Biểu đồ 2.1: Nợ nước ngoài khu vực công và được khu vực công bảo lãnh từ 2002- 2012
Nguồn: Bộ tài chính [8], [9]
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, tính đến hết ngày 31/12/2012, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP là 41,1%, tương đương 1.094 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ nước ngoài của khu vực công và được khu vực công bảo lãnh là 876,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,9% GDP và 54,3% trong tổng dư nợ nước ngoài. Trong vòng 10 năm kể từ năm 2002, nợ nước ngoài của khu vực công và được khu vực công bảo lãnh đã tăng thêm 32.688 triệu USD (khoảng 732.528 tỷ đồng), tốc độ tăng bình quân năm là 16,3%. Về cơ cấu nợ trong giai đoạn 2002-2012, Biểu đồ 2.1 cho thấy các khoản nợ trực tiếp của chính phủ luôn chiếm tỷ trọng lớn so với nợ chính phủ bảo lãnh, trên 93% từ năm 2006
trở về trước và trên 82% ở các năm sau đó. Điều đáng quan tâm là tỷ trọng nợ được chính phủ bảo lãnh đang ngày càng tăng nhanh, từ mức 3,6% năm 2002 lên 6,6% năm 2006 rồi tăng vọt đến 17,2% năm 2012. Các khoản nợ này là nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, thường có lãi suất cao hơn nhiều khoản vay trực tiếp của chính phủ.
Ngoài ra, nếu xét về cơ cấu trong nợ nước ngoài của chính phủ thì phần lớn là nguồn vốn vay ODA, nguồn vốn này có các ưu điểm là lãi suất rất thấp và có một phần viện trợ không hoàn lại nên phù hợp với các nước đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển như Việt Nam. Sự hỗ trợ tài chính liên tục của hơn 30 đối tác trong cộng đồng quốc tế đã góp phần làm cho quy mô nợ nước ngoài, nhất là nợ của chính phủ ở Việt Nam gia tăng trong những năm gần đây.