- Về mặt pháp lý, cần sớm đưa dự thảo Luật Đầu tư công ra trình Quốc hội thông qua để có một văn bản luật bao quát điều chỉnh hoạt động đầu tư này. Thời gian qua các dự án đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chịu sự quản lý của rất nhiều tầng nấc quy định và luật gồm Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu. Nhưng trên thực tế do các quy định chồng chéo, thiếu rõ ràng, thiếu bao quát nên tạo ra lỗ hổng gây thất thoát trong đầu tư công, phát sinh vấn nạn phê duyệt dự án tràn lan, chưa quy được trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phê duyệt dự án nên có trường hợp dự án đầu tư không hiệu quả nhưng không đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm. Luật Đầu tư công mặc dù chưa đánh giá được hiệu quả đến mức nào sau khi được ban hành, song việc đưa ra một khung pháp lý riêng để điều chỉnh hoạt động đầu tư công đã là một bước tiến đáng kể. Đây sẽ là căn cứ hữu hiệu nhất để phân định trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan quản lý và chủ đầu tư.
- Về công tác đấu thầu, thẩm định và giám sát các dự án đầu tư: trước hết cần thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch nhằm lựa chọn những nhà thầu năng lực nhất. Quyết định lựa chọn dự án đầu tư cần phải căn cứ trên nhiều phương diện, chú trọng vào năng lực của nhà thầu chứ không chỉ căn cứ trên mỗi tiêu chí giá thầu thấp nhất. Tuyển chọn một cách kỹ lưỡng đơn vị tư vấn giám sát toàn diện các khâu của dự án, khuyến khích sự liên danh giữa đơn vị nước ngoài và trong nước cùng thực hiện. Việc tổ chức giám sát các dự án đầu tư phải thực hiện qua nhiều cấp, nhiều vòng giám sát khác nhau, đảm bảo vốn đầu tư được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định và có hiệu quả. Có thể thử áp dụng phương thức giám sát đại
chúng thông qua việc thiết lập đường dây nóng, thu thập khiếu kiện của công chúng, như vậy có thể phát huy được tính giám sát xã hội đối với các dự án đầu tư.