Do đó điều tiên quyết để phát triển mô hình này là tạo ra một khung thể chế, pháp lý đầy đủ và ổn định; công khai minh bạch thông tin và cơ chế, cam kết bền vững cho quyền lợi của nhà đầu tư. Khi đảm bảo được sự hài hòa lợi ích trong quá trình hợp tác công tư thì mới khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia tích cực hơn.