- Tỷ giá và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài. Việc thanh toán nợ nước ngoài được thực hiện bằng ngoại tệ, nếu lượng ngoại tệ dự trữ không đủ đáp ứng cho nhu cầu chi trả thì nước đi vay phải tiến hành mua ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Do đó vay vốn nước ngoài luôn chịu rủi ro từ các biến động về tỷ giá hối đoái, cụ thể là ảnh hưởng đến giá trị danh nghĩa của khoản nợ gốc và chi phí lãi vay tính theo đồng bản tệ. Khi tỷ giá tăng, đồng nội tệ giảm giá, nước đi vay sẽ mất một lượng
nội tệ nhiều hơn để có thể mua đủ số ngoại tệ trả nợ. Ngược lại, khi tỷ giá giảm, gánh nặng nợ nần theo giá trị danh nghĩa giảm.
- Tỷ giá tác động gián tiếp thông qua cán cân thương mại. Cán cân thương mại là một bộ phận của tài khoản vãng lai, ghi chép những thay đổi trong quyền sở hữu các sản phẩm hữu hình, hay nói cách khác ghi nhận những thay đổi trong xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định. Hoạt động xuất nhập khẩu mang lại nguồn ngoại tệ trả nợ, lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động của tỷ giá hối đoái, gây ra một sự thặng dư hoặc thâm hụt trong cán cân thương mại. Khi tỷ giá tăng, đồng nội tệ giảm giá, hàng hóa nước ngoài sẽ đắt hơn so với hàng hóa nội địa, nhập khẩu sẽ giảm, đồng thời kích thích xuất khẩu, dẫn đến cán cân thương mại được cải thiện, nguồn ngoại tệ thu về dồi dào hơn. Ngược lại, khi tỷ giá giảm, đồng nội tệ tăng giá, hàng hóa nước ngoài rẻ hơn tương đối so với hàng hóa trong nước, kích thích tăng nhập khẩu, giảm xuất khẩu, luồng ngoại tệ thu về nhỏ hơn luồng ngoại tệ chảy ra nước ngoài do thanh toán hàng nhập khẩu, cán cân thương mại thâm hụt. Để bù đắp thâm hụt, chính phủ sẽ dùng nguồn dự trữ hoặc vay thêm nợ, từ đó gánh nặng nợ tăng.