Với các đặc điểm của một nước đang phát triển, Việt Nam đã lựa chọn phát triển kinh tế theo chiều rộng ở giai đoạn đầu, dựa trên lợi thế khai thác nguồn tài nguyên và lao động giản đơn giá rẻ. Tuy nhiên sự phát triển đó đến một giai đoạn nhất định sẽ không còn phù hợp với nền kinh tế nữa, nhất là trong giai đoạn hiện nay nhiều yếu tố đã có sự thay đổi đáng kể, chẳng hạn: giá đất đã tăng lên rất cao, tiền lương công nhân cũng không thể giữ ở mức thấp như trước đây,… Những yếu tố này làm cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong lúc này, nếu vẫn giữ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và tiếp tục gia tăng vốn đầu tư thì nền kinh tế cũng khó tăng trưởng như mong muốn, có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do đó, việc vay nợ nước ngoài để bổ sung vốn đầu tư hiện nay phải gắn liền với chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế theo chiều sâu,
nâng cao tay nghề lao động để tăng năng suất lao động, sản xuất những hàng hóa chất lượng cao, giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu những mặt hàng chế biến. Song song đó, cần tạo các điều kiện thuận lợi để làm nền móng cho chương trình tái cấu trúc kinh tế như xây dựng tuyến đường sắt Bắc Nam hiện đại, xây dựng nhà máy đóng tàu phục vụ đánh bắt thủy hải sản, xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp,.. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghề để đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc các doanh nghiệp hiện có.
Như vậy, để nền kinh tế có thể hấp thụ hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài, để Việt Nam có thể thoát khỏi ngưỡng thu nhập trung bình thì ngoài tuân thủ các chỉ tiêu quản lý nợ nước ngoài, cần phải gắn với việc thực hiện chương trình tái cấu trúc nền kinh tế.